Thứ Sáu, 27/08/2021, 09:46 (GMT+7)
.

Mảnh ghép mùa dịch - BÀI 1: Những dòng tin nhắn vội

Câu chuyện của Tiền Giang cũng trải dài theo nhịp đập của cả nước khi gần 3 tháng qua phải căng mình chống dịch Covid-19. Rõ ràng, trong mỗi chúng ta rất khó cân, đo, đong đếm được những giọt mồ hôi, công sức của lớp lớp người trên trận tuyến này. Những mảnh ghép trong mùa dịch được chúng tôi góp nhặt cũng chỉ là một phần rất nhỏ trước những vất vả, lo toan và cả sự hy sinh của biết bao người.

Đọc những dòng chia sẻ từ những người trong cuộc, chứng kiến tận mắt những đóng góp của họ, mới thầm nghĩ, trong mỗi chúng ta còn biết bao điều còn nợ họ.

Nhận được những dòng tin nhắn viết vội từ những người bạn, người trực tiếp làm trong ngành Y tế, chúng tôi mới thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những hy sinh thầm lặng của họ.

1. Dòng tin nhắn được viết vội là những khoảng lặng khi lực lượng tuyến đầu đang ngày ngày phải đối mặt với sự sống của bao người. K.A., có gần 20 năm gắn bó với ngành Y tế, ngay những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đã lên đường ra trận tuyến đầy khốc liệt này.

Lúc rảnh rỗi hiếm hoi, K.A. nhắn cho tôi: Nếu có lịch đi tiêm vắc xin, không nên chần chừ. Ở nhà mọi người không thấy được cảnh này đâu, đau lòng lắm, mọi người nên ở nhà đi, chết đói không bằng chết “ngộp”. Gần kết thúc đợt thứ nhất của chiến dịch, K.A. nhắn: Đuối lắm rồi bạn ơi! Giờ cầu mong dịch lắng xuống để về, buồn lắm lắm luôn! Ơi thời dịch bệnh!...

Nhân viên y tế bám chặt “trận địa” kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện (tiêm vắc xin ở TP. Mỹ Tho).
Nhân viên y tế bám chặt “trận địa” kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện (tiêm vắc xin ở TP. Mỹ Tho).

Dù khó khăn, vất vả nhưng bạn tôi cùng nhiều đồng nghiệp vẫn giữ vững niềm tin nơi tuyến đầu chống dịch. Cách đây không lâu, bạn tôi lại nhắn: Alo! Alo… hậu phương khỏe hả? Đã được tiêm ngừa hết chưa? Tiền tuyến được giải ngũ sau 41 ngày đêm chiến đấu, rất mệt mỏi và không thấy mặt trời, đã bình an trở về để nghỉ dưỡng sức một tuần rồi nhận nhiệm vụ mới nữa! Cầu mong cho đại dịch qua mau để mọi người được bình an, trở về cuộc sống bình thường!

Là người có thâm niên trong ngành Y tế và trực tiếp tham gia vào trận tuyến khốc liệt này, bạn tôi cũng không quên nhắn nhủ: Có điều chắc chắn rằng sẽ rất khó hết người bệnh ngoài cộng đồng, cho dù mình có kiểm soát được dịch bệnh, nên trước khi được tiêm vắc xin, các bạn và người nhà mình phải phòng ngừa dịch bệnh thật cẩn thận, dinh dưỡng đầy đủ để tăng đề kháng… Mong cả nhà bình an.

Vào một ngày trung tuần tháng 8, K.A. nhắn cho tôi: Alo, hậu phương tiếp sức cho tiền tuyến đi, tiền tuyến ra quân lần 2, cả nhà giữ gìn sức khỏe nha! Cố lên! Thế đó, hết đợt này đến đợt khác, cũng như bao người, bạn tôi lại bước vào trận chiến khốc liệt và biết chắc rằng còn lâu mới đến được hồi kết.

2. Q., người đồng hương, công tác trong ngành Y được hơn chục năm. Mới đây anh nhận quyết định tăng cường khi Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Tiền Giang chính thức đi vào hoạt động. Quyết định công tác cũng chưa đề cập đến ngày kết thúc, đồng nghĩa là anh chỉ được “giải phóng” khi dịch Covid-19 được ngăn chặn.

Dù có kinh nghiệm trong ngành Y, nhưng khi làm việc trực tiếp tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19, Q. mới cảm nhận rằng, cuộc sống này thật mong manh, bất kể người giàu hay nghèo, bởi sức tàn phá của SARS-CoV-2 thật sự “kinh khủng”. Những ngày dịch giã căng thẳng, bao nhiêu nỗi lo được đổ dồn về Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19, bởi đây được xem là một trong những tuyến điều trị cuối của tỉnh. Chưa kể, nguy cơ lây nhiễm chéo đối với nhân viên y tế ở nơi đây cũng đang thường trực và hiện hữu.

Đã bước vào ngành Y, việc chấp nhận hy sinh để chăm sóc bệnh nhân là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Q. cũng thế. Q. cũng có gia đình riêng. Vợ anh cũng công tác trong ngành Y tế, cũng phải làm việc theo ca. Kể từ ngày Q. bước vào trận tuyến mới, mỗi khi vợ anh vào ca, 2 đứa con (đứa 14 tuổi, đứa 9 tuổi) ở nhà tự chăm sóc cho nhau. Tan ca, Q. chạy về thăm nhà, chỉ vọn vẹn chưa đến 5 phút.

