Thứ Tư, 25/05/2022, 10:08 (GMT+7)
.

Thực trạng việc khai thác sử dụng các công trình đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa - xã hội

Thời gian qua, việc đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa - xã hội (VH-XH), nhất là các công trình y tế, giáo dục luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ban VH-XH, HĐND tỉnh Tiền Giang mới đây cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục, để khai thác hiệu quả các công trình đầu tư công, không gây lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là nguồn lực quan trọng cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh.

HIỆU QUẢ SAU ĐẦU TƯ

Thời gian qua, việc đầu tư công nói chung, các công trình, dự án thuộc lĩnh vực VH-XH nói riêng luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhiều công trình xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả.

Trung tâm Y tế TX. Gò Công hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân (Trong ảnh: Đoàn giám sát Ban VH-XH, HĐND tỉnh làm việc tại Trung tâm Y tế TX. Gò Công).
Trung tâm Y tế TX. Gò Công hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân (Trong ảnh: Đoàn giám sát Ban VH-XH, HĐND tỉnh làm việc tại Trung tâm Y tế TX. Gò Công).

Theo Báo cáo kết quả giám sát về công tác đầu tư và hiệu quả hoạt động của các công trình sử dụng vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực VH-XH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, từ năm 2016 - 2021, toàn tỉnh có 28 công trình đầu tư công thuộc ngành Y tế (có 10 công trình chuyển tiếp), với tổng số vốn hơn 2.586 tỷ đồng; trong đó, Sở Y tế làm chủ đầu tư 8 công trình, Ban Quản lý Dự án Đầu tư dân dụng và Công nghiệp tỉnh (Ban Quản lý dự án tỉnh) làm chủ đầu tư 20 công trình.

Lĩnh vực ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có 24 công trình, với tổng số vốn hơn 514 tỷ đồng; trong đó, Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư 11 công trình, Ban Quản lý dự án tỉnh làm chủ đầu tư 13 công trình. Ngoài ra, có 18 công trình đầu tư công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) làm chủ đầu tư (9 công trình thuộc lĩnh vực thể thao và 9 công trình thuộc lĩnh vực văn hóa), với tổng số vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Khảo sát tại Trung tâm Y tế TX. Gò Công, Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy, Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang và một số hồ bơi tại các trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều hạng mục của các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả.

Theo đánh giá của chủ đầu tư các công trình y tế, số giường bệnh, số dịch vụ y tế bình quân tăng thêm 30% so với trước khi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; bổ sung trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân và hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Điển hình như, Bệnh viện Mắt đã được cải tạo, mở rộng, đáp ứng cơ bản yêu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân trong tỉnh.

" Để tránh lãng phí nguồn vốn ngân sách đối với các công trình đầu tư công, ngay từ khi có chủ trương đầu tư, cần quan tâm đến việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát công trình phải đảm bảo năng lực và bảo hành công trình với thời gian hợp lý. Đồng thời, cần quan tâm kiểm tra, giám sát năng lực quản trị, quản lý các công trình của các đơn vị thụ hưởng để xảy ra dư luận không hay, nhằm khai thác sao cho hiệu quả các công trình đầu tư công trong thời gian tới…”

ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH TRẦN THANH NGUYÊN NHẤN MẠNH.

Trung tâm Y tế huyện Châu Thành được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, nâng cao năng suất thu dung, điều trị bệnh nhân, giảm quá tải cho tuyến trên. Công trình cải tạo, mở rộng Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy đang thực hiện, khi hoàn thành sẽ nâng lên 495 giường bệnh, bố trí tốt không gian các khoa, phòng của bệnh viện, đảm bảo tốt chức năng thu dung, điều trị bệnh nhân khu vực các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy.

Đặc biệt, công trình Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang chuẩn bị đưa vào hoạt động, là bệnh viện hạng I, với quy mô 1.000 giường bệnh và các trang thiết bị hiện đại, kỳ vọng bệnh viện này sẽ phát huy thế mạnh về khoa học kỹ thuật y học, đáp ứng tốt nhu cầu KCB của người dân trong tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận.   

