Thứ Hai, 21/03/2022, 09:04 (GMT+7)
.

Ban hành cấp dự báo cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

(ABO) Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định cấp dự báo cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, cấp dự báo cháy rừng gồm 5 cấp, từ cấp I đến cấp V; ký hiệu biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng là 1/2 hình tròn có đường kính vành ngoài 2,5 m; vành trong 1,8 m nền trắng, xung quanh viền màu đỏ và có mũi tên (quay được) chỉ cấp dự báo từ cấp I đến cấp V.
 
Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng.
Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng.
 
Dự báo cháy rừng cấp I: Đặc trưng cháy rừng cấp thấp, ít có khả năng cháy rừng, khả năng cháy rừng thấp, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, mũi tên chỉ số I. Biện pháp phòng cháy rừng: Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng và các chủ rừng triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn quy vùng sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền giáo dục về phòng cháy, chữa cháy rừng và đốt đồng đúng kỹ thuật.
 
Dự báo cháy rừng cấp II: Đây là cấp trung bình, có khả năng cháy rừng, khả năng cháy rừng ở mức trung bình, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, mũi tên chỉ số II. Biện pháp phòng cháy rừng: Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng, các chủ rừng tăng cường kiểm tra, đôn đốc bố trí người canh phòng, lực lượng sẵn sàng kịp thời dập tắt khi mới xảy ra cháy rừng, hướng dẫn kỹ thuật làm nương rẫy.
 
Dự báo cháy rừng cấp III: Đây là cấp cao, thời tiết khô hanh kéo dài, dễ xảy ra cháy rừng, khả năng cháy lan trên diện rộng, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, mũi tên chỉ số III. Biện pháp phòng cháy rừng: Thời tiết khô hanh kéo dài, dễ xảy ra cháy rừng, chú trọng phòng cháy các loại rừng: Tràm, bạch đàn,... Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng đôn đốc việc phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng, cấm việc đốt đồng.
 
Các chủ rừng phải thường xuyên tự kiểm tra, đôn đốc lực lượng canh phòng và lực lượng khoán quản bảo vệ rừng, nhất là trồng rừng. Lực lượng canh phòng trực 10/24 giờ trong ngày (từ 10 giờ đến 20 giờ), đặc biệt chú trọng các giờ cao điểm. Khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND cấp xã được quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy.
 
Lực lượng dân phòng xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước) thực tập phương án chữa cháy tại chỗ.
Lực lượng dân phòng xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước) thực tập phương án chữa cháy tại chỗ.
 
Dự báo cháy rừng cấp IV: Đây là cấp nguy hiểm, thời tiết khô hanh, hạn kéo dài có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh. Nguy cơ cháy rừng lớn, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, mũi tên chỉ số IV. Biện pháp phòng cháy rừng: Chủ tịch UBND cấp huyện và Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng trực tiếp chỉ đạo việc phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương.
 
Các chủ rừng thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm dễ cháy. Lực lượng canh phòng phải thường xuyên trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng, đảm bảo trực 12/24 giờ (từ 9 giờ đến 21 giờ trong ngày) nhất là các giờ cao điểm, phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay. UBND cấp huyện đề nghị UBND tỉnh tăng cường lực lượng, phương tiện chữa cháy khi cần thiết. Dự báo viên nắm chắc tình hình khí tượng, thủy văn để dự báo và thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về cấp cháy và tình hình cháy rừng hàng ngày ở địa phương.
 
Dự báo cháy rừng cấp V: Đây là cấp cực kỳ nguy hiểm, thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng. Rất nguy hiểm, thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng, tốc độ lửa lan tràn rất nhanh, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, mũi tên chỉ số V. Biện pháp phòng cháy rừng: Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp, các chủ rừng.
 
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy, đảm bảo 24/24 giờ trong ngày, tăng cường kiểm tra người và phương tiện vào rừng. Thông báo thường xuyên nội quy dùng lửa trong rừng và ven rừng. Khi xảy ra cháy phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, tiến hành điều tra xác minh vụ cháy và truy tìm thủ phạm xử lý nghiêm minh và khi cần thiết đề nghị Trung ương chi viện lực lượng và phương tiện chữa cháy.
 
Mùa có khả năng cháy rừng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong khoảng thời gian 5 tháng, từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 4 năm sau.
HÀ NAM
 
.
.
.