.

Văn hóa tâm linh của người dân Tiền Giang

Cập nhật: 13:51, 03/04/2024 (GMT+7)

Tiền Giang với vị trí chiến lược, trong suốt chiều dài lịch sử, đã hình thành trên vùng đất này nhiều đô thị như: TP. Mỹ Tho - Mỹ Tho đại phố với gần 400 năm; TX. Gò Công - Làng Thành phố với gần 200 năm lịch sử; thị trấn Chợ Gạo gắn liền với kinh Chợ Gạo - một trong những trung tâm chế biến lúa gạo lớn nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với gần 150 năm hình thành và phát triển.

Tiền Giang là vùng đất có truyền thống văn hóa - nghệ thuật, với sự hiện diện và giao thoa văn hóa của dân tộc Kinh và Hoa đã tạo cho con người Tiền Giang bản sắc văn hóa riêng biệt và độc đáo với nhiều giá trị nhân văn phong phú. Thành phần dân tộc trên địa bàn tỉnh gồm: Kinh chiếm 99,77% dân số toàn tỉnh, Hoa chiếm 0,13%, Khmer chiếm 0,07% và các dân tộc khác chiếm 0,03%. Qua quá trình tiếp biến và hội nhập của các dân tộc đã tạo nên nét văn hóa riêng biệt. Vì vậy, việc duy trì và phát triển văn hóa tâm linh của cư dân nơi đây là rất quan trọng, góp phần mang đến nhiều giá trị tinh thần và khẳng định đặc tính văn hóa riêng của tỉnh.

Lễ hội Nghinh ông Vàm Láng ở huyện Gò Công Đông.
Lễ hội Nghinh ông Vàm Láng ở huyện Gò Công Đông.

Theo Niên giám thống kê Tiền Giang năm 2020, toàn tỉnh có 11 tôn giáo khác nhau, nhiều nhất là Phật giáo và theo báo cáo của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Tiền Giang năm 2020, toàn tỉnh có 23 tổ chức tôn giáo trực thuộc được công nhận hoạt động trên địa bàn tỉnh với 101 cơ sở thờ tự.

Người dân Tiền Giang luôn hướng đến những giá trị tinh thần thuần khiết, thiêng liêng, cao cả mang đậm bản sắc dân tộc. Một trong những nét văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân nơi đây là tục thờ cúng các vị thần, những người có công trong sự nghiệp khai phá, chống giặc ngoại xâm cũng như phát triển văn hóa. Diện mạo thần linh trong đình làng Tiền Giang là sự giao thoa giữa nhiều dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm và các dân cư bản địa khác; đồng thời có sự tiếp biến rõ nét. Tại đình làng, các vị thần được thờ cúng không chỉ có Thành Hoàng bổn cảnh mà còn có các vị thần như: Thổ Công, Thần Nông, Thổ địa và các thần nữ bà Ngũ hành, bà Chúa Xứ. Đây cũng chính là một trong những nét văn hóa tâm linh gắn liền với cư dân làm nghề nông.

Thờ cúng các vị thần đã trở thành một nét đẹp văn hóa được các dân tộc tỉnh Tiền Giang giữ gìn từ xưa đến nay, nhằm mục đích tưởng nhớ công lao các vị thần đã bảo vệ bình yên cho cuộc sống nhân dân, nêu cao đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”. Văn hóa thờ cúng các vị thần có nhiều nét riêng đã góp phần tô điểm cho bức tranh tổng thể về văn hóa tâm linh tại tỉnh Tiền Giang ngày càng phong phú và tạo ra nhiều giá trị văn hóa mới.

Ngoài sinh hoạt tín ngưỡng thờ các vị thần, cư dân làm nghề biển các huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang còn có tục thờ cá voi hay loài cá được cư dân gọi một cách kính trọng là cá Ông. Trong chiều sâu tâm thức, ngư dân đặt tin tưởng vào sinh vật khổng lồ vừa “hiền” vừa “thiêng”. Mỗi khi ra khơi, người dân chài lưới thường cúng vái với tâm niệm được cá Ông giúp đỡ để vượt qua những lúc biển động, sóng gió hãi hùng, dù rằng sự cứu giúp đó mang tính huyền thoại nhiều hơn là hiện thực.

Việc thờ cá Ông được ngư dân Tiền Giang quan niệm là một cách “Đền ơn đáp nghĩa” theo luật nhân quả của đạo Phật, coi cá Ông như là một thứ thần hộ mạng giữa biển khơi đầy sóng gió. Sự thờ cúng cá Ông cũng tạo ra một lễ hội trong đời sống văn hóa tâm linh của các huyện vùng biển tỉnh Tiền Giang. Lễ hội cũng là dịp để người dân làng chài thư giãn và lấy lại tinh thần sau những ngày lao động vất vả; đồng thời, để bày tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật “thiêng” ở vùng ven biển Tiền Giang.

Văn hóa tâm linh là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam nói chung và người dân Tiền Giang nói riêng. Văn hóa tâm linh có sức lan truyền mạnh mẽ, tạo ra những rung động thiêng liêng, tạo ra sự đoàn kết, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, đây cũng là cách để con người sống lương thiện giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

VĨNH SƠN

.
.
.