Thứ Hai, 29/08/2022, 15:36 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Quan tâm thực hiện công tác gia đình

Với quan điểm: “Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững”, thời gian qua, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, công tác gia đình (CTGĐ) và dân số tỉnh Tiền Giang (gọi tắt Ban Chỉ đạo tỉnh) đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể hóa chủ trương, chính sách liên quan đến CTGĐ, hướng tới xây dựng gia đình - “tế bào xã hội” phát triển lành mạnh, ấm no, hạnh phúc.

Lãnh đạo Sở VHTT&DL tặng quà các gia đình văn hóa tiêu biểu.
Lãnh đạo Sở VHTT&DL tặng quà các gia đình văn hóa tiêu biểu.

Trong năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc tham mưu Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện CTGĐ trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTGĐ trong tình hình mới.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN TRONG CTGĐ

Sở VHTT&DL đã triển khai thực hiện các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Trung ương, như: Chỉ thị 49 ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị 08 ngày 4-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ)”; Quyết định 629 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh về thực hiện CTGĐ, PCBLGĐ.

Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về việc thực hiện công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021; ban hành Quyết định 2917 ngày 1-11-2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh. Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành các kế hoạch tổ chức những hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ…

Lãnh đạo Sở VHTT&DL trao Giấy khen cho gia đình đoạt giải Hội thi Nấu ăn bữa cơm gia đình năm 2022.
Lãnh đạo Sở VHTT&DL trao Giấy khen cho gia đình đoạt giải Hội thi Nấu ăn bữa cơm gia đình năm 2022.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã bám sát các kế hoạch, tiêu chuẩn gia đình văn hóa để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đội ngũ làm CTGĐ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ CTGĐ. Các đoàn thể thường xuyên lồng ghép phong trào xây dựng gia đình văn hóa với những nội dung thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa khó, giảm nghèo; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”…

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 697 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 602 đội/nhóm PCBLGĐ, 515 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, gần 200 cơ sở tư vấn, hầu hết đơn vị cấp xã có đường dây nóng báo nhanh, xử lý, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực gia đình. Đây là những hạt nhân trong công tác tuyên truyền, tư vấn, hòa giải, mang lại hiệu quả tại cơ sở. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ bạo lực gia đình đều được phát hiện và xử lý kịp thời; trong đó có 1 vụ xử phạt vi phạm hành chính và 7 vụ góp ý, phê bình trong cộng đồng.

Với mục tiêu bình đẳng giới, PCBLGĐ, Ban Chỉ đạo tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đối với nữ giới nhằm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách, pháp luật liên quan tới bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ. Xây dựng, triển khai chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ với các mục tiêu về thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực, đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, nhất là phụ nữ nông thôn. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp với chính quyền các cấp xây dựng và nhân rộng các mô hình PCBLGĐ tại các địa phương…

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân  trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT&DL)  Nguyễn Minh Phúc cho biết, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện CTGĐ.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho cán bộ CTGĐ; tổ chức triển khai thí điểm tại 11 xã, phường, thị trấn. Và qua kết quả thống kê cho thấy, hầu hết người dân đăng ký thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho rằng việc thực hiện thí điểm bộ tiêu chí là cần thiết.

Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt là nắm rõ các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc xây dựng gia đình bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc.

CỤ THỂ HÓA CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định 2238 ngày 30-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh phấn đấu 100% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo.

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân  trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

100% các địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở. 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hằng năm, 100% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật. 100% người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu. 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em…

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh cũng đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và phân công công việc của từng ngành, từng cấp chịu trách nhiệm thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của ngành nhằm xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là tổ ấm của mỗi người, để mỗi gia đình thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, cùng phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

HOÀI THU

.
.
Liên kết hữu ích
.