Thứ Năm, 21/10/2021, 14:47 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Lãnh đạo tỉnh trả lời báo chí nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống dịch

(ABO) Sáng 21-10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông tin tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
 
Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.
 
Tại Tiền Giang, kể từ ca mắc đầu tiên phát hiện ngày 5-6-2021 tại TX. Cai Lậy, đến nay, tổng số ca mắc là 15.105 ca, 380 ca tử vong. Đến nay, Tiền Giang đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Việc thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình, số ca mắc mới trong cộng đồng giảm rõ rệt; bình quân trong tuần qua, số ca nhiễm tại Tiền Giang chỉ ở mức 2 con số.
Tuy nhiên vẫn có các ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lấy, người về từ các tỉnh tăng lên, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng lại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.
 
Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương phát biểu tại buổi họp báo.
Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương phát biểu tại buổi họp báo.
 
Căn cứ các quy định hiện hành, Tiền Giang đang ở cấp độ 2; đối với cấp huyện có 4 huyện ở cấp độ 1 (gồm: Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông), 7 huyện ở cấp độ 2 (gồm: TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy, Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo); đối với cấp xã, có 134 xã ở cấp độ 1, 33 xã ở cấp độ 2, 1 xã ở cấp độ 3, 4 xã ở cấp độ 4.
 
Tại cuộc họp báo, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc Tiền Giang hạn chế người dân ra đường từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Đồng chí Nguyễn Văn Mười cho biết cho biết, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, nhưng nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Hiện nay, Tiền Giang vừa kiểm soát được dịch, căn cứ tình hình thực tế, UBND tỉnh xét thấy tỷ lệ ca mắc giảm chưa bền vững. Do vậy, Tiền Giang chỉ khuyến cáo người dân hạn chế không ra đường trong khung giờ trên, chứ không cấm. Nhằm hạn chế số lượng người dân ra đường, tiếp xúc với nhau nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Trong Nghị quyết 128 cũng có nêu, tùy theo tình hình thực tế của địa phương, có thể linh hoạt áp dụng các khuyến cáo bổ sung.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Mười phát biểu tại buổi họp báo.
Đồng chí Nguyễn Văn Mười cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo.
 
Về việc tỷ lệ tiêm vắc xin cộng đồng, nhất là trong công nhân, người lao động hiện nay để sớm khôi phục lại sản xuất, kinh doanh trong thời gian sắp tới. Đồng chí Nguyễn Văn Mười cho biết, từ đầu bùng phát dịch đến nay, lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ về rất hạn chế, có khi trong 1 tháng không được cấp vắc xin. Trong khoảng 2 tuần gần đây, Tiền Giang được Bộ Y tế quan tâm và phân bổ về nhiều vắc xin. 
 
 
Tính đến ngày 20-10-2021, Tiền Giang đã tổ chức tiêm chủng được 1.075.643/1.654.130 liều vắc xin phòng Covid-19, đạt 65% trên tổng số liều vắc xin theo các Quyết định phân bổ của Bộ Y tế. Trong đó, số người đã tiêm mũi 1 là 839.713/1.485.194 người, đạt 56,5% và số người đã tiêm đủ 2 mũi là 235.930, đạt 15,9%. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao từ 50 tuổi trở lên.
 
Chủ trương của tỉnh là ưu tiên tiêm cho công nhân, người lao động kể cả trong và ngoài khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, tỉnh đang ưu tiên tiêm mũi 2 cho công nhân, người lao động để doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh trở lại. 
 
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nguyễn Nhật Trường phát biểu tại buổi họp báo.
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường phát biểu tại buổi họp báo.
 
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường cho biết, phương án “3 tại chỗ” được thực hiện từ ngày 15-7 đến 5-8. Giai đoạn đầu có 71/186 doanh nghiệp tham gia thực hiện với 12.500/109.000 lao động. Sau thời gian thực hiện, gần 10 doanh nghiệp bùng phát dịch, với 1.000 người liên quan. UBND tỉnh đã có chủ trương ngừng kỹ thuật sản suất kinh doanh để ban hành bộ tiêu chí tạm thời phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh phòng, chống dịch và tỷ lệ tiêm vắc xin trong khu, cụm công nghiệp.
 
Đến nay, có 76/186 doanh nghiệp tham gia phương án “3 tại chỗ” với 17.206 người. Thời gian qua, các chuỗi cung ứng sản phẩm được đảm bảo, không bị đứt gãy. Đa số doanh nghiệp trên 5.000 người không đảm bảo phương án “3 tại chỗ” nên dừng hoạt động trong thời điểm này...
 
