Thứ Hai, 20/03/2017, 21:12 (GMT+7)
.

Nhà báo Trần Bửu và dấu ấn đọng mãi với Báo Ấp Bắc

Sức khỏe anh Trần Bửu giảm sút mấy năm rồi, dẫu vậy khi nghe tin anh ra đi mà tôi vẫn chưa tin, bởi mới mấy ngày trước anh vẫn điện thoại, email… Anh cho hay, đã sưu tầm, chọn lọc các bài báo, sáng tác… trong suốt cuộc đời tham gia cách mạng của mình (chủ yếu đăng trên Báo Ấp Bắc), hoàn thành bản thảo, chuẩn bị in. Anh viết: “Anh định lấy tên tập sách là NGHĨ SUY THỜI  CUỘC…”. Cuối thư, anh bảo rằng: “Việc các em giúp anh ra tập sách này là món quà đặc biệt tặng anh trước khi anh đi xa…”. Vậy mà… anh đi xa thật rồi! Các em còn nợ anh, nhưng anh còn kịp trao lại cho đời, cho Báo Ấp Bắc tập bản thảo những trang viết đọng mãi…

Học hết đệ tứ (lớp chín bây giờ), anh tham gia cách mạng ngay sau những năm Đồng Khởi, cho đến tuần trước anh vẫn còn “chiến đấu” với bài viết cho “Câu chuyện hôm nay”. Ai có ngờ đâu đây là bài sau cùng anh gửi cho Báo Ấp Bắc, cho chuyên mục do anh khởi xướng, phụ trách, từ “Câu chuyện hàng tuần” lúc Báo Ấp Bắc ra mỗi tuần một kỳ đến “Góc nhìn” khi tăng thêm Ấp Bắc Chủ nhật và “Câu chuyện hôm nay” khi Báo Ấp Bắc tăng 3 kỳ/tuần.

Nhà báo Trần Bửu (thứ hai từ trái sang) được tặng hoa nhân Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Trần Bửu (thứ hai từ trái sang) được tặng hoa nhân Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Anh thường bảo rằng, trong cuộc đời tham gia cách mạng, với Báo Ấp Bắc là giai đoạn sôi nổi nhất, sâu đậm nhất trong đời anh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi chưa là phóng viên của Báo Ấp Bắc, song anh vẫn có nhiều bài phóng sự viết từ phong trào quần chúng đến chiến trường Gò Công, cùng với các nhà báo - liệt sĩ thời đó như Vân Lam, Tuấn Ngọc, Minh Thông… đã không nề hà gian nguy, kịp thời có các trang viết hừng hực sức sống cho báo như tinh thần “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Khi anh về công tác tại Báo Ấp Bắc, vào năm 1979 từ cương vị Phó rồi Tổng Biên tập, anh trực tiếp lãnh đạo, thổi bùng Báo Ấp Bắc có chỗ đứng không phai trong lòng độc giả. Đó là thời kỳ đầu của đổi mới, hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”, Báo Ấp Bắc dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực. Với sự chỉ đạo của anh, dù phải chịu nhiều áp lực, Báo Ấp Bắc mạnh dạn đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tưởng chừng chìm vào quên lãng. Và tại một Hội nghị Báo chí toàn quốc, Báo Ấp Bắc được vinh danh cùng nhiều tờ báo lớn của cả nước về đổi mới báo chí. Không chỉ thế, trên thị trường báo chí đầy sôi động lúc ấy (kể cả TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ), bạn đọc biết đến Tiền Giang, biết đến Báo Ấp Bắc như món ăn tinh thần với nhiều ấn bản chuyên đề văn hóa, thể thao, giải trí và cả các vụ án lớn trong, ngoài tỉnh. Những người làm Báo Ấp Bắc dưới thời anh làm Tổng Biên tập, tờ báo được đón nhận từ thành thị đến thôn quê và được bà con tin cậy đến tòa soạn “ký thác” nhiều vụ việc khiếu kiện bức xúc hay tố cáo cái ác, cái xấu… Đó cũng là thời kỳ Báo Ấp Bắc vươn lên tự cân đối về tài chính bằng chính việc xuất bản báo.

Với thế hệ làm Báo Ấp Bắc được anh dìu dắt dù thành đạt hay từng “bị” anh rầy la, thậm chí kỷ luật cũng khắc ghi hình bóng, phong cách của anh. Khi ấy phong trào thâm canh, tăng vụ đang được nông dân khắp nơi hưởng ứng, anh thường bảo rằng: Trang báo như mảnh ruộng, người làm báo phải biết thâm canh, phải chăm chút cho từng dòng tin, bài viết sao cho chất lượng. Anh dạy: Người làm báo như đánh cờ, phải sạch nước cản. Tờ báo như sách giáo khoa, thầy cô giáo đọc và trích dẫn từ báo, mà báo không chính xác, sai chính tả thì không thể chấp nhận. Và chính anh là tấm gương chỉn chu qua từng câu chữ, trang viết. Anh “thách” ai phát hiện anh viết sai chính tả thì được thưởng. Mỗi khi anh biên tập, duyệt xong tin, bài của phóng viên, anh gọi vào trao đổi, chỉ ra chỗ cần sửa chữa hoặc rút kinh nghiệm và anh rất giận khi ai lặp lại lỗi ấy. Chính sự tận tụy dìu dắt như “cầm tay” khiến anh chị em cảm thấy ấm áp và hạnh phúc khi tên, bút danh được in trên báo. Theo thời gian, phóng viên cứng cáp, có trách nhiệm với tin, bài, trưởng thành dần và đọng mãi dấu ấn của anh Ba (anh Trần Bửu), của lãnh đạo báo. Hôm nay, dự tang lễ anh, tin rằng đồng chí, đồng sự, đàn em, đàn cháu của anh sẽ ôn nhiều kỷ niệm mang dấu ấn của anh…

