Thứ Năm, 04/05/2017, 06:33 (GMT+7)
.

Thanh niên bỏ quê, nông thôn thiếu lao động

Những năm gần đây, một bộ phận lớn thanh niên nông thôn đến làm việc trong các khu, cụm công nghiệp khiến cho lao động nông nghiệp thiếu trầm trọng. Từ đó, giá thuê nhân công lao động nông nghiệp ngày một tăng cao, nhưng cũng không phải dễ thuê…

Các khu, cụm công nghiệp ngày càng nhiều, cùng với đó là sự thu hút một lượng lớn lao động, nhất là lao động trẻ từ nông thôn đến làm công nhân trong các nhà máy, công ty. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác thúc đẩy thanh niên nông thôn rời bỏ quê để mưu sinh trong các nhà máy, công ty là làm công nhân cho thu nhập cao, ổn định nhưng lại không vất vả như làm nông nghiệp… Tất cả những điều này dẫn đến tình trạng lao động ở nông thôn đang thiếu trầm trọng.

Hiện nay, rất khó thuê lao động nông nghiệp và giá thuê cũng rất cao.
Hiện nay, rất khó thuê lao động nông nghiệp và giá thuê cũng rất cao.

Ông Trương Hoàng Vui, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy kể, ngày trước ở quê thanh niên đông lắm vì mọi người đều “bám” lấy mảnh vườn, mảnh ruộng để mưu sinh. Thời đó, mỗi lần tới mùa nhãn, nhà vườn không sợ thiếu nhân công thu hoạch như bây giờ. Khoảng 5 - 7 năm nay, muốn tìm nhân công để chăm sóc, thu hoạch vườn rất khó, giá thuê lại rất cao, đến 200 ngàn đồng/ngày. Làm vườn chủ yếu lấy công làm lời, trong khi giá thuê nhân công quá cao nên dù đã bước qua tuổi 57, sức khỏe giảm sút rất nhiều nhưng ông Vui vẫn cố gắng chăm sóc mảnh vườn 3.000 m2 của gia đình.

Cùng cảnh ngộ, ông Võ Đông Hồ đã 50 tuổi, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành có 3.500 m2 đất trồng bưởi da xanh nên những lúc cần xịt thuốc, làm gốc, ông đều phải thuê nhân công nhưng rất khó khăn. Ông cho biết: “Hiện nay, tôi chỉ có một mối quen để thuê làm vườn. Mỗi ngày, tiền công 200 ngàn đồng, bao ăn sáng, vậy mà những lúc người này bận, tôi không biết phải thuê ai”.

Dạo quanh các vùng nông thôn ngày nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những lão nông đã ngoài 60 tuổi đang cặm cụi chăm sóc miếng vườn, mảnh ruộng của mình. Bởi, họ ngại thuê nhân công vì mức giá cao, vả lại không dễ tìm nhân công để thuê. Lý giải về thực trạng thiếu lao động làm nông nghiệp ở nông thôn, ông Hồ cho biết: Do nghề nông vất vả, thu nhập lại bấp bênh nên nhiều thanh niên trong xóm cố gắng lo học để có cái nghề đi làm kiếm đồng lương sinh sống cho đỡ vất vả. Còn những thanh niên không theo đuổi con đường học hành, sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT cũng đi làm công nhân trong các nhà máy, công ty. Còn ông Vui thì chia sẻ: “Lúc trước, tôi cố gắng làm để có tiền cho con ăn học đến nơi đến chốn cho đỡ vất vả sau này. Vì vậy giờ đây, tụi nhỏ đều đi xa, tôi lại một mình với mảnh vườn. Bây giờ còn sức khỏe nên còn làm nổi, vài năm nữa không còn sức để làm, tôi không biết mảnh vườn này sẽ ra sao?”.

“Phong trào” thanh niên bỏ quê đi “lập nghiệp” phương xa đang ngày càng rầm rộ và không ít trong số đó không hẳn vì lý do kinh tế... Gia đình anh Phan Minh Huân, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy có 3.000 m2 đất trồng sầu riêng và có vựa thu mua sầu riêng. Cả 2 công việc này gia đình anh đều phải thuê nhân công làm với giá 200 ngàn đồng/ngày. Vậy mà, anh lại lên TP. Mỹ Tho làm công nhân với thu nhập chỉ tương đương với một nhân công ở gia đình thuê. Lý giải về việc này, anh Huân cho biết: Tuổi trẻ cần phải đi đây đi đó để học hỏi. Anh cố gắng làm một thời gian, tiết kiệm được một số vốn rồi mới về làm vườn.

Không riêng gì anh Huân mà có rất nhiều thanh niên ngày nay “ngại” cầm cuốc ra đồng, ra vườn và muốn thoát khỏi gia đình để được tự do. Anh Trương Trường Giang, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, cho biết, gia đình có 2.000 m2 đất nhưng đã cho thuê, còn anh hiện đang đi làm ở Đồng Nai. “Nghề nông vất vả không làm nổi nên tôi phải đi Đồng Nai kiếm việc làm. Tôi thích cuộc sống nhộn nhịp ở thành thị, lại có nhiều bạn bè nên quyết tâm lập nghiệp ở đó” - anh Giang chia sẻ.

Dự báo trong thời gian tới, “làn sóng” thanh niên bỏ quê, đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp vẫn chưa dừng lại. Chính vì thế, những lão nông ở nông thôn dù đến tuổi được nghỉ ngơi, an nhàn nhưng vẫn phải miệt mài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để chăm sóc mảnh vườn, thửa ruộng của mình là điều tất yếu. Thực trạng thiếu lao động nông nghiệp ở nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề để các ngành, các cấp suy nghĩ và tìm biện pháp giải quyết.

QUỐC TUẤN

.
.
.