Thứ Hai, 28/12/2015, 14:31 (GMT+7)
.

Ngân hàng CSXH cùng người dân vượt khó, giảm nghèo bền vững

Với 11 chương trình cho vay, tổng dư nợ đến nay gần 1.780 tỷ đồng cho trên 119.000 khách hàng vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Tiền Giang đã đồng hành cùng người dân trên địa bàn tỉnh vượt khó, giúp giảm nghèo bền vững.

Nhờ các gói tín dụng ưu đãi góp phần hình thành các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, giúp giảm nghèo bền vững.
Nhờ các gói tín dụng ưu đãi góp phần hình thành các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, giúp giảm nghèo bền vững.

1. Năm 2015 là năm đầu tiên Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang thực hiện cho vay đối với những hộ mới thoát nghèo. Thực tế cho thấy, những hộ mới thoát nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sự tiếp sức để tránh tái nghèo. Cho vay những hộ mới thoát nghèo là chương trình mới triển khai trong năm theo Quyết định 28 ngày 21-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai sâu rộng chủ trương đến tận người dân. Nhờ đó, trong năm 2015 Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang đã cho vay được 45 tỷ đồng, với gần 1.500 hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn. Nhờ chương trình mới này, các hộ dân trước đây không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn sản xuất - kinh doanh nay đã được đáp ứng, giúp vươn lên thoát nghèo bền vững, với mức vay tối đa lên đến 50 triệu đồng.

Theo dõi thực tiễn cho thấy, nguồn vốn vay được người dân đầu tư chủ yếu để sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh... Nhờ đó, có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ cải thiện được đời sống, tăng thu nhập, từng bước vươn lên khá giả, xây dựng được nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm cơ sở để nhân rộng ra các địa phương như: Mô hình trồng thanh long xông đèn trái vụ ở huyện Chợ Gạo, mô hình chăn nuôi bò ở huyện Gò Công Tây và Chợ Gạo, mô hình trồng cây sả ở huyện Tân Phú Đông…

“Nhờ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi đã vay được 40 triệu đồng để chăn nuôi bò. Trước đây, gia đình cũng được vay ưu đãi theo diện hộ nghèo và được thoát nghèo vào năm 2014” - ông Nguyễn Hồng Phúc (ấp Xóm Thủ, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) cho biết.

­2. Chương trình cho vay theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ cũng được triển khai thực hiện từ tháng 4-2013, đến nay đã tạo điều kiện cho gần 36.000 lượt hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được vay vốn, tổng số tiền giải ngân của chương trình đã đạt gần 400 tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách này được các hộ vay đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: Chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, với nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả. Điển hình là các hộ gia đình: Ông Cao Văn Hiếu, ông Nguyễn Văn Chín, ông Phạm Văn Quang, bà Phạm Thị Đầm (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho), mỗi hộ vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò.

Nhờ các gói tín dụng ưu đãi góp phần hình thành các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, giúp giảm nghèo bền vững.
Nhờ các gói tín dụng ưu đãi góp phần hình thành các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, giúp giảm nghèo bền vững.

Khi chúng tôi đến thăm gia đình để tìm hiểu về gói tín dụng chính sách cho hộ cận nghèo đã được triển khai thực hiện gần đây, bà Phạm Thị Đầm vui vẻ cho biết: “Nhờ 50 triệu đồng tiền vay, gia đình tôi mua thêm 2 con bò, nâng tổng số bò của gia đình lên 4 con.

Sau thời gian nuôi, vừa rồi thương lái đến trả giá 4 con bò với giá 145 triệu đồng nhưng gia đình chưa muốn bán. Gia đình chỉ mong tín dụng chính sách cho hộ cận nghèo còn tiếp tục duy trì, với mức cho vay cao hơn để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”.

Còn theo ông Cao Văn Trung, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) hiện tổ đang quản lý 25 hộ vay nguồn vốn tín dụng chính sách, trong đó có 4 hộ được vay đến 50 triệu đồng chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo, với tổng dư nợ đến nay là trên 463 triệu đồng. Đa số các hộ tiếp cận được nguồn vốn vay chính sách đều sử dụng có hiệu quả, có điều kiện cải thiện được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

3. Riêng gói tín dụng cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ đã được Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang triển khai thực hiện từ năm 2009. Gói tín dụng này đã đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ và nhân dân.

Bởi thực tế cho thấy, nhiều hộ gia đình đã làm việc quần quật quanh năm, suốt tháng vẫn không có đủ cái ăn, cái mặc nói chi đến việc có đủ khả năng cất được căn nhà khang trang, kiên cố. Do vậy, khi được Nhà nước hỗ trợ thông qua gói tín dụng nhà ở theo Quyết định 167, hầu hết bà con đều rất vui mừng và cố gắng tranh thủ mọi điều kiện cho phép để cất nhà theo hướng dẫn.

“Gia đình rất khó khăn, hàng ngày đi làm thuê, kiếm sống qua ngày, các thành viên trong gia đình sống trong căn nhà dột nát, nắng không đủ che, mưa không đủ ấm. Được Nhà nước hỗ trợ và Ngân hàng CSXH cho vay vốn ưu đãi để xây dựng căn nhà kiên cố, gia đình tôi rất mừng. Từ ngày có căn nhà vợ chồng tôi yên tâm làm ăn, kiếm thêm thu nhập đến nay đã trả hết nợ ngân hàng” - bà Nguyễn Thị Bích Thủy (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước) cho biết như thế.

Dư nợ cho vay học sinh, sinh viên đạt gần 600 tỷ đồng

Chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên (HSSV) thật sự là chương trình lớn, được đi vào cuộc sống khi Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực và tạo sự đồng thuận cao. Chỉ riêng năm 2015, Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang đã giải ngân gần 85 tỷ đồng cho 3.200 HSSV vay vốn đi học.

Đây được xem là chương trình đặc thù, có mức dư nợ cao. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ của chương trình đạt gần 600 tỷ đồng, với gần 27.000 hộ vay cho trên 30.000 HSSV đi học. Nhờ có chương trình này, HSSV đã thực hiện ước mơ cắp sách đến trường, không bỏ lỡ việc học tập, có tiền đóng học phí và trang trải các chi phí sinh hoạt khác.

Thực hiện chủ trương này, đến cuối năm 2012 đã có 11.318 lượt hộ nghèo được vay vốn, với doanh số giải ngân 90 tỷ đồng; đến nay đã thu nợ gần 3 tỷ đồng, dư nợ 87,8 tỷ đồng (11.077 hộ còn dư nợ).

Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã giúp hàng ngàn hộ nghèo có nhà ở, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hộ nghèo cần nguồn vốn ưu đãi để xây nhà ở kiên cố.

Xuất phát từ thực tế như thế, ngày 10-8-2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2), với mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp cùng các sở, ngành liên quan lập Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn, với 4.563 hộ, trong đó có 351 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 927 hộ đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

Theo đại diện Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang, trong thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác vốn vay ưu đãi tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chương trình tín dụng ưu đãi đến người dân nhằm tạo điều kiện cho người dân hiểu và thực hiện trách nhiệm khi được vay vốn chính sách.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang cũng đề nghị với UBND xã, phường, thị trấn bổ sung để xét duyệt cho vay kịp thời đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện công tác quản lý và giải ngân nguồn vốn; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đối tượng thuộc diện được cho vay, thực hiện công khai, minh bạch về lãi suất, định mức, đối tượng vay ngay từ cơ sở.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang sẽ phối hợp với các cấp, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai các hoạt động vay và thu hồi nợ đúng quy định; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các đối tượng sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất...

NHÓM PVKT

.
.
.