Các công trình thuộc lĩnh vực giáo dục cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Theo TS. Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT, việc thực hiện các công trình, dự án xây dựng trường chuẩn quốc gia góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và góp phần vào việc đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó, nhiều trường được đầu tư xây dựng hồ bơi, đưa vào khai thác sử dụng, đã thực hiện phổ cập bơi cho học sinh lớp 10 có hiệu quả. Tính đến tháng 4-2021, có 19 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 50%), tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Không chỉ các công trình y tế, giáo dục, mà nhiều công trình thuộc lĩnh vực thể thao, văn hóa cũng được tỉnh dành nguồn kinh phí sửa chữa, tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh. Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Đức Đảm, dù còn khó khăn về kinh phí, nhưng tỉnh vẫn cân đối nguồn vốn tu bổ, sửa chữa các di tích lịch sử, văn hóa; sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng đã góp phần chống xuống cấp, bảo tồn di tích, thực hiện đúng các quy định của Luật Di sản và cải tạo cảnh quan khu vực, góp phần thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch.

NHANH CHÓNG KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP

Bên cạnh những công trình phát huy hiệu quả sau đầu tư, vẫn còn một số công trình bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa phát huy hiệu quả hoặc chưa được khai thác hết công năng. Qua khảo sát thực tế cho thấy, một số hạng mục công trình chưa được đầu tư đồng bộ, một số hạng mục không đúng với thiết kế ban đầu nên hiệu quả khai thác, sử dụng chưa cao, như công trình Trung tâm Y tế TX. Gò Công các hành lang không đồng bộ, nên việc di chuyển bệnh nhân gặp khó khăn; và chỉ có 1 xe cấp cứu đã xuống cấp, nên không đảm bảo an toàn cho công tác cấp cứu và vận chuyển người bệnh.

Hồ bơi Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang vẫn chưa được khai thác sử dụng hiệu quả.
Hồ bơi Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang vẫn chưa được khai thác sử dụng hiệu quả.

Được biết, công trình này được xây dựng hoàn thành vào năm 2020, đưa vào hoạt động từ năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hay công trình Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, dù đã mời tư vấn thiết kế tham gia dự án từ đầu, nhưng khi đưa vào sử dụng khối hội trường chưa được trang bị màn hình và máy chiếu; lầu 6 ký túc xá với tổng số phòng nghỉ cho sinh viên là 320, nhưng hiện nay thực ở chỉ 106 phòng, thiết bị quạt máy gắn tại các phòng không phù hợp, gây khó khăn cho sinh viên khi ở; căn tin, hồ bơi chưa được khai thác...

Qua khảo sát công trình hồ bơi tại các trường học cho thấy, một số hồ bơi chưa khai thác hết công năng, chưa xây dựng phương án khai thác sử dụng; các hồ bơi không có mái che, một số vị trí mới đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã xuống cấp, hư hỏng, thiếu an toàn cho người bơi. Ngoài ra, do nguồn kinh phí đầu tư hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã dành nguồn kinh phí nhiều tỷ đồng để đầu tư công trình hồ bơi ở các trường học. Về cơ sở vật chất phục vụ thể thao ở tỉnh ta, được Trung ương đánh giá là nhất, nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, thời gian qua, nhiều đơn vị chỉ quan tâm làm thế nào để được tỉnh đầu tư xây dựng công trình, nhưng chưa quan tâm đến việc khai thác hiệu quả sau đầu tư, dẫn đến chưa khai thác hết công năng của các công trình đầu tư công.

Tại buổi làm việc với Ban VH-XH, HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn về kinh phí do phải dành nguồn kinh phí rất lớn để phòng, chống dịch Covid-19 gần 2 năm qua, nhưng quan điểm của tỉnh là không cắt dự án đầu tư công, mà nghiên cứu di chuyển thời gian đầu tư.

UBND tỉnh rất nỗ lực chỉ đạo theo quan điểm những cái nào bức xúc, cấp thiết thì ưu tiên xây dựng trước để đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.

Đối với những bất cập, khiếm khuyết của các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng tuy không lớn, nhưng các sở, ban, ngành liên quan phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và nhanh chóng có giải pháp khắc phục các kiến nghị của Đoàn giám sát HĐND tỉnh theo thẩm quyền; trong đó, đối với công trình Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, do trước đây định hướng phát triển sẽ nâng trường thành Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Tiền Giang nên quy mô đầu tư lớn, tuy nhiên với những quy định hiện nay và tình hình thực tế tại địa phương thì không còn phù hợp.

UBND tỉnh đã chỉ đạo nhà trường khẩn trương xây dựng đề án khai thác sử dụng trường sao cho hiệu quả, nhất là giải pháp khai thác sử dụng hồ bơi…

THU HOÀI


 

.
.
.