Thứ Hai, 24/08/2015, 09:12 (GMT+7)
.

Những thành tích của ngành LĐ-TB&XH Tiền Giang rất đáng tự hào

Tiền Giang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) luôn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của ngành và của địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc đến thăm cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.          Ảnh: HẠNH NGA
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc đến thăm cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Ảnh: Hạnh Nga

Các năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp, CB-CC-VC trong ngành đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm vững các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội để nỗ lực thực hiện.

Sở đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt việc huy động nguồn lực lao động phục vụ Chương trình khai hoang, phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, đưa hàng ngàn hộ dân đi lập nghiệp ở huyện Tân Phước và các huyện lân cận thuộc tỉnh Long An. Phối hợp xây dựng các nông trường, lâm trường, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động ngay trong những ngày đầu mới giải phóng.

Những chuyển biến tiếp theo trên lĩnh vực lao động và việc làm là đã tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động (đạt chỉ tiêu nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ), tích cực phục vụ về nguồn lực lao động cho sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, huyện.

Các chính sách cho vay, hỗ trợ việc làm; chính sách hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài; thực hiện các giải pháp giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp như: Tổ chức tốt việc tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động; thực hiện các chính sách của Nhà nước về lao động, tiền lương, tiền công và chủ động giải quyết các tranh chấp lao động…, tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác đào tạo nghề, đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các trường: Cao đẳng Nghề, Trung cấp Nghề và các Trung tâm Dạy nghề phủ kín trên địa bàn tỉnh. Những kết quả dạy nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 37% (năm 2010) lên 43% (năm 2014), đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được kết quả đáng kể.

Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công. Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ, trên khắp các địa bàn của tỉnh đã xây dựng nhiều tổ chức “Hội mẹ chiến sĩ” nhằm đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ cách mạng, giúp đỡ binh sĩ, thương binh, bệnh binh.

Ngay trong các vùng bị địch tạm chiếm, mặc dù bị kẻ thù kìm kẹp, o ép nhưng nhân dân Tiền Giang vẫn biểu hiện tình cảm yêu nước, theo cách mạng, có công nuôi giấu cán bộ, vượt qua bom đạn để đưa cán bộ, chiến sĩ và đưa thương binh về nơi an toàn. Nhiều người dân còn dũng cảm dùng nhà mình làm nơi cấp cứu thương binh, bảo vệ thương binh, có người không có điều kiện nuôi giấu, cứu chữa thì gửi thuốc men ra căn cứ để ủng hộ cách mạng. Trong những hoạt động ấy, không ít người dân đã hy sinh hoặc bị sống trong cảnh lao tù, bị kẻ địch tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng ủng hộ cách mạng.

Trên lĩnh vực bảo trợ xã hội, Sở đã hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, các dự án, đề án về trợ giúp xã hội; đồng thời hướng dẫn thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, kịp thời cứu trợ đối với những gia đình, địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc rủi ro trong cuộc sống. Đến nay, số hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn khoảng 22.000 hộ, chiếm tỷ lệ 4,98%.

Mặt khác, Sở đã tập trung thực hiện tốt Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, thực hiện tốt các chính sách cho đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh và cùng các ngành, đoàn thể có liên quan chăm lo bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, tâm thần và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, làm cầu nối để các nhà hảo tâm, các Hội Từ thiện hỗ trợ tặng quà, thăm hỏi động viên, giúp vốn làm ăn…

Quy tập hài cốt liệt sĩ.
Quy tập hài cốt liệt sĩ.

Đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở đã thực hiện tốt việc triển khai các chương trình, kế hoạch hành động về chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xây dựng nhiều xã (phường, thị trấn) đạt tiêu chí phù hợp với trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tạo điều kiện cho trẻ em được học tập, vui chơi giải trí.

Hàng năm tổ chức tốt “Tháng hành động vì trẻ em”; các diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”; các cuộc hội thi, hội trại “Ước mơ hồng”; thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa; đồng thời tích cực đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Quỹ bảo trợ trẻ em để huy động sự đóng góp của các cá nhân và tổ chức giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có điều kiện vui chơi, học hành được tốt hơn.

Trên lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở tổ chức triển khai các chủ trương, chương trình, kế hoạch, các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm, ma túy. Đã phối hợp với các ngành và địa phương trong việc quản lý và tổ chức cai nghiện ma túy; giáo dục người bán dâm để họ không còn vi phạm và tái hòa nhập với cộng đồng.

Tổ chức tốt việc xây dựng và nhân rộng mô hình xã (phường, thị trấn) lành mạnh, không có tệ nạn xã hội; xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội công tác xã hội tình nguyện và Đội kiểm tra liên ngành 178, góp phần giữ vững an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Qua 70 năm xây dựng và phát triển của ngành LĐ-TB&XH và những hoạt động cụ thể của Sở LĐ-TB&XH cho thấy luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương nhằm thực hiện tốt các chính sách về lao động, thương binh và xã hội, nhất là chính sách về lao động, chính sách người có công và chính sách xã hội là một thể thống nhất, xuất phát từ mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước là đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo phục vụ cho con người, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những cống hiến và sự tận tụy phục vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, của các cán bộ, công chức, viên chức trong ngành vừa qua là rất to lớn, rất đáng tự hào, lớp lớp các đồng chí vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và của ngành, vừa khắc phục khó khăn, gian khổ, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, nhận thức rõ trách nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, tiếp tục học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để luôn thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, bảo đảm các gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng với mức sống trung bình ở khu dân cư;

Đồng thời đẩy mạnh các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống và giảm thiểu có hiệu quả các tệ nạn xã hội; thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ và chăm sóc trẻ em; các biện pháp đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ;

Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; xây dựng cơ quan văn minh, cơ quan an toàn về an ninh trật tự, xây dựng Đảng bộ và đơn vị đạt trong sạch, vững mạnh toàn diện, đưa ngành ngày càng phát triển bền vững.

TRẦN VĨNH HƯNG

.
.
.