Thứ Ba, 16/12/2014, 11:07 (GMT+7)
.

Mẹ tôi!

Từ cuộc sống ngoài đời thường hay trong chốn lao tù tối tăm của giặc, má tôi - mẹ chiến sĩ Nguyễn Thị Nhung thường hay nói: “Đời người hễ có sanh là có tử. Sống khôn, thác thiêng. Sống rồi cuối cùng cũng phải chết, nhưng chết sao đừng để lại tiếng nhơ trên đời…”. Và má tôi đã làm theo.

Những ngày đầu tháng 9 lịch sử cách đây gần 20 năm, tại ấp Bình Trung, xã Tân Phú Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, đảng bộ, chính quyền cùng đoàn thể địa phương và gia đình đã tổ chức lễ tang cho má tôi - đảng viên cao niên, mẹ chiến sĩ tròn 90 tuổi đã nhiều lần vào tù ra khám của giặc, bị chúng tra tấn dã man, gây ra nhiều chứng bệnh ngặt nghèo.

Nghe tin má qua đời, bà con thân thuộc trong xã cũng như nhiều người có quan hệ công tác với má tôi từ trước tới những năm sau Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre đều thương tiếc, quý mến vì sự hy sinh cao cả của má suốt thời gian dài đối với cách mạng cũng như lòng quả cảm trước mọi kẻ thù.

Nhiều người còn nhớ, hôm ấy, sau khi đưa linh cữu má tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng, những cựu chiến binh đã từng được má tôi nuôi dưỡng, bảo bọc cũng như từng ở chung trong những lần bị giặc giam cầm còn nán lại và dạo quanh ngôi nhà lá đơn sơ của má tôi để hình dung lại nền nhà cũ trước kia mà bồi hồi nhớ lại nơi nào là hầm bí mật, nơi nào là vách đôi, nơi nào là tủ 2 ngăn, nơi nào là bồ lúa ví 2 đáy là những chỗ nuôi giấu cán bộ cách mạng; nơi nào là chỗ ngồi để in bột (ấn loát, in ấn), nơi nào để cối xay bột, nơi nào cất giấu tài liệu vừa in, nơi nào phi tang bột đang in khi có giặc tới và chỗ nào giặc tra tấn, đổ nước má tôi trước khi bắt trói đem đi…

Thời gian đã trôi qua nhiều năm. Chỉ kể từ lần bà bị giặc giam cầm, tra tấn lần thứ hai năm 1958, rồi lần thứ 3 vào năm 1965 cho tới ngày ra đi vào năm 1996, đối với những người trong cuộc, hầu như những dáng hình, những mẩu vật xưa vẫn còn đâu đó. Nhiều hiện vật, vết tích xưa không còn do giặc đốt phá tan hoang. Chỉ còn một món mà ai cũng coi đó là một kỷ vật, rồi ráp nhau hỏi:

- Còn cái cối xay bột!
- Cái cối xay bột của mẹ đâu rồi?
- Cái cối xay bột mẹ kê dưới gốc cây cui, nơi trước đây từng leo lên ngọn cây gác lính đó…
- Cái cối đó bà Mười cùng với anh em cán bộ bí mật xay bột để in tài liệu, truyền đơn, bích chương, biểu ngữ trong mấy năm khó khăn ác liệt nhứt (từ năm 1954) tới sau ngày Đồng Khởi đó.

Nhiều người cùng nói:
- Cái cối đá của mẹ Mười xứng đáng được đưa vô lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng tỉnh Bến Tre mới phải!

Cũng ngay hôm đó, khi dẫn các cụ đi xung quanh nhà, ven rừng lá dừa nước… để hình dung lại dấu tích xưa, tôi bỗng nhớ có lần tôi được gặp lại cô Ba Định sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi 2 cô cháu cùng vào Lăng viếng Bác tại thủ đô Hà Nội. Cô hỏi huyên thuyên về chuyện công tác, chuyện bị giặc bắt giam cầm, chuyện giữ vững khí tiết người cộng sản của má tôi.

