.

Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Cập nhật: 16:05, 29/04/2020 (GMT+7)

Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) bộ đội cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng đều mang trong tim sứ mệnh thiêng liêng - sứ mệnh của “Bộ đội Cụ Hồ” sẵn sàng chiến đấu trong thời bình lặng im tiếng súng.

Để người dân yên tâm cách ly, lãnh đạo UBND tỉnh và đơn vị có liên quan đã nỗ lực chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất phục vụ.
Để người dân yên tâm cách ly, lãnh đạo UBND tỉnh và đơn vị có liên quan đã nỗ lực chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất phục vụ.

Trường Quân sự Tiền Giang thuộc địa bàn xã Long Định, huyện Châu Thành (ngày 3-4-2020, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh công bố quyết định của Bộ Quốc phòng về việc giải thể Trường Quân sự Tiền Giang.

Do hiện nay, Trường Quân sự Tiền Giang đang thực hiện nhiệm vụ cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19; nên mặc dù giải thể, nhưng đơn vị vẫn tiếp tục được giao nhiệm vụ thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực cách ly theo kế hoạch) được tỉnh chọn làm 1 trong 4 điểm cách ly chính để tiếp nhận người trở về từ vùng dịch Covid-19.

Ngay sau khi được chọn, các lực lượng Quân sự, Công an và Y tế đã phối hợp chặt chẽ với tinh thần quyết tâm chiến đấu cao “chống dịch như chống giặc”. Đây là nhiệm vụ đặc biệt được Đảng, Nhà nước giao phó.

KHI TỔ QUỐC GỌI TÊN

Đại tá Nguyễn Văn Bé Bảy, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đơn vị đã bố trí lực lượng trực và phối hợp nhịp nhàng với ngành Công an, Y tế; chỉ huy đơn vị trực 24/24 để xử trí các tình huống có thể xảy ra.

Đại tá Nguyễn Văn Hải, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh (nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự Tiền Giang) chia sẻ thêm, trước khi tiếp nhận người trở về từ vùng dịch, đơn vị đã bố trí lực lượng tổng vệ sinh, sắp xếp vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt nhất nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người được cách ly.

Theo đó, Tổ phục vụ thường xuyên thay đổi thực đơn, đảm bảo các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Do trong số người được cách ly có người nước ngoài nên Tổ phục vụ phải nghiên cứu chế biến món ăn sao cho vừa đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa hợp khẩu vị.

Cường độ làm việc của các thành viên Tổ phục vụ rất nhiều áp lực, phải thức dậy thật sớm để chuẩn bị gần 300 phần ăn sáng; bữa sáng vừa xong lại phải chuẩn bị cơm trưa và kế tiếp là cơm chiều. Mặc dù vậy, Tổ phục vụ luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của những người được cách ly để chế biến món ăn cho phù hợp, đảm bảo sức khỏe.

Trong các đợt cách ly có trẻ em, Tổ phục vụ phải nấu cháo dinh dưỡng cho các bé; phục vụ các món chay khi người được cách ly yêu cầu. Có lẽ, hạnh phúc của các “anh nuôi” là được thấy những người được cách ly ăn ngon, ăn hết khẩu phần, định lượng.

Ngoài ra, trong 14 ngày thực hiện cách ly, đơn vị đã cung cấp cho những người được cách ly các vật dụng sinh hoạt tối thiểu. Trong đó, có một số vật dụng khác nằm ngoài danh mục như đồ dùng cấp thiết dành cho phụ nữ, võng dành riêng cho trẻ em hay nước đá để người nước ngoài giải nhiệt… cũng được Tổ phục vụ cung cấp đầy đủ.

Các suất ăn được chiến sĩ đưa đến tận phòng, phục vụ người được cách ly.             Ảnh: THỦY HÀ
Các suất ăn được chiến sĩ đưa đến tận phòng, phục vụ người được cách ly. Ảnh: THỦY HÀ

Tham gia vào cuộc chiến chống “giặc Covid-19” có không ít CB-CS trẻ của Bộ CHQS tỉnh. Là một trong những người trực tiếp phục vụ, tiếp xúc với những người được cách ly, chiến sĩ Nguyễn Nghĩa Danh chia sẻ, công việc của anh chủ yếu là dọn dẹp vệ sinh, cấp phát nhu yếu phẩm đến từng giường trước khi đón người đến cách ly. Trong thời gian thực hiện cách ly cho nhiều người, Danh được phân công nhiệm vụ ở Tổ phục vụ với công việc như vận chuyển cơm, nước uống, đồ đạc, giúp đỡ người được cách ly khi có yêu cầu.

