Thứ Sáu, 15/06/2012, 10:56 (GMT+7)
.

Có một ngôi trường khuyết tật chăm sóc, dạy dỗ bằng cả tấm lòng

Trường Khuyết tật Nhân Ái Tiền Giang tọa lạc số 290, đường Lý Thường  Kiệt (phường 5, TP. Mỹ Tho) tiền thân là trường chuyên biệt khiếm thính.

Đã từ lâu, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho mong ước trong giáo phận có một cơ sở từ thiện để góp phần với xã hội trong việc nuôi dưỡng, giáo dục các em khuyết tật. Niềm thao thức của giám mục đã trở thành hiện thực khi ngôi trường được xây dựng, đưa vào sử dụng ngày 12-4-2004.

Đến nay, trường đã đi vào hoạt động được 8 năm học. Trong năm học 2011 - 2012, trường có 102 học sinh khiếm thính từ 3 - 18 tuổi (trong đó có 98 em đang học tại trường từ lớp mẫu giáo đến lớp 5 và 4 em theo lớp “can thiệp sớm”).

Trường được thành lập và hoạt động dưới sự bảo trợ của Tòa Giám mục Mỹ Tho, do Giám đốc Giacôbê Hà Văn Xung, hiện là Cha sở Nhà thờ Chánh tòa Mỹ Tho quản lý, với sự cộng tác tích cực của quý Soeurs Dòng thánh Phaolô Mỹ Tho.

Trường mở 9 lớp từ mẫu giáo đến lớp 5, với 98 em
Trường Nhân Ái mở 9 lớp từ mẫu giáo đến lớp 5, với 98 em học sinh khiếm thính. Ảnh: Tuấn Lâm

Để tạo điều kiện cho các em được đến trường, đặc biệt các em ở vùng sâu, vùng xa gia đình còn nhiều khó khăn, nhà trường được mở ra theo diện từ thiện và thực hiện nội trú. Trường rộng 5.800m2 gồm: 1 dãy văn phòng; 2 dãy phòng học; phòng ăn rộng rãi, tươm tất, sạch sẽ; phòng sinh hoạt rộng rãi, được trang trí tao nhã, thích hợp với lớp tuổi thiếu nhi; 1 dãy nhà ở của quý Soeurs và có sân chơi thoáng mát.

Trường mở 9 lớp từ mẫu giáo đến lớp 5, với 98 em và 9 giáo viên (8 nữ, 1 nam) chăm sóc, dạy dỗ các em. Trung bình mỗi giáo viên phụ trách chỉ 10 em, vậy mà công việc không nhàn nhã chút nào, bởi tất cả các em đều khiếm thính (vừa câm vừa điếc). Quản lý một tập thể khiếm thính mà tất cả đều vào khuôn phép, với một thời khóa biểu hẳn hoi thì không phải là chuyện dễ dàng.

Chị Mai, mẹ của một em học sinh nói với chúng tôi: “Trường dạy hiệu quả lắm! Con tôi vào trường mới hơn 1 năm mà hiểu biết khá nhiều. Ở nhà dạy hoài mà con không hiểu gì hết!”. Còn anh Tâm: “… Vào đây, tôi thấy con vui vẻ hơn vì có bạn để… “nói chuyện” với nhau!”.

Ngoài học chữ, các em còn được học nghề theo năng khiếu hay sở thích như cưa lộng (với các em nam); thêu tay, thêu máy, móc (các em nữ) và học vi tính (cả nam lẫn nữ). Các em còn được tập múa như các em bình thường để phục vụ các dịp lễ... Sự nhịp nhàng, đồng bộ trên sàn diễn khi các em không hề nghe được tiếng nhạc đã khiến cho người xem thật bất ngờ, thán phục.

Nữ tu Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mọi người làm việc với lòng nhân ái. Chúng tôi chỉ mong sao khi lớn lên các em tự lo được cho mình!…”.

Và đúng như lời sơ Sương nói, từ ngày trường thành lập đến nay (8 năm), đã có 7 em học xong chương trình tiểu học và đã ra đời có chút nghề trong tay: 2 em vào làm công nhân cho Công ty SD, 2 em được vào làm cho tiệm vàng Ngọc Thẩm và 3 em nữ đã hành nghề thêu của mình.

So với các trường mầm non khác trong thành phố thì học phí của trường Khuyết tật Nhân Ái rất khiêm nhường. Bởi vậy, dù sạch sẽ, nhưng cơ sở vật chất nhà trường vẫn nhiều thiếu thốn: Tường cũ kỹ, có lẽ nhiều năm chưa được sơn lại; nền gạch có nơi bị bể chưa được sửa sang…

Nhìn những gương mặt ngây thơ nhưng không che được thoáng u buồn khi biết rằng mình phải chịu cảnh thân thể không được vẹn toàn như bao người khác thì khó mấy ai dằn được sự xúc động! Đối với Ban Giám hiệu và các giáo viên, đã chịu bao cực khổ và khó khăn để chăm sóc, dạy dỗ các em bằng cả tấm lòng: Tự nguyện, hy sinh, lòng nhân ái..., thật đáng quý! 

KHA TIỆM LY

.
.
.