Cuối cùng cô gửi lời chúc sức khỏe “Bà Mười cối đá Bình Trung!”. Trước khi chia tay tôi, cô Nguyễn Thị Định còn nhắc: “Hôm đó, trước khi lên đường về Mỏ Cày để họp bàn tính chuyện Đồng khởi thì chị Mười - má cháu đổ xài đi bắt tép đổ bánh xèo đãi cô một bữa rồi chống xuồng đưa cô qua bên xóm Miễu Cây Cui. Kể từ đó chị em xa nhau tới bây giờ!…”.

Ngược dòng thời gian, cách nay đã hai mươi năm. Vào một buổi chiều, sau giờ làm việc về, vừa vào nhà bỗng chuông điện thoại reo vang. Tôi vội nhắc ống nghe lên, chưa kịp hỏi ai, thì bỗng nghe tiếng chị Tư Cần, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre gọi vang trong máy:

- Tiền Phong đó hả? Em sắp xếp công việc cơ quan rồi về sớm với bà Mười, mẹ yếu lắm rồi! Chị với mấy anh em trong Ủy ban lên thăm, thấy mẹ vậy mà không nỡ bỏ về em à. Ủy ban huyện sẽ cử cán bộ y tế thường xuyên tới chăm sóc mẹ.
- Dạ em sẽ về gấp. Đáp lại lời chị mà đầu óc tôi bỗng quay cuồng.

Kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù biết bao việc bộn bề, song tôi vẫn thường xuyên đón đò máy từ Mỹ Tho về thăm má. Song cứ mỗi lần về thăm, dù chỉ mới có một ngày hay một đêm là má “đuổi đi”. Má nói:
- Thời chiến cũng như thời bình, con phải ráng mà lo cho tròn phận sự, đừng có bỏ bê. Má còn khỏe, đoàn thể với bà con ở đây không ai bỏ má đâu…

Tới giờ tôi lên đường, đốt đuốc tiễn tôi ra bến đò máy Bình Trung, má lại khóc. Má nói:
- Thảng thảng công việc cũng ráng về để má nhớ nghen con!
Mỗi lần như vậy, khi đò tách bến chạy ra khỏi vàm xa mút tầm mắt, tôi vẫn còn thấy ánh đuốc lá dừa của mẹ còn lập lòe trên bến.

Ngày tôi về nghỉ hưu trước thời hạn để chăm sóc má cũng là lúc sức khỏe của má cạn kiệt, ngày đêm cứ nhắc tới tên những cán bộ xưa từng được má bảo bọc trong nhà, có người đã chết, có người đã lâu không có dịp ghé thăm… rồi má khóc.

Một trong những nỗi đau tột cùng, dai dẳng đối với tôi mãi tới giờ và cũng có lẽ suốt cuộc đời vẫn không nguôi, đó là khi tôi tắm cho má, lúc này vì má đã yếu nên không còn giấu giếm gì với con nữa, tôi đã phát hiện ra xung quanh chỗ kín của má có nhiều vết sẹo lớn, nhỏ. Tôi rơi nước mắt hỏi má: Vì sao vậy? Má nói:

- Con còn nhớ cái đêm 25 tháng 7 năm 1965 âm lịch (má quên ngày dương rồi), đằng mình định lấy cái đồn Bình Trung, nhưng rủi không thành là do thằng Tám ác ôn, nó là dân trong làng mình, vậy mà nó đan tâm phản bội, một mặt nó hẹn giờ mở cửa cho đàng mình vào phá bót, kế đó nó lại âm thầm tập trung cả bầy lớp Mỹ lớp ngụy từ ngoài sông Cửa Đại đánh vô làm đằng mình hy sinh mười ba người.

Lúc đó má làm công tác binh vận. Nó khui hầm nhà mình bắt cán bộ đem bắn, đốt nhà và bắt má về quận Bình Đại tra tấn. Bọn ác ôn lấy dùi cui thọc vô cửa mình má ngoái cho chảy máu rồi lấy mủn dùa hứng, định bắt những người cùng ở tù chung uống để sợ nó. Lúc đó má còn kịp co chân hất vô mặt nó, làm đỏ dệ cả mặt mày, quần áo nó. Nó vừa chửi thề vừa đánh, đá má một chập nữa rồi bỏ đi…

- Vậy mà mấy cái chuyện này trước nay sao má không nói? Tôi hỏi.

