Thứ Hai, 04/06/2018, 15:54 (GMT+7)
.

Xuất khẩu lao động: Giải bài toán việc làm cho lao động

Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực, Tiền Giang cũng đang tập trung vào công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thông qua việc xây dựng đề án, chương trình hỗ trợ cho người lao động nhằm góp phần giải bài toán việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn.

Người lao động cần được đào tạo nghề, kỹ năng trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Người lao động cần được đào tạo nghề, kỹ năng trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

1. Chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn Tiền Giang đã được triển khai gần 15 năm. Khởi đầu từ Đề án Xuất khẩu lao động (XKLĐ) tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2004 - 2010 với mục tiêu là mỗi năm đưa 300 lao động ra nước ngoài làm việc. Thời gian đầu triển khai thực hiện, đề án cũng đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, chỉ trong 2 năm (2005, 2006) trên địa bàn tỉnh đã có hơn 830 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, càng về sau số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm dần do nhiều nguyên nhân khác nhau; bình quân 3 năm (2007 - 2009), mỗi năm trên địa bàn tỉnh chỉ có 87 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Kế tiếp là từ năm 2012, tỉnh thực hiện Dự án Hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 theo hướng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đi vào chiều sâu, không chạy theo phong trào nhưng kết quả đạt được cũng rất khiêm tốn. Cụ thể là trong năm 2016 toàn tỉnh chỉ có 173 người đi làm việc ở nước ngoài và chỉ chiếm tỷ lệ 0,14% so với cả nước.

Theo đánh giá chung của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đạt hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của Đề án năm 2004 đã đề ra.

Số liệu cụ thể cho thấy, giai đoạn 2004 - 2010 số lao động bình quân ra nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh là 178 người, chỉ đạt gần 60% mục tiêu của đề án; còn nếu tính bình quân giai đoạn 2004 - 2016, mỗi năm chỉ có khoảng 160 người, đạt hơn 53%.

Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể thị trường người lao động đến làm việc chưa đa dạng, chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; số người thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều do chính sách hỗ trợ chưa phù hợp; số lượng lao động chưa được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật trước khi đi làm việc ở nước ngoài còn lớn…

Hợp tác đào tạo, đưa lao động làm việc tại nước ngoài

Từ năm 2016, Công ty Esuhai (TP. Hồ Chí Minh) đã hợp tác với Trường Đại học Tiền Giang đào tạo tiếng Nhật, đào tạo kỹ năng, giới thiệu việc làm… Đến nay, có 25 lớp đào tạo tiếng Nhật đã được mở, với 486 học viên; đã có 91 học viên đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản và 51 người đã xuất cảnh sang làm việc tại các tỉnh, thành của Nhật Bản. Các sinh viên Trường Đại học Tiền Giang sang Nhật Bản chủ yếu thực tập và làm việc ở một số ngành nghề chính là: Công nghệ thực phẩm, lắp ráp điện tử và kỹ thuật cơ khí, công nghệ may, xây dựng trong thời hạn 3 năm, với mức lương bình quân khoảng 24 - 26 triệu đồng/tháng. Sau thời gian làm việc tại Nhật Bản, số lao động này sẽ trở về Việt Nam trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Giá trị lớn nhất khi lao động sang Nhật Bản làm việc và học tập, ngoài tích lũy kinh tế là ngoại ngữ, tác phong làm việc, cách quản lý công việc và kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản.

Theo ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Esuhai, năm 2017, Esuhai phái cử 1.380 thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc; đào tạo và làm hồ sơ du học cho 240 du học sinh sang Nhật Bản; phái cử 523 kỹ sư cao cấp sang Nhật Bản làm việc tại hơn 200 công ty Nhật thuộc các ngành nghề: Cơ khí, Thiết kế máy, Ô tô, Xây dựng, Cơ - điện tử, Tự động hóa, Điện - điện tử… Năm 2018, số lượng đơn tuyển thực tập sinh Công ty Esuhai tiếp nhận dự kiến 2.100 vị trí.

Theo đánh giá của các cơ quan có liên quan, một trong những rào cản ảnh hưởng đến tình hình XKLĐ thời gian qua là liên quan đến chính sách tín dụng hỗ trợ. Kinh nghiệm cho thấy, các tỉnh, thành có chính sách cho vay hấp dẫn sẽ thu hút người lao động tham gia nhiều như tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Qua quá trình thực hiện thời gian qua cũng cho thấy, 2 rào cản lớn nhất đối với người lao động Tiền Giang là chi phí và tâm lý lo lắng khi làm việc ở nước ngoài.

2. Nhìn từ thực tiễn như thế, nhằm tạo sức bật mới trong công tác đưa người lao động của Tiền Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình, giảm nghèo bền vững, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020.

Mục tiêu đặt ra trong đề án lần này là giai đoạn 2018 - 2020 có 900 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm 300 lao động, theo hình thức thông qua các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc và thông qua Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH theo Chương trình phi lợi nhuận của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước.

Theo Sở LĐ-TB&XH, một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra trong đề án này, bên cạnh tuyên truyền, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài là các chính sách hỗ trợ cho người lao động.

Đề án cũng tập trung vào việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với tất cả người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; mở rộng đối tượng và mức vay đi làm việc ở nước ngoài ngoài đối tượng và mức vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và quy định từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

Theo đó, đề án chú trọng đến hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp hay hộ lao động cận nghèo, lao động là thân nhân người có công với cách mạng… thực hiện theo Thông tư 09 ngày 15-6-2016 của Bộ LĐ-TB&XH về hỗ trợ chi phí và chính sách cho vay vốn ưu đãi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và Thông tư 15 ngày 15-2-2017 của Bộ Tài chính.

Tới đây, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài và triển khai thực hiện…

Cạnh tranh giữa các tỉnh, thành

Ngoài tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh XKLĐ, từ tháng 3-2017, tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định hỗ trợ cho vay tín chấp với mức tối đa 150 triệu đồng/lao động đối với người lao động có điều kiện khó khăn được địa phương xác nhận, được chia ra 2 giai đoạn: Cho vay 30 triệu đồng giai đoạn ban đầu khi người lao động chính thức đăng ký tham gia học và cho vay phần còn lại khi có hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ hay tổ chức sự nghiệp.

Còn tỉnh Vĩnh Long cho vay 100% chi phí đối với đối tượng thuộc hỗ trợ của Nghị định 61 ngày 9-7-2015, mở rộng thêm đối tượng bộ đội xuất ngũ; tất cả các đối tượng còn lại vay tín chấp 80% chi phí và được áp dụng từ năm 2016. Chính sách hỗ trợ vay vốn trên đã tạo điều kiện cho rất nhiều lao động tham gia XKLĐ, với số lượng tham gia đứng thứ 2 sau tỉnh Đồng Tháp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

P.A - M.T

.
.
.