.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Cập nhật: 13:49, 13/11/2020 (GMT+7)

Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (BĐG) về “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt BĐG, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”, những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tích cực tham gia các lĩnh vực đời sống xã hội. Qua đó, thúc đẩy BĐG, chống bạo lực gia đình, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về BĐG, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em là những nội dung được các cấp Hội LHPN quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Lễ phát động thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” gắn với việc tổ chức Chương trình “Tết vì người nghèo”, qua đó trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo, học bổng cho con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Tọa đàm thực trạng và giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình.
Tọa đàm thực trạng và giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình.

Hằng năm, Tỉnh hội tổ chức 11 lớp tập huấn và 53 cuộc truyền thông cộng đồng cung cấp kiến thức “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ để đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em… với gần 6.000 người dự; 30 cuộc tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, với hơn 1.607 người tham dự.

Hội huyện, thị, thành và các Hội cơ sở tổ chức 8.165 buổi truyền thông cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho 351.023/386.738 lượt hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi tham dự.

173/173 cơ sở Hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền để tiếp cận, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực giới; cách thức lên tiếng trước các hành vi bạo lực cho 69.589 phụ nữ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra mà Hội không lên tiếng kịp thời. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ 5.494 phụ nữ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được lựa chọn tác động có chuyển biến tích cực về hành vi.

Các cấp Hội LHPN biên soạn, phát hành 3.000 quyển tài liệu truyền thông, 60 ngàn tờ rơi về “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; thông báo rộng rãi về Tổng đài điện thoại quốc gia 111 bảo vệ trẻ em để người dân và trẻ em chủ động tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Duy trì và phát triển mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” với 398 địa chỉ và đã có 1.626 thành viên được tư vấn, giúp đỡ 110 hộ gia đình xảy ra bạo lực có chuyển biến tốt. Duy trì 200 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; 47 tổ/nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em… Ngoài ra, hằng năm các cơ sở Hội tiếp nhận, giúp đỡ hàng chục phụ nữ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN  

Đặc biệt, hằng năm Hội LHPN tỉnh còn tổ chức Liên hoan các hoạt động chuyên đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em” với các hình  thức phong phú như: Thi trắc nghiệm kiến thức, tâm đầu ý hợp, tiểu phẩm hoặc câu chuyện truyền thanh... với 11 đội dự thi đến từ 11 huyện, thị, thành và thu hút trên 300 đại biểu tham dự.

Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho Nguyễn Trần Ngọc Thương chia sẻ: “Để tham dự Liên hoan chuyên đề về “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, bản thân đã tích cực tìm hiểu về Luật Trẻ em, Luật BĐG, Luật Hôn nhân và gia đình, các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình… Qua liên hoan không chỉ  giúp bản thân có thêm nhiều kiến thức bổ ích về BĐG, nâng cao nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình… mà tôi còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền được giao”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kiều Tiên cho biết: “Thông qua hoạt động tuyên truyền bằng hình thức tổ chức liên hoan, hội thi hay diễn đàn giao lưu “Vì một cộng đồng không bạo lực”… đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở cơ sở củng cố kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời tăng cường đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền để đưa thông tin về BĐG, cách phòng, chống bạo lực gia đình đến gần với người dân hơn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp, sinh hoạt hội, đoàn thể, tổ chức nói chuyện chuyên đề hoặc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn được các cấp Hội LHPN đẩy mạnh. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình”.

Với nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú đã tạo được sự quan tâm của nhiều người về BĐG. Từ đó, nâng cao nhận thức của mọi người về BĐG một cách đúng đắn hơn, biết cách vun vén để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.