“Mỗi lần tiễn mọi người hết thời gian cách ly y tế, được trở về nhà là niềm vui, hạnh phúc chung của anh em chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đây, vì thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ, tự hào khi là một chiến sĩ trẻ góp phần nhỏ bé trên “mặt trận” phòng, chống dịch bệnh” - chiến sĩ Nguyễn Nghĩa Danh bày tỏ.

Kết thúc đợt đầu cách ly tập trung, những người được cách ly được tỉnh hỗ trợ xe đưa đến các sân bay, bến xe gần nhất để trở về gia đình. Riêng đợt cách ly lần 2, do tình hình vận tải hành khách thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên những người được cách ly cư ngụ tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây được Sở Giao thông - Vận tải thuê xe đưa về tận nhà hoặc đến những điểm gần nhà.

Khi những chiếc xe chở những người hoàn thành thời gian cách ly y tế trở về gia đình, thì các CB-CS nơi đây không được nghỉ ngơi mà lập tức bắt tay vào việc tẩy trùng toàn bộ đơn vị, chuẩn bị quân tư trang, sẵn sàng tiếp nhận những nhiệm vụ mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

HẬU PHƯƠNG “TIẾP LỬA”

Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, vượt lên mọi khó khăn là những câu chuyện, hình ảnh về sự sẻ chia của người dân khắp nơi. Nghĩa cử cao đẹp ấy hơn bao giờ hết như tiếp thêm động lực cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch.

Trong những lần trò chuyện, Đại tá Nguyễn Văn Bé Bảy và Đại tá Nguyễn Văn Hải luôn nhắc về những món quà được người dân bên ngoài gửi vào cho lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly, nào là thùng sữa, bao gạo, thùng mì tôm, đòn bánh tét, trái cây nhà trồng… thấp thoáng dáng hình các mẹ, các chị gợi nhớ về một hậu phương vững chắc. Những gói quà thơm thảo gửi vội ngoài cổng khu cách ly không để lại một cái tên, một dòng địa chỉ, chỉ vỏn vẹn lời nhắn.

Tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ” trên “mặt trận” phòng, chống dịch; mỗi xã, phường, ấp, tổ dân phố và mỗi gia đình là một pháo đài phòng, chống dịch đã và đang lan tỏa mạnh mẽ bằng nhiều hình thức và hành động. Giữa đại dịch, khó có thể nói hết những nhọc nhằn, lo toan trên khuôn mặt của đội ngũ y, bác sĩ và CB-CS ngày đêm túc trực tại các điểm cách ly.

Chỉ biết rằng, phía trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, sau những ca túc trực, chăm sóc, giúp đỡ những người được cách ly cũng như người bệnh là niềm vui nhân đôi. Bởi nhiệm vụ người “Bộ đội Cụ Hồ” đang gánh vác là trọng trách thiêng liêng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và chỉ có khác là cuộc chiến đấu này không có tiếng đạn bom…

Khu cách ly tại Trường Quân sự Tiền Giang đã trải qua 2 đợt cách ly, có hơn 620 người được cách ly tại đây. Nhiều kỷ niệm, hình ảnh đẹp về “Bộ đội Cụ Hồ” trên “mặt trận” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được nhiều người được cách ly ghi nhận và gửi lời cảm ơn.

Chị Nguyễn Thị Kiều Trang (quê tỉnh Hải Dương), du học sinh ở Australia trở về nước và được cách ly đợt 2 tại Trường Quân sự Tiền Giang cho biết, những ngày được cách ly y tế ở đây có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Các cô chú, anh chị y, bác sĩ, bộ đội rất nhiệt tình chăm sóc.

Khi mọi người cần vật dụng hay nước uống là các anh bộ đội mang đến tận phòng. Một trong những kỷ niệm không bao giờ quên được chị Trang chia sẻ, đó là vào lúc 4 giờ 4 phút ngày 7-4, khi mọi người vẫn còn đang say giấc thì có tiếng loa vang lên, thông báo chúc mừng tất cả mọi người được cách ly đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Mọi người thu dọn hành lý để trở về nhà. Thế là, tất cả mọi người ở các dãy lầu cách ly đều vỡ òa hạnh phúc trong tiếng vỗ tay reo hò. “Đây có lẽ là “học kỳ quân đội” đầy ý nghĩa đối với tôi. Khi về nhà, tôi sẽ đóng khung treo Giấy chứng nhận đủ thời gian cách ly ở nơi dễ nhìn thấy như một kỷ niệm khó quên trong đời…” - chị Trang xúc động bày tỏ.

VĂN THẢO

.
.
.