Thứ Ba, 24/07/2012, 05:01 (GMT+7)
.

Hai tấm gương gia đình chính sách tiêu biểu

UBND TX. Gò Công vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện công tác Đền ơn đáp nghĩa (giai đoạn 2007-2011) và tuyên dương, khen thưởng gia đình chính sách tiêu biểu. Tại hội nghị đã khen thưởng 36 cá nhân xuất sắc là cán bộ làm tốt công tác thương binh xã hội, gia đình chính sách tiêu biểu và các nhà hảo tâm đã tích cực đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa thời gian qua.

CCB NGUYỄN VĂN LỨA - TẤM GƯƠNG CHIẾN THẮNG ĐÓI NGHÈO

Là 1 trong 5 cá nhân tiêu biểu được tuyên dương cấp tỉnh 5 năm, giai đoạn (2007 – 2011), cựu chiến binh (CCB) tiêu biểu Nguyễn Văn Lứa, sinh năm 1954, ngụ ấp Thành Nhứt, xã Bình Xuân, đã trải qua 13 năm gian khó cùng đồng đội, giúp ông kiên cường chiến thắng đói nghèo, quyết chí vươn lên bằng công sức, trí tuệ của người lính cụ Hồ, hiện ông là Phó Trưởng ấp và là hội viên CCB gương mẫu.

Tháng 5-1975, ông Lứa tham gia cách mạng tại Tỉnh đội Tiền Giang. Đến năm 1980 ông tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia cùng đồng đội trải qua nhiều hiểm nguy, gian nan. Năm 1988, ông Lứa chuyển về  công tác tại Trường Quân sự địa phương và đến năm 1990, qua giám định sức khỏe, ông được công nhận là bệnh binh hạng 2/3, với tỷ lệ mất sức 61% (do ảnh hưởng sốt rét ở chiến trường K).

Sau khi trở về quê nhà, với đôi bàn tay trắng, không ruộng đất ông cùng vợ đưa nhau về xã Bình Xuân làm ăn sinh sống. Không nhà cửa, gia đình ông mướn nhà ở tạm từ ấp 7, rồi chuyển sang ấp 2. Ông Lứa với nghề sửa radio, cassette, “may nhờ trời thương” nên được bà con trong ấp ghé tiệm ông ngày một khá đông, còn vợ ông tiếp tục dạy học tiếng Anh tại trường trung học cơ sở của xã.

Gia đình ông Lứa vốn lênh đênh, đã chuyển đổi nơi ở đến 12 lần, mới có mái nhà ổn định. Ngôi nhà khang trang hiện nay tại ấp Thành Nhứt đã được ông bà cật lực tích cóp, dành dụm xây cất, nhưng một phần còn phải vay mượn thêm. Ông bà nghĩ mình đã từng ở trọ nhiều nơi, giờ đây có ngôi nhà ấm cúng như thế là hạnh phúc đông đầy lắm rồi.

Dẫu hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, vất vả mưu sinh kiếm sống, nhưng gia đình ông Lứa luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người con gái an tâm học tập và tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Vật lý tại Trường Đại học Tiền Giang. Đó là cô Nguyễn Thụy Khánh Lam (sinh năm 1989), hiện là giáo viên môn Vật Lý của Trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công.

Ông Lứa từng là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Thành Nhứt, đến đầu năm 2012, ông Lứa được chỉ định làm Phó Trưởng ấp. Ông cùng với Trưởng ấp tuyên truyền, vận động nhân trong ấp thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác vận động nhân dân đóng góp các loại quỹ phúc lợi vì an sinh xã hội.

Phát huy truyền thống, bản lĩnh người lính bộ đội cụ Hồ, học tập và làm theo lời Bác từ những việc làm đơn giản nhất, vượt qua nghịch cảnh đời thường để “chiến thắng đói nghèo nuôi con thành đạt”, ông Nguyễn Văn Lứa xứng đáng được nêu gương CCB gương mẫu của Chi hội CCB ấp Thành Nhứt, địa phương giàu truyền thống cách mạng - xã Bình Xuân.

BÀ VÕ THỊ PHỤNG - TẤM GƯƠNG VỢ LIỆT SĨ TIÊU BIỂU

Bà Võ Thị Phụng (sinh năm 1932), ngụ ấp Ông Cai, xã Tân Trung, là vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Truyện (sinh năm 1932). Bà luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh nuôi con nên người, xây dựng nhà cửa khang trang, xứng đáng là  tấm gương vợ liệt sĩ tiêu biểu, gương mẫu thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng do địa phương phát động.

Chồng tham gia cách mạng và hy sinh vào năm 1958 trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, để lại cho bà 3 đứa con gái thơ dại. Lúc ấy bà Phụng mới 20 tuổi, gia cảnh rất nghèo túng, khó khăn đủ thứ, thương con bà quyết tâm vượt khó.

Bà Võ Thị Phụng (thứ 5 từ trái sang) được tuyên dương, khen thưởng.
Bà Võ Thị Phụng (thứ 5 từ trái sang) được tuyên dương, khen thưởng.

Bà chia sẻ: “Ông Truyện mất năm 1958, tui ở tới mãn phó, thương con lắm, nhưng gia cảnh quá nghèo khó tui đành gửi con lại nhờ mẹ ruột mình chăm sóc, rồi lên Sài Gòn vừa đi làm mướn vừa học may khoảng 6 tháng, sau đó quay về quê vừa may mướn vừa chăm sóc các con và dành thời gian tham gia công tác phụ nữ”.

Khó khăn chồng chất, cực khổ, vất vả là vậy nhưng bà vẫn “thủ tiết thờ chồng, nuôi con thành đạt. Hiện bà đang ở cùng với người con gái thứ ba là bà Nguyễn Thị Huệ (60 tuổi) không có chồng, người cháu ngoại trai Nguyễn Duy Lộc (43 tuổi) và đứa cháu cố gái.

Không trông chờ, ỷ lại vào chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước, tích cóp từ những đồng tiền dành dụm may quần áo và gia đình chồng hỗ trợ, bà Phụng và con cháu tự xây dựng ngôi nhà từ năm 2000. Phải xây dựng đến 2 lần giờ đây ngôi nhà mới khang trang và là tổ ấm gắn bó của 3 thế hệ giữa bà và con cháu.

Giờ đây đã 80 tuổi nhưng trông bà còn rất khỏe, mỗi ngày bà còn đi chợ, nấu cơm, hái rau, chăm sóc hoa kiểng… Bà nghĩ rằng, dù lớn tuổi nhưng cũng phải lao động chân tay cho xương cốt không bị nhức mỏi, mặc dù hiện tại bà Phụng cũng mắc các chứng bệnh của người cao tuổi như cao huyết áp, rối loạn tiền đình… Chính vì vậy, con cháu cũng thường xuyên quan tâm chăm sóc sức khỏe cho bà về chế độ ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi phù hợp, giúp bà sống vui sống khỏe cùng con cháu.

Hiện nay, chế độ dành cho vợ liệt sĩ và tiền trợ cấp người cao tuổi, hằng tháng bà Phụng được nhận hơn 1 triệu đồng. Nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 hàng năm, các đợt lễ, tết, lãnh đạo địa phương cũng quan tâm đến thăm chúc sức khỏe tặng quà cho bà.

Phát huy truyền thống cách mạng gia đình, bà luôn chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sống gương mẫu chan hòa nghĩa tình cùng bà con trong ấp, xứng đáng là gia đình chính sách tiêu biểu của xã văn hóa vùng ven.

HUỲNH CẨM

.
.
.