Bài 2: Thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh gặp khó
Bài 1: Chính sách đào tạo CB,CC,VC và thu hút nhân lực năng động, hợp thực tiễn
Bài cuối: Ít có chỗ “thu” nên khó “hút”
Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 07/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (sau đây gọi tắt là NQ 07) ngày 25-8-2011, có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) được cử đi đào tạo đại học và sau đại học, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, khi Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có hiệu lực thi hành (ngày 1-6-2012) thì công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC của tỉnh theo Nghị quyết 07 gặp khó khăn.
“Mở cửa” đào tạo, bồi dưỡng
Theo ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, từ khi thực hiện NQ 07 đến nay, huyện đã cử 15 CB, CC, VC cấp huyện đi đào tạo, trong đó có 5 người đào tạo sau đại học, 3 người đào tạo cao cấp chính trị và 7 người đào tạo trung cấp chính trị.
Ông Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Từ khi thực hiện NQ 07 đến nay, ngành Y tế đã cử đi đào tạo sau đại học 38 người. Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT Đinh Văn Em cho biết, từ khi thực hiện NQ 07 đến nay, số CB, CC, VC được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng là 42 người.
Theo bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từ tháng 9-2011 đến tháng 7-2013, UBND tỉnh đã cử 103 lượt CB, CC, VC đi đào tạo sau đại học, trong đó có 11 nghiên cứu sinh, 75 cao học, 14 bác sĩ chuyên khoa I và 3 bác sĩ chuyên khoa II.
Nghị quyết 07 giúp nhiều CB, CC, VC cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ. |
Trong quá trình triển khai thực hiện NQ 07, UBND tỉnh luôn tuân thủ các quy định về đối tượng, điều kiện cử CB, CC, VC đi đào tạo đã được quy định ở NQ 07. Tuy nhiên, UBND tỉnh có cử một số trường hợp CB, CC, VC các sở, ngành và một số CB, CC, VC thuộc lĩnh vực đặc thù đã quá tuổi theo quy định.
Cụ thể, ở ngành Y tế, để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ ở tuyến tỉnh và huyện, từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã xem xét cử 10 CB, CC, VC có độ tuổi trên 40 đi đào tạo sau đại học. CB, CC, VC được cử đi đào tạo sau đại học chưa phát sinh trường hợp nào bỏ học hoặc học không đạt yêu cầu.
Từ năm 2011 đến tháng 7-2013, đã có 14 trường hợp CB, CC, VC (chủ yếu trong ngành Giáo dục & Đào tạo) được cử đi đào tạo sau đại học xin thôi việc hoặc xin chuyển công tác, được UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo nguyện vọng. Các trường hợp này đều đã bồi hoàn kinh phí mà tỉnh đã hỗ trợ đào tạo sau đại học.
Đối với CB, CC, VC cấp xã, không có đào tạo sau đại học. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã liên kết với các trường đại học trong và ngoài tỉnh mở 4 lớp đào tạo cho CB, CC, VC cấp xã, trong đó có 2 lớp đào tạo chuyển tiếp theo Nghị quyết 196/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cụ thể, cử 100 người học Đại học Tài chính - Kế toán, 101 người học Đại học Hành chính, 107 người học Đại học Luật, 61 người học đại học liên thông Quản lý văn hóa (đã tốt nghiệp).
Ngoài ra, trong năm 2013, tỉnh tổ chức mở 4 lớp bồi dưỡng cho bí thư, phó bí thư đảng ủy của 169 xã (phường, thị trấn) và phối hợp với Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức 3 lớp bồi dưỡng công tác văn thư lưu trữ cho 354 CB, CC, VC cấp xã. Tổng chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC của tỉnh giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 7-2013 là 48,59 tỷ đồng.
Những vướng mắc
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện NQ 07 vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc. Về vấn đề này, ông Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế bức xúc: Một số CB, CC, VC trẻ có điều kiện tham dự đào tạo sau đại học, nhưng không đủ điều kiện về thâm niên công tác. Ngược lại, cũng có một số CB, CC, VC công tác nhiều năm, có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng không thể đưa đi đào tạo và hưởng chính sách, vì vượt tuổi theo quy định.
Đó không chỉ là vướng mắc của ngành Y tế trong quá trình thực hiện NQ 07, mà còn là vướng mắc chung của toàn tỉnh, nhất là đối với các huyện, thị, thành. Chính vì vậy, tỷ lệ công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chỉ khoảng 88%, không đạt kế hoạch đã đề ra và hiện còn khoảng 60% cán bộ chuyên trách (nhất là khối đoàn thể) chưa qua đào tạo về chuyên môn.
Ngoài ra, từ khi thực hiện NQ 07 đến nay, số lượng CB, CC, VC được cử đi đào tạo đại học, sau đại học ở nước ngoài còn hạn chế. Nguyên nhân là do trình độ ngoại ngữ chưa thể đáp ứng so với yêu cầu. Bên cạnh đó, một số cán bộ do áp lực công việc nên không thể bố trí thời gian tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Số lượng CB, CC, VC được cử đi đào tạo sau đại học giai đoạn từ khi NQ 07 có hiệu lực thi hành ít hơn so với giai đoạn thực hiện Nghị quyết 196/2008/NQ-HĐND. Nguyên nhân là do khi Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-6-2012) thì kinh phí đào tạo sau đại học đối với viên chức không do tỉnh hỗ trợ, mà chủ yếu từ nguồn kinh phí của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn kinh phí tài trợ khác theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, mặc dù tinh thần của NQ 07 là nhằm tạo mọi điều kiện để CB, CC, VC học tập nâng cao trình độ chính trị, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng lại vướng Nghị định 29 của Chính phủ và Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 1-1-2012) nên số lượng viên chức được cử đi đào tạo từ tháng 6-2012 đến nay có xu hướng giảm nhiều so với trước khi Nghị định 29 của Chính phủ có hiệu lực.
Bởi vì, các đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn trong vấn đề tài chính nên hạn chế cử CB, CC, VC đi học sau đại học. Nếu tự bỏ tiền túi ra trang trải cho việc học thì đồng lương của CB, CC, VC hiện nay khó có thể đảm bảo nổi.
Trước những vướng mắc trên, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất: HĐND tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Viên chức theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp và hàng năm HĐND tỉnh bố trí nguồn ngân sách phù hợp để thực hiện các đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC đạt được mục tiêu đã đề ra. Bởi vì đây là một trong những công tác trọng tâm, có tính quyết định đến công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
NGUYÊN CHƯƠNG
Bài cuối: Ít có chỗ “thu” nên khó “hút”