Thứ Tư, 23/04/2014, 14:19 (GMT+7)
.

Tô bún riêu

Giữa những năm 60, tôi có dịp sống chung với họa sĩ Lê Lam - là họa sĩ nổi tiếng cả nước - suốt thời gian khá lâu ở chiến trường tỉnh Bến Tre. Ngoài chuyện cùng hoạt động chuyên môn, anh thường hay kể chuyện xưa, chuyện nay ở miền Bắc - quê hương anh, nhất là mỗi khi đói bụng do giặc càn vào lâu rút quân, anh thường kể cho nghe những món ăn ngon ở quê anh như thịt chó nấu riềng, mẻ; cua đồng nấu lá đay (lá bố); cua đồng nấu riêu (bún riêu)…

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Thật ra, lúc bấy giờ, món cua đồng ở tỉnh Bến Tre cũng như các nơi khác ở Nam bộ người dân không chú ý tới nhiều do đặc điểm của xứ sở nhiều tôm cá và cua biển. Một hôm, chúng tôi đãi anh món cua biển rỉa thịt ra nấu canh rau bù ngót, nấu bánh canh, làm chả, cua lột um nước dừa xiêm…

Sau khi ăn, anh có cảm tưởng rằng:

- Thứ nào cũng có cái ngon của nó, nhưng cái món bún riêu của tớ là ngon… cực kỳ, các bác ạ!
Rồi sau đó họa sĩ Lê Lam đãi chúng tôi: “Phần Tiền Phong (tôi) là dân Bình Đại, tay “sát cá”, lãnh phần đi thụt cua đồng; nhà văn Trang Thế Hy lãnh phần giã cua; nhà thơ Chim Trắng lãnh phần chẻ rau muống. Riêng họa sĩ Lê Lam lãnh phần đứng bếp…

Khi nồi “nước lèo” sôi lên sùn sụt, thịt nạt cua trôi qua trôi lại có giề trên mặt nước, mùi cua bốc lên thơm phức, họa sĩ Lê Lam đầy vẻ tự hào:

- Các bác thấy đấy, tớ bảo hết ý là vậy đấy!

Chúng tôi chuẩn bị mỗi người một cái ca Mỹ cá nhân, đưa muổng sẵn sàng. Chờ có lệnh của đầu bếp là sáp vô. Ngoài ra, còn chuẩn bị trà đậm, thuốc Ru-bi, ăn xong rồi rít cho đã. Riêng nhà văn Trang Thế Hy (Phạm Võ), còn moi trong bồng bột ra một ve rượu ghiền cố hữu và cái chun mắt trâu để mỗi người nốc một cái khà cho vui.

Rồi chuyện bất ngờ xảy ra. Chúng tôi mỗi người múc đầy ca bún riêu thơm phức, chưa ai húp muổng nào. Họa sĩ Lê Lam còn đang quá khen cọng bún miền Nam do cô gái chủ nhà đi chợ mua về vừa trắng vừa dai… thì một chiếc máy bay trinh sát L19 của giặc (bà con gọi là “đầm già”) bay tới đảo qua mấy vòng và bỏ trái màu ngay chỗ chúng tôi sắp ăn bún riêu. Kế đó là máy bay phản lực tới ném bom dọn bãi cho máy bay trực thăng đổ dù. Chúng tôi đi lánh nạn. Chiều trở về chứng kiến cảnh vật bị giặc tàn phá tan hoang. Nồi bún riêu của chúng tôi thì đám lính sư đoàn 7 ngụy tém láng.

Chiến tranh là vậy. Song anh em chúng tôi vẫn tiếc nuối và cho tới hôm nay dù đã trải qua hơn bốn mươi năm, mỗi lần nhìn con cua đồng bò trên đồng ruộng là tôi lại chực nhớ tới xoong bún riêu lịch sử nghĩa tình ấy.

Bởi ngay sau đó chúng tôi mỗi người đi mỗi nơi. Họa sĩ Lê Lam lên đường về Hà Nội. Nhà văn Trang Thế Hy và nhà thơ Chim Trắng về Hội Văn nghệ R (Trung ương Cục miền Nam). Tôi rời Báo Chiến Thắng (Báo Đồng Khởi, tỉnh Bến Tre) lên đường về Báo Giải phóng miền Trung Nam bộ (Khu 8), năm tháng tới lui khắp chiến trường các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công, Long An, Kiến Phong, Kiến Tường, An Giang cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày 30-4-1975, nước nhà thống nhứt, cấp Khu 8 Trung Nam bộ cũng đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình và tổ chức giải thể, ai về tỉnh nấy lãnh nhiệm vụ mới, hay đi bất cứ đâu tùy nguyện vọng cá nhân. Tôi ở lại Mỹ Tho với Báo Ấp Bắc.

Điều làm tôi nhớ mãi là khi in số báo đầu tiên do nhà in của ta từ căn cứ kháng chiến mới chuyển về còn nhiều khó khăn, thiếu thốn không thể in nhanh và hợp “gu” được với độc giả xưa nay ở thành. Vì vậy chúng tôi phải vọt lên TP. Hồ Chí Minh in tại Nhà in Báo Nhân Dân 2 (trước đây là nhà in của Báo Tia Sáng), với máy móc hiện đại, in vừa nhanh vừa trang nhã cho đến nhiều năm sau.

Mỗi lần đi in, khi làm xong công việc về phần mình để giao cho công nhân kỹ thuật nhà in lên khuôn in, chúng tôi kéo hết ra chợ Cầu Kho để ăn tối. Không ngờ món ăn chính ở đây lúc bấy giờ lại là món… bún riêu - “Bún riêu cua Cầu Kho”. Mỗi tuần đến ăn một lần, chúng tôi ăn riết thành quen với bà chủ bán bún riêu cua.

Khác với mọi người cùng đi, mỗi lần người bán bưng tô bún riêu để trước mặt, tôi đều bồi hồi nhớ lại chuyện ca bún riêu năm xưa. Dù chưa hưởng được hương vị ngọt ngào của món ăn thời chiến, song tình nghĩa đậm đà những tháng ngày quây quần bên các anh làm tôi mãi mãi không bao giờ quên.
Bà chủ bất ngờ hỏi tôi:

- Giữa bún riêu ngoài Bắc với bún riêu Sài Gòn, ông thấy cái nào ngon hơn?

Tôi có ăn lần nào đâu mà so sánh, bèn lập lại câu nói của họa sĩ Lê Lam lúc bấy giờ để cho qua khi buồn nhớ: “Món nào cũng có cái ngon riêng của nó…!”. Và để bà vui, tôi thêm câu:  Bún riêu của bà cũng… rất ngon.

TIỀN PHONG

.
.
.