Thứ Bảy, 10/06/2023, 14:49 (GMT+7)
.

Các cơ quan báo chí đang giảm sức thu hút trong "cuộc đua" với mạng xã hội

Sáng 10-6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016", do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức.

a
Quang cảnh hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Tư pháp.

Các đại biểu nhấn mạnh Luật Báo chí hiện hành không theo kịp sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số, việc sửa đổi là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Phát triển báo chí đa nền tảng

Kể từ khi mạng Internet mang thông tin từ mọi ngõ ngách của thế giới đến từng cá nhân, không phân biệt khoảng cách địa lý và giãn cách thời gian, các cơ quan báo chí truyền thống phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh khổng lồ từ bên ngoài biên giới quốc gia.

Tham luận tại hội thảo của Báo Thanh niên cho biết: Các mạng xã hội, các nền tảng phân phối nội dung đang hằng ngày, hằng giờ tiếp cận hàng triệu công dân Việt Nam, và trong chừng mực nào đó đang tác động đến cách thức chúng ta nhìn nhận thế giới và quan trọng hơn là cách thức chúng ta phản ứng với thế giới: yêu và ghét, thay đổi hoặc bảo thủ....

Mặc dù người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, Internet rất lớn, nhưng số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố năm 2021 lại cho thấy lượng truy cập toàn hệ thống báo chí điện tử chính thống giảm hơn 10%.

Mặc dù người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, Internet rất lớn, nhưng số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố năm 2021 lại cho thấy lượng truy cập toàn hệ thống báo chí điện tử chính thống giảm hơn 10%. Hầu hết các cơ quan báo chí dường như đang giảm sức thu hút với công chúng trong “cuộc đua” với mạng xã hội. Hơn lúc nào hết, việc chuyển đổi số và phát triển báo chí đa nền tảng đang đóng vai trò mang tính sống còn đối với nhiều cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng là công cuộc cải cách toàn diện, làm thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất - quản trị nội dung cũng như đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với các cơ quan báo chí. Thực tế cho thấy đa phần các cơ quan báo chí Việt Nam hầu như chưa có đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số như mong muốn.

Ở đây rất cần quyết sách của Nhà nước để vực dậy hệ thống báo chí chính thống, không phải chỉ thông qua việc hỗ trợ tài chính mà cần những cơ chế về mô hình quản lý, chính sách đầu tư và khuyến khích liên kết kinh tế... Được như vậy, các cơ quan báo chí mới vượt qua được giai đoạn khó khăn kinh tế hiện nay, từng bước lấy lại “thị phần" thông tin trước mạng xã hội.

Bên cạnh đó các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy định của pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hoạt động kinh tế báo chí khởi sắc trở lại thì khi đó việc chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng sẽ được chủ động thực hiện với các bước đi và hình thức phù hợp cho từng cơ quan báo chí. Điều này cũng sẽ rất tương thích với nhiệm vụ xây dựng các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số.

Xây dựng quy phạm pháp luật cho các phương tiện truyền thông mới

Tiến sĩ Phan Quốc Hải (Trưởng Khoa Báo chí-Truyền thông, Đại học Khoa học, Đại học Huế) đặt vấn đề, các phương tiện truyền thông mới (các sản phẩm và dịch vụ cung cấp thông tin hoặc giải trí bằng máy tính hoặc Internet, không phải bằng các phương pháp truyền thống như truyền hình và báo chí) ra đời đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nền truyền thông truyền thống, tạo ra một hệ sinh thái truyền thông mới.

Các phương tiện truyền thông mới với hình thức truyền thông linh hoạt, nội dung đa dạng, thông tin tức thời và cách chuyển tải thông tin linh hoạt, thuận tiện, kết nối nhanh chóng cộng đồng đã thực sự làm nên một “cuộc cách mạng thông tin và truyền thông” chưa từng có trong lịch sử thông tin nhân loại.

Các phương tiện truyền thông mới với hình thức truyền thông linh hoạt, nội dung đa dạng, thông tin tức thời và cách chuyển tải thông tin linh hoạt, thuận tiện, kết nối nhanh chóng cộng đồng đã thực sự làm nên một “cuộc cách mạng thông tin và truyền thông” chưa từng có trong lịch sử thông tin nhân loại.

Tuy nhiên, hệ quả của sự ra đời và phát triển của các phương tiện truyền thông mới là sự bùng nổ thông tin cùng với sự tăng tốc lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt gây nên những tác hại to lớn và “cũng là gánh nặng của các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp hiện nay đối với nước ta”.

Trước những vấn đề thực tiễn về tác động của các phương tiện truyền thông mới, nhất thiết cần phải nghiên cứu, đề xuất các qui phạm pháp luật đủ mạnh, phù hợp nhằm tạo điều kiện để các phương tiện này phát triển, đồng thời giúp các cơ quan chức năng có được công cụ quản lý tốt hơn.

Tiến sĩ Phan Quốc Hải cho rằng, các phương tiện truyền thông mới ra đời và phát triển trong một thời gian khá ngắn, tuy vậy, tốc độ và sự biến đổi của nó rất nhanh chóng và có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong tình hình thực tế hiện nay khi pháp luật về các phương tiện truyền thông mới còn chung chung, còn nhiều khoảng trống chưa áp dụng tới hoặc áp dụng nhưng đã lạc hậu, không theo kịp thực tiễn.

Các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần thiết phải khảo sát, tổng kết thực tiễn, theo sát diễn biến của các phương tiện truyền thông mới để đề xuất, tham mưu và đưa ra các văn bản qui phạm hoàn thiện hơn, đi vào thực tế hơn.

Bên cạnh đó, pháp luật về phương tiện truyền thông mới không chỉ dừng lại ở việc quản lý truyền thông hiện tại mà còn phải hướng đến tương lai, có tầm nhìn trong khoảng thời gian nhất định. Sự bùng nổ của truyền thông mới đã làm thay đổi phương thức làm báo, tiếp cận, hưởng thụ thông tin và đặc biệt hơn, phương tiện này có những biến đổi, thay đổi nhanh chóng. Để có thể tầm soát và quản lý tốt loại hình báo chí truyền thông này, các văn bản pháp qui của Nhà nước nhất thiết phải đi trước để kịp quản lý.

Theo Tiến sĩ Phan Quốc Hải, vấn đề cấp bách hiện nay cần phải thay đổi là không vận dụng những điều khoản chung liên quan đến truyền thông truyền thống cho các hoạt động truyền thông mới. Thực tế yêu cầu cần cụ thể hóa các điều luật, qui phạm pháp luật một cách khoa học, chính xác, chi tiết cho từng hình thức truyền thông trong đó có truyền thông mới. Bởi trong bối cảnh truyền thông số, các phương tiện truyền thông mới có những đặc trưng, hoạt động rất khác biệt so với các phương tiện truyền thông truyền thống.

Bàn về vấn đề quản lý báo chí số, PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Cần bổ sung các quy định về nền tảng số, vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông, quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, cơ chế mua và sử dụng các phần mềm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ở các cơ quan báo chí truyền thông, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, quản trị tòa soạn, quản lý báo chí truyền thông và các bên liên quan trong hệ sinh thái số.

Đồng thời, PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng cần bổ sung quy định về thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, có quy định cụ thể về quản lý các nền tảng báo chí số, thống nhất với quy định về quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, podcast, OTT; bổ sung quy định thu hồi giấy phép khi cơ quan báo chí không bảo đảm các điều kiện hoạt động…

Theo nhandan.vn



 

.
.
.