Thứ Ba, 07/07/2020, 07:47 (GMT+7)
.

Chung tay bảo vệ trẻ em

Thực hiện Đề án 938 của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung của Đề án. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ trong phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực gia đình đối với trẻ em gắn với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Chung tay bảo vệ và tạo môi trường an toàn cho trẻ em.
Chung tay bảo vệ và tạo môi trường an toàn cho trẻ em.

THỰC TRẠNG XÂM HẠI TRẺ EM

Bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn nạn toàn cầu. Trên thế giới, ước tính có 120 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân bị bạo lực tình dục, gần 1 tỷ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt thể chất. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ bạo lực, xâm hại trẻ em cao trên thế giới. Riêng tại Tiền Giang, theo báo cáo của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2017 -
2019, xảy ra 102 trường hợp trẻ em bị xâm hại (gồm 97 trẻ em gái và 5 trẻ em trai); trong đó, bạo lực 5 trường hợp (bị đánh gây thương tích), xâm hại tình dục (hiếp dâm, dâm ô, cưỡng dâm, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác) 89 trường hợp là trẻ em gái và các hình thức gây tổn hại khác 8 trường hợp.

Mặc dù những năm gần đây tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc, mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường. Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, như người quen, người lạ, người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè trong và ngoài nhà trường…

Trẻ em có quyền được sống trong môi trường không bạo lực, xâm hại và bóc lột. Để làm được điều đó, ngoài việc củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, các cấp, các ngành cần đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, chứ không chỉ xử lý sau khi có các vụ (việc) xấu xảy ra với trẻ em. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong xử lý vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn phải có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để tạo môi trường thật sự an toàn cho trẻ em.

Trẻ em bị xâm hại gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển, thậm chí hủy hoại cuộc sống của các em trong tương lai. Các em có nguy cơ cao bị trầm cảm, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể dẫn đến tự tử. Bên cạnh đó, gia đình và xã hội cũng bị ảnh hưởng. Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng. Một số vụ (việc) kéo dài nhiều năm, khi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác đưa ra trước công luận. Mặt khác, đa số các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực, xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện chỉ là một phần so với thực tế.

TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP

Để chung tay bảo vệ trẻ em, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch và cụ thể hóa các hoạt động phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực gia đình đối với trẻ em trong nhiệm vụ công tác Hội hằng năm. Trong đó, Hội chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; thực hiện Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, Đề án 938 của Thủ tướng Chính phủ…

Các cấp Hội LHPN trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em trên địa bàn tỉnh được trên 42 ngàn cuộc, bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, tọa đám, liên hoan, diễn đàn, truyền thông cộng đồng… với trên 1,57 triệu lượt hội viên, phụ nữ tham dự.

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn biên soạn, phát hành 60.000 tờ rơi, với các nội dung: Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, thông báo rộng rãi số điện thoại Tổng đài quốc gia 111 bảo vệ trẻ em để người dân và trẻ em chủ động tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai hiệu quả các mô hình bảo vệ trẻ em như: “Phòng, chống bạo lực gia đình”, với 47 tổ/nhóm; “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, với 398 địa chỉ và 1.626 thành viên; “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”, với 2.162 thành viên, thường xuyên tuyên truyền, vận động và hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em yếu thế.

Đồng thời, các cấp Hội ra mắt 30 nhóm “Cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ” tại 11 huyện, thành, thị, với 644 thành viên, tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng/quý để triển khai thực hiện 18 chuyên đề hướng dẫn cha mẹ trong chăm sóc trẻ phát triển toàn diện; duy trì sinh hoạt 200 Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, với 5.685 thành viên… Những năm qua, thông qua các mô hình đã tư vấn, giúp đỡ 498 vụ hôn nhân gia đình và bạo lực gia đình có chuyển biến tốt; kịp thời phát hiện, lên tiếng, can thiệp, hỗ trợ, đề nghị ngành chức năng giải quyết 47 vụ (việc) xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

MỸ PHƯƠNG

.
.
Liên kết hữu ích
.