Nhắc đến Tổng Biên tập Trần Bửu, một dấu ấn không thể phai, đó là Giải Việt dã Báo Ấp Bắc hằng năm. Anh là người khởi xướng tổ chức hoạt động thể thao mang tên báo nhân dịp kỷ niệm 20 năm báo Đảng Tiền Giang mang tên Ấp Bắc (1963 - 1983). Anh bảo rằng, không chỉ xuất bản báo, thông qua báo, hoạt động thể dục - thể thao (TTDT) nhân lên sức sống và ngược lại, đặc biệt là môn việt dã không cần nhiều trang bị nhưng mang tính đại chúng cao nên anh chọn chạy việt dã để thực hiện. Có thể nói, sau năm 1975, Ấp Bắc là cơ quan báo chí sớm nhất tổ chức giải thể thao mang tên báo. Chính anh tạo ra dấu ấn. Còn tôi, may mắn được anh giao cho công việc này. Tiếc rằng, sang năm 2018, Giải bước vào lần thi chạy thứ 35 thì người khởi xướng đã không còn. Anh Ba ơi! Xin anh hãy an lòng, sức sống của Giải sẽ tiếp nối như sức sống của Chiến thắng Ấp Bắc năm nào… Xin nói thêm, anh Ba còn là cây vợt bóng bàn “rơ xưa” đánh ngọt cú rờ-ve… đưa chân. Với bà con từ phường 8 đến Vườn hoa Lạc Hồng đều quen thuộc hình ảnh ông Trần Bửu mỗi sáng chạy bộ, tắm sông cho đến lúc chân yếu vẫn thể dục đều đặn. Con anh Ba kể, sáng trước khi vào bệnh viện, ba con còn đi bộ với các bạn cao niên trên thành phố, có ngờ đâu bị vỡ mạch máu não đột ngột dẫn đến ra đi… Dấu ấn anh Trần Bửu qua TDTT là vậy!

Nhà báo Trần Bửu trao giải cho các vận động viên đoạt giải tại Giải Việt dã Báo Ấp Bắc lần thứ 26 - 2009.
Nhà báo Trần Bửu trao giải cho các vận động viên đoạt giải tại Giải Việt dã Báo Ấp Bắc lần thứ 26 - 2009.

Năm 1989, anh Ba rời Báo Ấp Bắc sang nhận nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Anh gọi tôi vào phòng giao lại một số tư liệu báo chí, mà phần lớn liên quan đến Báo Ấp Bắc. Anh bảo, làm báo phải biết quý và sử dụng tư liệu đúng lúc. Rồi anh còn đưa cho một xấp giấy, trong đó có cả giấy bao thư được anh cắt vuông vắn mà anh tận dụng mặt trắng còn lại để viết… Lúc đó, giấy trắng còn ít. Tôi nghiệm một điều, trong thời điểm chuyển giao anh còn để lại bài học tiết kiệm. Sau này, khi viết, chuyển bài qua email, bước đầu với anh không kém phần vất vả, vậy mà anh vẫn vượt qua và đặc biệt ngay cả lúc anh nằm viện, vẫn chưa bao giờ lỗi hẹn gửi bài cho chuyên mục “Câu chuyện hôm nay”. (Lại xin nói thêm, anh thường nói, viết cũng là cách rèn bút, để động não, chống suy thoái). Anh nhắc: “Cố gắng giữ chuyên mục, tổ chức thêm nhiều người có khả năng tham gia. Tờ báo phải có bài chính luận dẫn dắt người đọc, định hướng dư luận. Người ta mua báo có khi chỉ xem một chuyên mục hoặc “nghiện” tác giả nào đó...”. Vậy mà từ nay bút danh Trần Quân sẽ vắng trên chuyên mục này và Báo Ấp Bắc ơi hãy gắng sức tiếp nối…

Cả hai lần anh nhận Huy hiệu Đảng 40, 50 năm và tôi thật hạnh phúc khi được dự, chúc mừng anh. Anh tâm niệm, trong niềm vui của người đảng viên trước sự kiện cần có sự hiện diện của 2 đồng chí: Người giới thiệu mình vào Đảng và người mình giới thiệu vào Đảng. Đó là sự tiếp nối, thể hiện sức sống của Đảng. Với anh, đó là nghi thức, là ý tưởng, là mong muốn… Còn với tôi, đó là dấu ấn Trần Bửu - người thầy, người anh, người đồng chí, đồng nghiệp.

Tiễn biệt Nhà báo Trần Bửu, nguyên Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc với các bút danh Trường Hưng, Trần Quân đọng lại mãi với tờ báo biết bao dấu ấn…

ĐỨC LẬP

.
.
.