Thứ Sáu, 27/03/2015, 16:28 (GMT+7)
.

Điều khác biệt ở Công ty Hoan Vinh

Nếu xét ở khía cạnh quy mô, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoan Vinh (xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành), gọi tắt là Công ty Hoan Vinh, vẫn còn nhỏ bé so với các doanh nghiệp (DN) khác trên địa bàn tỉnh, thậm chí là trong ngành may mặc. Song ở đây lại có nhiều điểm khác biệt, được nhiều người quan tâm.

TUYỂN LAO ĐỘNG “LẠ THƯỜNG”

Là một DN có quy mô nhỏ, thâm niên hoạt động chưa lâu nhưng vì sao được sự chú ý của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương? Câu trả lời có lẽ được bắt đầu từ chính cách tuyển dụng lao động một cách “lạ thường” của công ty.

“Lạ thường” ngay thủ tục xin việc làm: Người cần việc làm phải có đơn xin việc, nếu chưa đủ tuổi lao động, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải có đơn xin gửi con học nghề, do đại diện gia đình đứng tên cam kết, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú.

Người xin việc cũng như xin học nghề trước tiên phải gặp Giám đốc công ty với điều kiện: Nếu tóc dài thì phải hớt tóc; tóc đỏ, tóc xanh phải nhuộm đen; nam mà đeo bông tai, đeo nhẫn vào ngón tay cái thì tháo ra gửi về nhà… Khi vào làm việc, học nghề tại công ty tuyệt đối không được chửi thề, không gọi mày tao, xưng hô phải dạ, thưa với cấp trên và người lớn tuổi.

Dây chuyền may của Công ty Hoan Vinh.
Dây chuyền may của Công ty Hoan Vinh.

Nhờ cách tuyển dụng “lạ thường” như thế đã giúp nhiều em có việc làm ổn định, trở thành người tốt hơn. Em Võ Thanh L., sinh năm 1996, công nhân của công ty kể lại: “Do kinh tế gia đình thiếu thốn, không được học hành đến nơi đến chốn, từ đó em sa vào con đường hút ma túy đá.

Năm 2013 bị công an bắt, sau đó em xin việc làm nhưng không có công ty nào nhận. Em đến Công ty Hoan Vinh, được nhận đào tạo nghề, trả lương nên nuôi sống được bản thân và gia đình. Được sự giáo dục thường xuyên của Ban Giám đốc công ty, em không còn là người hút nữa. Hiện nay, em là công nhân giỏi, có mức lương 4 triệu đồng/tháng trở lên”.

Trường hợp của em Dương Ngọc T., sinh năm 1995 cũng khá đặc biệt. Là con trai lớn trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn của huyện Châu Thành, nên em không được học hành như bao người khác. Từ đó, T. bị những người xấu rủ rê, tụ tập gây mất trật tự công cộng. Liên can đến vụ đánh người gây thương tích, T. bị tòa xử án ở tù 2 năm.

“Được tha về, em được cha dẫn đến công ty nhờ đào tạo nghề để có việc làm. Sau thời gian làm việc, em đã trở thành người tốt, chăm chỉ làm việc, sáng đến công ty làm, chiều về phụ giúp gia đình. Đến nay, em đã được công ty đánh giá là công nhân giỏi, với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng” - em T. tâm sự như thế.

Nói về cách tuyển dụng lao động một cách “lạ thường” này, anh Nguyễn Tấn Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty kể, có lần cả hai mẹ con đến công ty xin việc làm, vì gia đình quá khó khăn, nhưng đứa con còn nhỏ không đủ tuổi lao động, nếu nhận vào làm sẽ vi phạm Luật Lao động, còn nếu chỉ nhận mẹ mà không nhận con thì cũng kẹt. Sau đó cũng có nhiều trường hợp như vậy, nhất là học sinh bậc THCS bỏ học vào xin việc, nếu không nhận cũng cảm thấy ray rứt.

Suốt nhiều đêm suy nghĩ, anh bàn với vợ (bà Phan Thị Xuân Thu, Giám đốc công ty) vừa chọn giáo viên giỏi, vừa quan hệ với cơ quan chức năng để tổ chức mở lớp dạy nghề, được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) nhiệt tình ủng hộ. Mỗi lớp khoảng 50 em, thời gian từ 60 - 90 ngày.

Ngoài việc miễn phí tiền học nghề, công ty còn trả lương cho mỗi em học viên 2 triệu đồng một khóa học để tiêu xài. “Đến nay, công ty đã có trên 500 công nhân có tay nghề, trong đó có 79 em là con của cựu chiến binh, 25 em là con bộ đội xuất ngũ không có việc làm, 6 công nhân khuyết tật, 65 công nhân không nơi nương tựa và 65 công nhân có thói hư tật xấu đã trở thành người tốt, có việc làm ổn định.” - anh Nguyễn Tấn Thanh cho biết.

