Thứ Tư, 28/01/2015, 09:58 (GMT+7)
.

Cả nhà đều là thầy thuốc

Này chồng, này vợ, này con

Này dâu, này rể vuông tròn ngành Y.

Trong một gia đình 10 người, có đến 9 người làm nghề thầy thuốc (gồm 4 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học và 3 dược sĩ trung học) thì quả là hiếm có. Đó là gia đình bác sĩ Trần Văn Be và dược sĩ đại học Phạm Thị Ngọc Sương, đang sinh sống tại chợ Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.

Dược sĩ đại học Phạm Thị Ngọc Sương.
Dược sĩ đại học Phạm Thị Ngọc Sương.

Đây còn là gia đình có truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học. Cả 2 bên nội - ngoại của bác sĩ Be và dược sĩ Ngọc Sương đều có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đặc biệt là gia đình dược sĩ Ngọc Sương, cha là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong 8 người con có 5 đảng viên, 3 liệt sĩ và 3 người làm ngành Y).

Bác sĩ Trần Văn Be nguyên Phó phòng Tổ chức Trường Y tế Tiền Giang, còn dược sĩ đại học Phạm Thị Ngọc Sương nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành.

Vợ chồng bác sĩ Be và dược sĩ Ngọc Sương sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. Sống trong môi trường mà cha và mẹ đều làm ngành Y nên cả 4 người con đều phấn đấu học tập để thi vào ngành Y. Người con trai đầu Trần Quốc Kính hiện là bác sĩ chuyên khoa 2, làm Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang; vợ là dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy.

Người con thứ 2 là Trần Thị Thùy Linh hiện là bác sĩ chuyên khoa 1, làm Phó phòng Tổ chức Trung tâm Y tế huyện Châu Thành; chồng là bác sĩ Trần Hữu Trung, công tác tại Trường Quân sự tỉnh. Người con thứ 3, thứ 4 là Trần Quốc Phong, Trần Huy Vũ đều là dược sĩ và cô con dâu út là dược sĩ Võ Thị Phương Thảo.

Kể chuyện về gia đình mình, dược sĩ Ngọc Sương tâm sự: Vợ chồng tôi đều tham gia cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác trong ngành Y. Vợ chồng tôi đều hướng cho các cháu thi vào ngành Y để nối nghiệp của cha mẹ. Có những lúc kinh tế gia đình gặp khó khăn nhưng cả nhà tôi đều đi học. Các con tôi, đứa lớn khi ra trường có trách nhiệm phụ cha mẹ dìu dắt các em học tiếp, cho nên gia đình tôi mới được như ngày nay.

Từng công tác tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, nên khi “ăn nên làm ra”, hàng năm gia đình dược sĩ Ngọc Sương đều phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho các hộ nghèo và gia đình chính sách, trung bình mỗi năm phục vụ cho khoảng 400 lượt người, kinh phí từ 30 - 40 triệu đồng.

Ngoài ra, mỗi năm đều đóng góp hỗ trợ cho Hội Nạn nhân chất độc da cam, CLB Cựu chiến binh nữ, CLB Cựu tù kháng chiến mỗi nơi 2 triệu đồng; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ của xã mỗi năm hỗ trợ 10 phần quà, mỗi phần 300 ngàn đồng cho các hộ nghèo ăn tết.

Kể chuyện về gia đình dược sĩ Ngọc Sương, bà Tám Thu (Trung tá Nguyễn Thị Ánh Thu, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Huyện đội Châu Thành) không ngớt lời khen ngợi: “Cả nhà này đều làm từ thiện, từ mẹ đến con, từ dâu đến rể.

Hễ chính quyền, đoàn thể vận động là cô Ngọc Sương đều kêu các con cùng tham gia khám, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho các hộ nghèo và gia đình chính sách; hỗ trợ xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Thật không hổ danh là một gia đình thầy thuốc tiêu biểu!”.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.