Tất nhiên, Q. phải đứng ngoài cổng, khẩu trang, nón bảo hiểm chưa kịp mở ra. Nhưng với anh, việc mở nón hay khẩu trang cũng không cần thiết, bởi anh muốn bảo vệ cho cả gia đình, vợ con, vì anh đang làm trong môi trường thật sự nguy hiểm, khi mỗi ngày tiếp xúc với nhiều ca F0. Mới đây thôi, khi hỏi thăm sức khỏe, Q. nhắn cho tôi mấy dòng: Dạ em không biết chừng nào ổn nữa. Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 có 3 lầu. Lúc em mới vô làm chưa đầy lầu 1 nhưng giờ đã chật lầu 3 rồi. Chưa bao giờ em thấy mạng người mong manh vậy...

3. Hình ảnh chân thật ghi lại nơi tuyến đầu chống dịch được truyền tải đi sẽ là thông điệp rất mạnh mẽ. Vinh, bạn tôi, một bác sĩ trẻ, đang công tác trong một bệnh viện tuyến tỉnh. Trong cơn lốc của dịch giã lan tràn, Vinh cũng phải lao vào trận chiến như bao nhân viên y tế khác. Vất vả, khó khăn luôn chờ họ.

Ấy vậy mà, khi có chút ít thời gian hiếm hoi, Vinh tranh thủ chia sẻ hình ảnh một cách chân thật nhất về những đồng nghiệp của mình. Đó là hình ảnh người chồng chia tay vợ để lên đường tham gia bệnh biện dã chiến. Đó là hình ảnh ngất xỉu của một đồng nghiệp ngay khi làm việc hay bữa cơm ăn vội của các chiến sĩ Công an, Quân sự…

Bạn tôi viết: Vâng! Khi được nhìn thấy những hình ảnh ấy, lòng tôi trào dâng một nỗi niềm yêu mến tới các anh, các chị và các bạn, những người lính áo trắng, áo xanh… nơi tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch Covid-19 để giúp cho người dân và đất nước chúng ta có được bình an và hạnh phúc.

Những hình ảnh về lực lượng tuyến đầu cứ tiếp nối trong chuỗi ngày công tác và sẽ có rất nhiều hình ảnh đọng lại khó phai trong ký ức của bạn tôi. Đó là hình ảnh Bác sĩ N.Q.K. không thể về tổ chức buổi thôi nôi cho con trai đầu lòng, tên Kuvid, mà chỉ nhìn qua màn hình Messenger và cũng chỉ có vài lời nhắn nhủ với người vợ, cũng là bác sĩ trẻ, ở nhà trông con giúp chồng vững tâm chống dịch: Mang thai thì dịch đợt 1, đẻ thì dịch đợt 2, thôi nôi thì tâm dịch. Tuổi thơ mới lớn mà không có ông bà nội, ông ngoại và bố bên cạnh… nhưng con đừng buồn, Kuvid của bố luôn khỏe mạnh, chăm ngoan. Bố yêu con nhiều lắm!. Cũng có điều “hơi tiếc” là ông nội và bà nội của cháu cũng làm ngành Y trong Quân đội, ông ngoại hiện tại cũng là giám đốc một bệnh viện nên cũng phải ở lại để điều hành chống dịch…

Đọc những dòng tin nhắn của những người trong cuộc để thấy rằng, cuộc chiến với dịch Covid-19 còn nhiều cam go, phức tạp. Và hơn hết, những người từng ngày, từng giờ nỗ lực để giành lại sự sống cho những bệnh nhân thật sự đáng được trân trọng. Hơn ai hết, họ chấp nhận hy sinh cuộc sống riêng của gia đình, chưa kể những mối nguy nhiễm bệnh có thể đã và đang rình rập họ. Bởi, kể từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 đến nay, không chỉ có K.A., Q. hay Vinh mà còn rất, rất nhiều những hy sinh thầm lặng như thế, không chỉ có lực lượng Y tế, mà còn nhiều lực lượng tuyến đầu khác.

Họ là các chiến sĩ luôn xung phong trên mặt trận chống dịch. Có những chiến sĩ đang tham gia chống dịch nhưng ở quê nhà, cha, mẹ, chồng, vợ, con ốm đau, tử nạn nhưng vẫn không thể về để chia sẻ những đau thương đó… Nhưng, như bạn tôi đã viết, cho dù là thế nào, bà vẫn phải đợi ông, vợ vẫn phải đợi chồng, con vẫn phải đợi cha trong cuộc chiến này.

Tiếng còi xe cấp cứu cứ vang lên, đội ngũ y - bác sĩ và lực lượng phòng, chống dịch vẫn vội vã. Họ sẵn sàng, vội vã cũng phải, bởi phía trước họ vẫn đang là “mặt trận” phòng, chống, dịch Covid-19. Hàng trăm, hàng ngàn con người vẫn ngày ngày bước ra mặt trận ấy. Chúng ta đang mong đợi một ngày vui chiến thắng sẽ đến. Việt Nam chúng ta sẽ mãi mãi trường tồn theo dòng chảy của lịch sử nhân loại. Hãy cùng nhau hy vọng những điều tốt đẹp như thế…

THÁI AN

(Còn tiếp)

 

.
.
.