Má nói:
- Báo mà làm gì hở con. Cùng trong trận quánh bót đó đã có nhiều đồng chí của má và cả em, cháu mình hy sinh. Má bị như vậy có thấm tháp gì đâu so với người đã chết mà đi báo với Đảng, với đoàn thể. Mần vậy coi kỳ lắm con. Thà má đau má ráng gánh chịu một mình.

Má có nhiều tên. Nhân dân Tân Định, nơi má chào đời gọi má là Hai Nhung - Nguyễn Thị Nhung. Nhân dân Bình Trung, cùng xã Tân Phú Trung (giờ là Định Trung) quê chồng là ông Cao Minh Tuân gọi má là bà Mười hay bà Mười Tuân. Trong cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Định Trung (1930 - 2005)” còn gọi là “bà Mười Trầu” (vì bà hay ăn trầu).

Riêng cán bộ, bội đội và du kích địa phương trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước đều gọi má hay mẹ vì má là thành viên Hội Mẹ chiến sĩ. Má là đảng viên cộng sản từ đầu những năm sáu mươi, là Phó ban Binh vận, Hội phó Hội Phụ nữ, Phó ban Đấu tranh xã Tân Phú Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đã từ lâu, cán bộ qua hai thời kỳ kháng chiến đều khen tặng má có lòng quả cảm, vẫn hiên ngang trước kẻ thù.

Má đã từng đi đầu trong các cuộc đấu tranh chính trị chống âm mưu lập khu trù mật, khu dân sinh, lập khu ấp chiến lược, cào nhà gom dân của giặc. Những chiến sĩ cách mạng nơi đây đã hy sinh như anh Tánh bị đám việt gian thời giặc Pháp ở huyện Bình Đại dùng lưỡi phảng chặt đầu quăng xuống sông, má cùng bà con đem về rửa sạch ráp vào thân đem chôn; như anh Thậm bị giặc bắt mổ bụng lúc còn sống và lấy gan xào uống rượu, má đem về lấy trọn bộ ván gõ của nhà mình để đóng hòm chôn...

Nhiều hành động quả cảm khác của má đã được báo chí nhắc đến dưới nhiều đề tài, đặc biệt Báo Đồng Khởi có bài viết nhan đề “Huyền thoại xóm Cây Cui” gồm những chuyện hoạt động cách mạng của má. Nhiều người nói: “Bà Mười rất xứng đáng được phong tặng Anh hùng”.

Qua năm 1945, má sanh thằng út (là tôi) thì cha tôi là ông Cao Minh Tuân cùng người con trai đầu lòng thoát ly theo cách mạng. Tên hương quản Tạ Quang Quỳnh, một trong những tên tay sai ác ôn khét tiếng thời Lơ-ong Lơ-Ro ghép má vào hai tội Việt Minh và vợ Việt Minh. Hắn sai quân dỡ nhà má và của bà con nơi đây cất đình, chùa. Hắn bắt má phải vô đạo Cao Đài.

Bọn ác ôn gom má cùng nhiều gia đình cách mạng khác về quận Bình Đại để thực hiện cái gọi là “chống giặc dốt”, buộc má cùng bà con nào không biết chữ phải chun ngang dưới đáy quần do chúng treo giữa cổng vô chợ, nếu ai chống đối lại chúng sẽ bắt giam.

Người chống lại đầu tiên là má. Má nói: “Muốn vậy thì mấy ông phải chun dưới đáy quần dơ đó trước đi rồi bà con tụi tôi mới biết cách mà chun theo chớ”. Liền đó má phải bồng con vào trại giam, bị chúng tra khảo nhiều ngày vì cái tội chống lịnh quốc gia. Khi ra tù, má bắt đầu đi theo con đường của cha tôi là làm cách mạng cho tới cuối đời.

