Chủ Nhật, 26/09/2021, 13:58 (GMT+7)
.

Vun vén giữ bếp ấm mùa dịch

(ABO) Trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, nhiều mặt hàng giá cả leo thang trong khi việc làm ít đi, thu nhập giảm khiến nhiều gia đình phải chật vật xoay xở trong mùa dịch. Dù vậy, theo nhiều chị em nội trợ “trong cái khó ló cái khôn”, dịch bệnh cũng khiến cho chị em phụ nữ khéo vun vén hơn trong chi tiêu, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giữ bếp ấm trong mùa dịch.

Gần 2 tháng qua, chị Nguyễn Minh Phương (đường Tết Mậu Thân, phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) không thể đi làm vì giãn cách xã hội phòng, chống dịch. Cuộc sống gia đình chị Phương chủ yếu dựa vào thu nhập 6 triệu đồng từ tiền lương của chồng chị. “Nhà có 4 miệng ăn, thu nhập giảm trong khi mọi chi tiêu, sinh hoạt khoản nào cũng tăng nên làm sao có những bữa ăn đảm bảo sức khỏe cho cả nhà là điều tôi luôn cân nhắc. Dù vậy, tôi luôn tính toán thay đổi thực đơn từng ngày trong khoản chi tiêu vài chục ngàn mà vẫn có đủ chất, đảm bảo mỗi bữa ăn đều có các món canh, kho, xào...", chị Phương chia sẻ.

Nhiều bà nội trợ cho biết, những ngày giãn cách là dịp để điều chỉnh lại thói quen chi tiêu vung tay quá trán của mình để tạo thói quen tiết kiệm.
Những ngày giãn cách xã hội là dịp để các chị em nội trợ đảm đang hơn, vừa điều chỉnh lại cách quản lý chi tiêu nhưng vẫn đảm bảo nấu những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho gia đình

Còn theo chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), mùa dịch chị cũng thay đổi thói quen chi tiêu mua sắm trong gia đình. Để giảm các khoản chi tiêu, chị thường chọn đi chợ online 1 lần cho cả gia đình dùng đủ từ 1 đến 2 tuần. Chẳng hạn với các loại thực phẩm như thịt, cá chị mua 1 lần nhiều rồi trữ đông, nấu dần cho từng bữa ăn. Đối với củ quả, chị mua các loại bảo quản được lâu như: Bầu, bí, cà rốt, đu đủ, bắp cải, khoai mỡ… Ngoài ra, gia đình chị Điệp còn tận dụng vườn nhà trồng rau xanh để phục vụ cho các bữa ăn mà không phải mua, giảm bớt một khoản chi tiêu.

Khi nguồn thu nhập bị cắt giảm do đại dịch Covid-19, nhiều gia đình đã phải tính toán, tiết kiệm từng khoản nhỏ và “liệu cơm, gắp mắm” để lo từng bữa ăn. Nhiều chị em nội trợ cho biết, những ngày giãn cách là dịp để điều chỉnh lại thói quen chi tiêu, thậm chí đối với những gia đình có điều kiện cũng phải cân nhắc trong việc chi tiêu hằng ngày để tiết kiệm hơn trong mùa dịch. Khi có khoản tiền dư hoặc tiết kiệm được, không ít người sẵn sàng đóng góp, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Những ngày giãn cách xã hội là dịp để nhiều chị em nội trợ điều chỉnh lại cách quản lý chi tiêu, để tạo thói quen tiết kiệm
Những ngày giãn cách xã hội là dịp để nhiều chị em nội trợ điều chỉnh lại cách quản lý chi tiêu trong gia đình, để tạo thói quen tiết kiệm.

Chị Mai Ngọc Châu (đường Lý Thường Kiệt, khu phố 8, phường 5, TP. Mỹ Tho) chia sẻ: "Mỗi ngày tiết kiệm từ 10 - 20 ngàn đồng thì một tháng cũng dư được 300 - 600 ngàn đồng. Khoản tiền này góp vào quỹ dự phòng của gia đình hoặc chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Tôi thường giúp những người già neo đơn hay hộ nghèo trong xóm khi thì gạo lúc thì thực phẩm thịt, trứng, cá, nước mắm, nước tương...".

Nhiều gia đình tranh thủ vườn nhà trồng rau xanh phục vụ bữa ăn gia đình vừa đảm bảo rau sạch vừa tiết kiệm chi tiêu
Nhiều gia đình tranh thủ vườn nhà trồng rau xanh phục vụ bữa ăn trong mùa dịch vừa đảm bảo rau sạch, vừa tiết kiệm chi tiêu.

Từ thực tế trên cho thấy, dịch Covid-19 đã tạo ra những thói quen tốt cho các gia đình, giúp người phụ nữ đảm đang hơn, quản lý chi tiêu tốt hơn. Nhiều người cho rằng, khái niệm sống chung với dịch có lẽ nên bắt đầu từ sự thay đổi ở mỗi nếp nhà, bởi chỉ có chi tiêu thông minh, tiết kiệm không chỉ để duy trì tốt cuộc sống trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn mà cả cho thời gian tiếp theo.

HOÀI THU

 

 

.
.
.