Thứ Tư, 02/10/2013, 10:20 (GMT+7)
.

Những chuyển động hướng đến thị xã

Thị trấn Cai Lậy (thị trấn) là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Cai Lậy, có quy mô dân số đứng hàng thứ 3 của tỉnh Tiền Giang (sau TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công). Nơi đây là đầu mối giao thông, giao lưu khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang và vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười. Thị trấn hiện có 7 khu phố với diện tích tự nhiên 606 ha, gồm 5.531 hộ với 25.181 nhân khẩu.

Ông Lê Văn Dũng, Bí thư  Đảng ủy thị trấn Cai Lậy cho biết, những năm qua thị trấn đã khai thác mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng đô thị. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn tăng bình quân hàng năm 10,6%. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp. Thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 108,6% so với chỉ tiêu huyện giao.

Chợ Cai Lậy mới được xây dựng khang trang với 1.000 quầy sạp đang mua bán.
Chợ Cai Lậy mới được xây dựng khang trang với 1.000 quầy sạp đang mua bán.

Thị trấn đã có nhiều nỗ lực khuếch trương thế mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Đơn cử như tranh thủ nguồn vốn đầu tư của ngân sách tỉnh để xây dựng và đưa vào hoạt động chợ mới Cai Lậy (tại khu phố 1) khang trang, với 1.000 quầy, sạp đang kinh doanh. Trước đó, thị trấn cũng đã đưa chợ Tam Long chuyên bán nông - hải sản tươi sống vào phục vụ nhu cầu buôn bán và tiêu dùng của nhân dân, bên cạnh đó còn có một siêu thị đang hoạt động.

Thị trấn cũng đang được quy hoạch mở mang ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư. Hiện thị trấn có 2.604 cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (tăng 500 cơ sở so với năm 2010) và 250 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thị trấn bình quân hàng năm đạt 100,46 tỷ đồng, chiếm 20,6% trong cơ cấu giá trị sản xuất địa phương. Nhiều ngành nghề đã có từ lâu đời như: làm bánh, bún, hủ tiếu, đan lát, cơ khí phục vụ nông nghiệp... đã góp phần giải quyết về lao động việc làm và thu nhập cho bà con tại địa phương.

Thị trấn cũng đã đầu tư phát triển về lĩnh vực văn hóa, xã hội. Các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân luôn được quan tâm. Hiện số hộ nghèo của thị trấn là 350 hộ, chiếm 5,31%.

Ông Lê Văn Dũng cho biết thêm, sự thay đổi nhanh chóng của thị trấn sau thời gian xây dựng và phát triển còn thể hiện rõ nét trên lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông. Trong đó đáng chú ý là Dự án Cụm dân cư thị trấn (khu phố 1) đã được xây dựng hoàn chỉnh có quy mô 10ha, với kinh phí xây dựng 30 tỷ đồng. Hiện số lượng người dân vào ở tại cụm dân cư đã gần lấp đầy, với nhà cửa được xây dựng khang trang… Chính sự đầu tư xây dựng các công trình này đang tạo nên dáng dấp của một đô thị Cai Lậy sắp hình thành.

Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến đường trong nội ô thị trấn đều được trải nhựa, lót dal, đến nay thị trấn không còn đường đất. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, thị trấn đã đưa vào sử dụng 11 đường dal với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 100 triệu đồng. Tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thị trấn cũng đã đầu tư xây dựng 5 công trình đường dal kết hợp với xây dựng hệ thống thoát nước, với tổng kinh phí 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước lát gạch vỉa hè trên 2 tuyến đường Võ Việt Tân và Phan Văn Kiêu (khu phố 4) với tổng kinh phí 670 triệu đồng. Với vốn Nhà nước cấp trong năm 2013 là 5 tỷ đồng, ngoài việc thực hiện đồng bộ để đạt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực thì thị trấn đã tiếp tục đầu tư xây dựng 4 tuyến đường giao thông, với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng. Nhìn chung, các tuyến đường nội ô thị trấn không chỉ phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân mà còn đảm bảo vẻ mỹ quan đô thị.

Một điểm nổi bật khác của thị trấn trong thời gian gần đây là xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, cảnh quan theo hướng “xanh, sạch, đẹp”. Thị trấn đã giải phóng mặt bằng chợ Cai Lậy cũ, đầu tư xây dựng tại đây 2 công viên văn hóa, đó là Công viên Trần Hữu Tám và Công viên Tứ Kiệt. Tại 2 công viên này đã trồng cây xanh, xây dựng bờ kè dọc bờ sông Ba Rài, hình thành khu đi bộ cùng nhiều hạng mục công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và vui chơi, giải trí của người dân.

Đặc biệt tại Công viên Trần Hữu Tám, huyện Cai Lậy sẽ dựng bia truyền thống lưu niệm nơi treo cờ Đảng đầu tiên tại chợ Cai Lậy trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 nhằm giáo dục, khơi dậy truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau...

Bằng sự nỗ lực phấn đấu, đến nay thị trấn Cai Lậy đã hội đủ các yếu tố, tiêu chí và đã được công nhận là đô thị loại IV. Qua đây, sẽ tạo cho thị trấn thế và lực mới trong xu thế hội nhập, tác động lớn đến sự phát triển của huyện Cai Lậy và của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt tạo đà phát triển thị trấn Cai Lậy trở thành thị xã trong thời gian không xa.

Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cai Lậy (để thành lập thị xã Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang” đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt theo Quyết định 5246/QĐ-UBND ngày 31-12-2009; thị trấn Cai Lậy đã được công nhận là đô thị loại IV theo Quyết định 792/QĐ-BXD ngày 27-8-2010 của Bộ Xây dựng; đây là tiền đề để thành lập thị xã Cai Lậy. Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến năm 2030” đã được lập năm 2012 và chuẩn bị được phê duyệt.

Theo đó, đô thị Cai Lậy gồm thị trấn Cai Lậy và 11 xã với tổng diện tích tự nhiên khoảng 140km2. Phạm vi nội thị của thị xã dự kiến thành lập 5 phường sẽ nằm trong phạm vi thị trấn Cai Lậy, xã Nhị Mỹ và xã Tân Bình. Việc thành lập thị xã Cai Lậy đang được khẩn trương thực hiện.

Đô thị Cai Lậy thuộc huyện Cai Lậy, nằm tại vị trí cửa ngõ phía Tây tỉnh Tiền Giang, cách TP. Mỹ Tho 28km về hướng Tây. Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị tuyến hành lang Quốc lộ 1A của Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2020 đô thị Cai Lậy sẽ là thị xã đô thị loại III.

HỮU NGHỊ

.
.
.