Sau ngày đình chiến năm 1954, số cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc; số cán bộ cốt cán ở lại miền Nam tạm “điều lắng” bí mật hoạt động khắp nơi với nhiều ngành nghề để qua mắt giặc, chờ thời cơ nổi dậy. Cha tôi thuộc diện ở lại tiếp tục hoạt động tận Khu 9 (miền Tây). Nơi quê nhà, má đào hầm bí mật giấu cán bộ dưới ổ gà trong buồng, làm vách đôi, tủ 2 ngăn, bồ ví lúa 2 đáy, cả ngoài rừng lá ven bờ rạch sau hè... suốt nhiều năm trước và sau ngày Đồng khởi Bến Tre.

Những cán bộ cốt cán ở lại miền Nam hoạt động, có mặt ở đây suốt với má như các ông: Tư Thông, Năm Thái, Hai Kiềm, Ba Tình, Hai Bình, Tư San, Hai Lân (Ba Giảng), Bảy Bá, Mười Thi (Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh), Chính Ngay, Chín Khương, Mười Khướt, Tư Chí, Tư Long, Bảy Trọng, Tư Đầm, Chín Thiệu... Nhiều vị sau đó là cán bộ cấp cao, đặc biệt có cô Ba Định (Nữ tướng Nguyễn Thị Định), người lãnh đạo phong trào Đồng khởi tỉnh Bến Tre cũng đôi lần dừng chân nơi đây.

Năm 1958, do mật thám chỉ điểm, má cùng tôi bị giặc bắt vì cái tội chứa chấp Việt Minh. Tôi mới mười ba tuổi, bị chúng ghép vào tội đi giao liên cho “ông này, bà nọ”. Thằng Quế, thuộc loại ác ôn có tiếng ở huyện Bình Đại lúc đó nó dùng tay, chân đấm đá tôi túi bụi, tôi vẫn không khai.

Nó giam tôi khoảng 1 tháng rồi thả về nhưng vẫn tung do thám rà rê theo dõi. Riêng má, chúng kết tội nặng hơn, hết đổ nước mắm tới đổ nước xà bông... mà má vẫn một mực lắc đầu: “Tôi biết gì mà khai. Mấy ông có súng, có tạc đạn (lựu đạn), có dao găm đủ thứ thì cứ đi tìm mấy ông Việt Minh mà bắt”. Chúng hỏi:

- Chồng bà đâu?

Má trả lời:
- Ổng theo Việt Minh rồi!
Sau một năm giam cầm, chúng thả về, các hầm bí mật cũng như mấy khuôn ấn loát (in bột) má giấu ngoài đám lá dừa nước vẫn còn nguyên. Anh em lần hồi bám trở lại hoạt động.

Má nói:

- Nó đánh thà mình ráng trân mình chịu trận. Mình khai báo chẳng những không xứng đáng là người cách mạng, nhơ danh, xấu hổ với nhân dân, mà nó còn đánh cho mình chết luôn chớ thôi đâu.

Má xa chồng và lần lượt xa con kể từ ngày Nam bộ Kháng chiến năm 1945 cho tới cuối đời. Sự dũng cảm trước kẻ thù qua 3 lần bị giặc giam cầm tra tấn chết đi, sống lại vẫn vững dạ kiên trung với Đảng, luôn được bà con tin tưởng, được lớp người trẻ mến mộ.

Nhiều thanh niên được gia đình gởi gắm hoặc má bí mật đưa đi tòng quân cứu nước và đã có không ít chàng trai trở thành sĩ quan quân đội, thành Dũng sĩ diệt Mỹ, song cũng có người đã anh dũng hy sinh. Nhiều gia đình có con em còn sống đã trưởng thành đều “cảm ơn Bà Mười!”…

Sau ngày thống nhất đất nước, mỗi khi có dịp míttinh hay lễ lớn, người ta thấy má ngồi ở hàng ghế danh dự, mà trong lòng má cảm thấy bùi ngùi vì nhớ đến người chồng - Liệt sĩ Cao Minh Tuân và những cán bộ mà má từng nuôi giấu…

CAO NGUYÊN ANH

.
.
.