Lãnh đạo UBND tỉnh tiền Giang đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp, thứ 5 hằng tuần đều tổ chức họp trực tuyến các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp để giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mũi nhọn trọng tâm hiện nay là độ phủ vắc xin của người lao động và người ngoài cộng đồng. Đến nay, tỷ lệ công nhân trong các khu, cụm công nghiệp tiêm mũi 1 đạt gần 100%, gần 45% được tiêm mũi 2. 
 
Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.
 
Hiện nay, tỉnh có 4 mô hình sản xuất, kinh doanh, gồm: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; mô hình kết hợp “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”; “xanh - xanh”. 
 
Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương thông tin thêm, ngoài các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp, hiện nay, các doanh nghiệp dưới 50 lao động được tỉnh giao thẩm quyền cho các đơn vị cấp huyện để quyết định. Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 739 doanh nghiệp có số lao động dưới 50 người được hoạt động trở lại bình thường theo phương án phòng, chống dịch. Nghĩa là, người lao động, công nhân đi làm bình thường.
 
Từ nay đến 31-10-2021, một số doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” như đã đăng ký và có doanh nghiệp đang từng bước thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh đang thí điểm 2 hình thức mới, như: doanh nghiệp tổ chức đưa rước tập trung công nhân từ địa phương đến nơi làm việc (huyện Cai Lậy và Gò Công Tây đang áp dụng mô hình này); mô hình “xanh - xanh”, công nhân tự di chuyển bằng xe cá nhân trong vùng (huyện Tân Phước đang áp dụng mô hình này).
 
Từ ngày 1-11 đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ chuyển các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” sang hoạt động theo phương án gắn với phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp này từng bước tăng dần quy mô. Đảm bảo vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn về công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
Phóng viên Báo Lao động đặt câu hỏi tại buổi họp báo.
Phóng viên Báo Lao Động đặt câu hỏi tại buổi họp báo.
 
Ngoài ra, tại cuộc họp báo, đồng chí Nguyễn Văn Mười đã chủ động thông tin với báo chí về nội dung mua kit test xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 của Sở Y tế Tiền Giang. Tháng 7-2021, đây là thời gian cao điểm dịch bùng phát nhanh và diễn biến phức tạp. Với mong muốn vượt qua dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã có phương án chiến dịch tầm soát diện rộng. Để chuẩn bị vật tư y tế, dụng cụ test nhanh phục vụ cho chiến dịch tầm soát diện rộng, nhằm nhanh chóng bóc tách F0 đưa đi điều trị và hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
 
Ngày 16-8-2021, UBND tỉnh quyết định giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối thực hiện mua sắm kit test xét nghiệm nhanh, vật tư y tế phục vụ chiến dịch tầm soát diện rộng. Tuy nhiên, do tính cấp bách và nhu cầu quá lớn, nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không thể tổng hợp kịp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xin ý kiến UBND tỉnh cho phép đơn vị mua kit test xét nghiệm nhanh kháng nguyên, còn mua sắm vật tư y tế giao cho các địa phương tự tổ chức thực hiện.
 
Trong thời gian đó, hàng loạt các tỉnh miền Nam thực hiện Chỉ thị 16, nhu cầu của các địa phương mua kit test xét nghiệm nhanh rất lớn. Do vậy, UBND tỉnh đã đồng ý Sở Y tế mua kit test xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Khi đó nguồn cung hạn chế, điều kiện vận chuyển hàng hóa không thuận lợi dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Ngày 6-10-2021, UBND tỉnh có quyết định thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; trong đó có công tác về tài chính. 
 
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Mười thông tin việc vận hành máy xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang do Tập đoàn Phương Trang hỗ trợ. Thời điểm đó, các bệnh viện hạng 2 trên địa bàn tỉnh đều có máy xét nghiệm RT-PCR, chỉ riêng Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang là chưa có. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để hệ thống xét nghiệm RT-PCR đủ điều kiện đi vào hoạt động cần trang bị thêm các thiết bị bổ sung khác, xây dựng phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn sinh học.
 
Đến ngày 31-8, bệnh viện đã mua sắm xong thiết bị và hoàn thành phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn sinh học vào ngày 31-9. Do tình hình dịch bệnh, việc đào tạo bị gián đoạn, bệnh viện vẫn chưa đáp ứng về nhận lực để vận hành hệ thống xét nghiệm. Bệnh viện đã cử nhân viên đi tập huấn, mua sắm sinh phẩm xét nghiệm SAR-Cov-2, đăng ký Viện Paster TP. Hồ Chí Minh thẩm định để đưa vào hoạt động...
VĂN THẢO
 
.
.
.