Thứ Tư, 23/04/2014, 11:14 (GMT+7)
.

Bà Nguyễn Thị Miêu: Chỗ dựa tin cậy của những gia đình khó khăn

“Chi hội trưởng nghĩa tình” là cách gọi yêu mến và tin cậy của chị em dành cho bà Nguyễn Thị Miêu (sinh năm 1951, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Xuân Quang, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy). 16 năm công tác Hội cũng là từng ấy năm bà Miêu luôn sâu sát hội viên, là cầu nối để vận động, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Miêu thăm hỏi một trường hợp khó khăn  trong ấp.
Bà Nguyễn Thị Miêu thăm hỏi một trường hợp khó khăn trong ấp.

Năm 1997, kinh tế gia đình đã ổn định, các con đều có công ăn việc làm, bà Miêu nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Xuân Quang. Từ đó đến nay, với lòng nhiệt tình và trách nhiệm, bà nắm bắt khá nhanh công việc, đưa phong trào phụ nữ ở cơ sở ngày càng phát triển.

Đặc biệt, bà rất quan tâm đến đời sống hội viên, nhất là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài vốn vay từ ngân hàng, bà và Ban Chấp hành chi hội còn vận động chị em góp vốn xoay vòng, nuôi heo đất tiết kiệm, hướng dẫn nhau phương thức làm ăn, hỗ trợ cây, con giống… để cùng vươn lên.

Hiện Chi hội Phụ nữ ấp Xuân Quang có 2 tổ góp vốn xoay vòng với 40 chị tham gia; mỗi tháng số vốn 4 triệu đồng được ưu tiên giải quyết cho những chị đang gặp khó khăn. Nhờ hình thức tương trợ không tính lãi của chi hội và sự cần cù lao động, nhiều chị đã ổn định cuộc sống, không còn cảnh chạy gạo từng bữa.

Bà Miêu không nhớ đã giúp đỡ cụ thể bao nhiêu trường hợp, chỉ biết rất nhiều. Bà được chị em phụ nữ trong ấp Xuân Quang xem là chỗ dựa tin cậy mỗi khi thiếu vốn làm ăn hoặc gia đình gặp khó khăn. Ban đầu, trong khả năng của mình, bà trích tiền dành dụm hỗ trợ. Lâu dần, tấm lòng và tâm huyết của bà đã nhân rộng trong hội viên, bà con xóm ấp và những tấm lòng nhân ái khác.

Trung bình mỗi năm bà Miêu vận động hàng trăm suất quà cho hộ nghèo nhân dịp lễ, tết với trị giá bình quân 50 triệu đồng. Những trường hợp khó khăn đột xuất, bà kêu gọi hội viên và người dân trong ấp quyên góp giúp đỡ theo khả năng. Vườn nhà ngoài diện tích trồng cây ăn trái, gia đình bà còn trồng hàng trăm gốc bạch đàn để hỗ trợ xã làm cầu giao thông, gia cố đê bao, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo.

Bà Lê Thị Đây - một hộ nghèo được bà Miêu và chị em trong chi hội giúp đỡ cho biết: “Tôi già yếu nên không còn sức lao động, trong khi các con thu nhập chẳng là bao. Biết tình cảnh của tôi, cách đây 3 năm, bà Miêu đã vận động các nhà hảo tâm ở TP. Hồ Chí Minh giúp tôi có nơi ở ổn định, không còn cảnh “chạy dột” mỗi khi mùa mưa đến. Hiện nay, hàng tháng chị em trong chi hội còn hỗ trợ tôi 15kg gạo…”.

Năm 2012, biết hội viên Nguyễn Thị Hồng Đào không có nơi ở ổn định, lại mắc bệnh hiểm nghèo, bà Miêu đã quyên góp được 7 triệu đồng giúp chị dựng tạm căn nhà. Số tiền không đủ để chị Đào có được mái ấm chắc chắn, bà tiếp tục vận động người thân trong gia đình cùng bà con xóm ấp giúp chị vật liệu và ngày công lao động.

Chia sẻ về việc làm của mình, bà nói: “Nhiều người hoàn cảnh khó khăn không phải do họ lười lao động mà chưa có cơ hội để vươn lên hoặc gặp biến cố bất ngờ. Sự san sẻ của mọi người dù nhỏ cũng giúp được họ. Tôi chỉ là cầu nối, còn tấm lòng là ở chị em và những người xung quanh”.

Đã bước sang tuổi 62 nhưng bà Nguyễn Thị Miêu vẫn vui vẻ gắn bó với Chi hội Phụ nữ ấp Xuân Quang và những hoạt động nghĩa tình. Niềm vui của bà suốt 16 năm công tác Hội không phải là bảng thành tích, là những tấm giấy khen mà là sự tin yêu của người dân và hội viên dành cho người cán bộ Hội mẫn cán, hết lòng vì cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Hội Xuân nhận xét: “Tuy tuổi đã cao nhưng bà Nguyễn Thị Miêu là một chi hội trưởng nhiệt tình, làm việc gì cũng tận tâm. Đặc biệt, với uy tín và trách nhiệm, bà thường xuyên vận động hỗ trợ phụ nữ khó khăn, bệnh tật trong xóm ấp và gần gũi, động viên để các chị có thêm động lực vươn lên. Tấm lòng của bà đối với chị em thật đáng quý”. 

TRƯỜNG GIANG

.
.
.