Thứ Sáu, 27/07/2018, 11:10 (GMT+7)
.
BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG PHẠM THỊ THAO:

Tới bây giờ mẹ vẫn chờ con…

Nhân kỷ miệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2018), chúng tôi đã đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Phạm Thị Thao, ở xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành).

Mặc dù đã 90 tuổi nhưng mẹ Thao vẫn còn minh mẫn khi kể về những hy sinh, cống hiến của chồng và các con mẹ cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ đất nước.

Bà mẹ VNAH Phạm Thị Thao vẫn ngày ngày mong tìm được hài cốt của người con hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Bà mẹ VNAH Phạm Thị Thao vẫn ngày ngày mong tìm được hài cốt của người con hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Mẹ Thao kể, chồng mẹ là ông Đoàn Văn Thiệt tham gia cách mạng và bị bắt đày ra Côn Đảo 4 năm. Mẹ ở nhà, một mình lo cho đàn con thơ.

Nhiều lần bọn lính tới nhà hỏi, chồng mẹ đâu mà con nhiều vậy? Mẹ chỉ trả lời cho qua chuyện, chứ không dám nói có chồng.

Sau giải phóng, mẹ vui mừng khi thấy chồng trở về. Nhưng do di chứng từ những trận đòn roi khi bị giam ở Côn Đảo đã làm cho chồng mẹ đau bệnh triền miên và mất không lâu sau đó.

Tiếp tục trong câu chuyện kể của mẹ Thao là sự hy sinh của 2 người con trai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Nhắc đến 2 người con của mình là trên khuôn mặt khắc khổ với nhiều nếp nhăn của mẹ Thao lại tràn ngập tình yêu thương, sự chờ mong xen lẫn buồn tủi.

Ngước nhìn từng di ảnh và Bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ, lau hàng nước mắt, mẹ Thao cho biết: Mẹ có 9 người con (6 trai, 3 gái).

Người con trai cả tên Đoàn Văn Thoài, hy sinh trong trận đánh Mỹ năm 1968 tại quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

“Thằng Thoài tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, chưa vợ con gì. Nó đánh giặc giỏi lắm! Nó hứa đánh xong trận sẽ về thăm mẹ, nhưng rồi nó đi mãi không về đã hơn 50 năm rồi…” - mẹ Thao nghẹn ngào nói.

Vài năm sau, nỗi đau mất đứa con cả còn chưa nguôi, vết thương trong lòng mẹ Thao lại thêm nhức nhối khi nhận tin con trai thứ tư là Đoàn Văn Nhàn đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Campuchia trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Mẹ xúc động: “Ngày nhận được tin báo, thêm đứa con thân yêu của mình hy sinh, trái tim mẹ như vỡ vụn. Đau lòng nhất là thằng Nhàn hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt”.

Hai lần nghe tin họng súng quân thù cướp đi 2 người con trai là 2 lần mẹ Thao nén nỗi đau, kiên cường đứng vững, để làm chỗ dựa cho cả gia đình trong những năm tháng đất nước còn nhiều khó khăn.

Dù vẫn còn mang nặng những vết thương lòng do chiến tranh gây ra nhưng mẹ Thao tự hào vì sự hy sinh của gia đình cho độc lập tự do, vì sự bình yên của Tổ quốc.

Khẽ vuốt từng di ảnh của các con trên bàn thờ, mẹ Thao lẩm nhẩm bảo: “Do được chính quyền các cấp quan tâm nên các khoản trợ cấp mẹ đều được nhận đầy đủ, cuộc sống cũng tốt hơn. Năm nào vào các dịp lễ, tết cũng được nhận quà của Chủ tịch nước và các cấp, các ngành, phấn khởi lắm! Giờ mẹ ở đây có con cháu chăm sóc, đỡ đần, chẳng phải lo gì lúc tuổi già nữa”.

Tuy nhiên, ở cái tuổi đã “gần đất xa trời”, mẹ Thao vẫn ngày ngày ngóng trông tìm được hài cốt của anh Nhàn. “Trời cho mẹ sống ngày nào thì ngày ấy mẹ vẫn mong tìm được hài cốt của thằng Nhàn để đưa về chôn cất ở quê nhà” - mẹ Thao nói.

Trân trọng, ghi nhớ và tri ân những cống hiến vô giá của mẹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 2014, mẹ Phạm Thị Thao được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, có những người con đi mãi không về, có những Bà mẹ VNAH như mẹ Thao vẫn mòn mỏi chờ con…

Và thế hệ hôm nay hiểu rằng, không có gì có thể đền đáp được công lao to lớn của những Bà mẹ VNAH, những người đã hiến dâng những gì quý giá nhất của đời mình cho độc lập, tự do.

Sự hy sinh đó là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng lịch sử dân tộc, mãi mãi được Tổ quốc ghi nhớ, tri ân.

P. MAI

.
.
.