Lãnh đạo công ty tặng đôi bông tai hột xoàn cho cặp đôi công nhân mới thành hôn.
Lãnh đạo công ty tặng đôi bông tai hột xoàn cho cặp đôi công nhân mới thành hôn.

TẶNG VÀNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điểm khác biệt ở Công ty Hoan Vinh không chỉ ở cách tuyển dụng lao động một cách “lạ thường” mà còn ở nhiều yếu tố khác. Có lẽ, Công ty Hoan Vinh là một trong những DN hiếm hoi của tỉnh đều đặn tổ chức họp mặt đại diện gia đình công nhân vào dịp cuối năm. Đây là dịp để lãnh đạo công ty trao đổi, tặng quà cho gia đình nhằm gắn kết công nhân cũng như gia đình với hoạt động của công ty.

Dự buổi lễ họp mặt đại diện gia đình công nhân vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ của em Nguyễn Trúc Mai đã nói rằng bà rất xúc động khi dự những buổi lễ như thế này. “Công ty đã tạo điều kiện cho con tôi đến làm việc, lại quan tâm đến gia đình của công nhân nên tôi rất mừng. Tôi mong công ty ngày càng phát triển để con em nông dân chúng tôi có điều kiện gắn bó nhiều hơn” - bà Nguyễn Thị Thanh tâm sự như thế.

Không những thế, Công ty Hoan Vinh còn có điểm rất khác biệt là tặng vàng cho người lao động. Theo thông lệ, khi kết thúc chu kỳ sản xuất - kinh doanh của năm, công ty tính toán đến việc khen thưởng cho người lao động. Chính sách của công ty là, ngoài tháng lương thứ 13, những công nhân được bình chọn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đóng góp cho hoạt động của công ty còn được tặng thêm 1 chỉ vàng SJC.

Đặc biệt là, nếu cặp đôi công nhân của công ty mới thành hôn, hoàn thành tốt nhiệm vụ còn được lãnh đạo công ty tặng 1 đôi bông tai hột xoàn. Đây là nét truyền thống mà công ty đã thực hiện trong nhiều năm qua. Cụ thể là, nếu như năm 2013 công ty tặng 92 chỉ vàng cho công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ và 1 đôi bông tai hột xoàn thì sang năm 2014 công ty đã tặng 176 chỉ vàng SJC và 1 đôi bông tai hột xoàn.

Đạt được thành quả hôm nay, ít ai nghĩ rằng gia cảnh trước đây của gia đình anh Nguyễn Tấn Thanh cũng khá khó khăn. Để có tiền bảo đảm cuộc sống gia đình, anh bàn với vợ phải làm đủ thứ nghề, kể cả gia công huy hiệu, kỷ niệm chương cho UBND tỉnh. Không có tiền, anh chị quyết bán cả đồ cưới để làm vốn ban đầu.

Anh Nguyễn Tấn Thanh tâm sự: “Để thành công trong việc kinh doanh, tôi không quên sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện, xã với sự cộng đồng của đa số phụ huynh. Tôi luôn quan tâm đến con người, nhất là cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn.

Thay vì ngành may thường chọn công nhân nữ, tôi lại chọn cả nam lẫn nữ; ưu tiên con em gia đình chính sách, con em của cựu chiến binh, người khuyết tật, thất nghiệp, học sinh nghèo bỏ học, kể cả các em có thói hư tật xấu… Nhiều người cho rằng, tôi làm vậy là hơi liều, nhưng tôi vẫn không nao núng. Bởi vì, nếu được thì tôi được cả hai: Kinh tế và xã hội…”.

Công ty Hoan Vinh chuyên ngành may mặc xuất khẩu, hiện có 500 lao động, với mức thu nhập từ
2 - 5,5 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Tấn Thanh cho biết, năm 2014 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn chung của nền kinh tế nhưng công ty vẫn sản xuất, xuất khẩu ổn định, doanh thu tăng trên 20%, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 4 tỷ đồng.

“Trong năm 2015, công ty cố gắng mở thêm từ 4 - 5 lớp đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng thêm khoảng 100 - 150 lao động. Công ty hiện đang đầu tư mở rộng nhà xưởng, với vốn đầu tư thêm khoảng 20 tỷ đồng” - anh Nguyễn Tấn Thanh cho biết.

PHƯƠNG ANH

.
.
.