Quyết tâm kiềm, giảm tai nạn giao thông
Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2017 giảm 2 tiêu chí về số vụ (giảm 20,69%) và số người bị thương (giảm 29,75%) so với cùng kỳ năm 2016. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng để duy trì được việc tiếp tục kiềm giảm số vụ TNGT trong 6 tháng cuối năm đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh khảo sát tình hình ATGT trên địa bàn huyện Cái Bè. |
Theo báo cáo, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh giảm 2 tiêu chí về số vụ (giảm 20,69%) và số người bị thương (giảm 29,75%) so với cùng kỳ năm 2016. Toàn tỉnh xảy ra 184 vụ TNGT, làm chết 134 người, bị thương 111 người. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 183 vụ, làm chết 134 người, bị thương 111 người; TNGT đường thủy xảy ra 1 vụ, không có người chết và bị thương. 4 địa phương giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT gồm: Huyện Tân Phước (giảm 39,46%), huyện Gò Công Tây (giảm 34,23%), huyện Gò Công Đông (giảm 66,67%), TX. Cai Lậy (giảm 22,4%); có 4 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2016 là: Huyện Cai Lậy (tăng 45,76%), TP. Mỹ Tho (tăng 201,28%), huyện Tân Phú Đông (tăng 100%), huyện Châu Thành (tăng 22,22%).
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đề nghị: Để đạt mục tiêu kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT từ 5% - 10%, giảm số vụ ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn và trên các trục giao thông trọng điểm, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong phát triển và đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông liên quan đến bảo đảm trật tự ATGT; tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội; phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tái cấu trúc phát triển không gian; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải; phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển giao thông thông minh. |
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh nhận xét: Công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm được bảo đảm, tình hình TNGT được kéo giảm nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT được các ngành, các cấp, các địa phương đẩy mạnh, nhất là các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền có hiệu quả, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đã được tăng cường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trên các tuyến đường trọng điểm, góp phần răn đe, phòng ngừa TNTG. Các lực lượng chức năng, các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện kế hoạch điều hòa giao thông, bố trí lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết, kịp thời xử lý vi phạm giao thông, tổ chức điều hòa khi có ùn tắc giao thông...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào dịp lễ, tết, các ngày cuối tuần vẫn còn xảy ra tại một số điểm trên Quốc lộ 1 và tại các nút thắt cổ chai phức tạp về giao thông như cầu Bà Tồn, cầu An Cư,... gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của nhân dân. Việc quy định cụ thể về chỉ giới hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến đường trong địa phận Tiền Giang (quốc lộ, đường tỉnh, huyện và giao thông nông thôn) chưa cụ thể.
Việc xử lý vi phạm những hành vi vi phạm nhỏ thường bỏ qua nên tạo cho người tham gia giao thông tâm lý chủ quan, bất cẩn khi tham gia giao thông như: Đậu, đỗ xe khi thấy tổ Cảnh sát giao thông tuần tra đang làm việc phía trước, gây mất trật tự ATGT; học sinh điều khiển môtô phân khối lớn đi học; nghe điện thoại khi điều khiển phương tiện... Công tác phối hợp giữa lực lượng làm nhiệm vụ với các xã, phường trong công tác bảo đảm trật tự ATGT chưa đạt hiệu quả cao; trường hợp tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, các hộ kinh doanh mua bán tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn còn xảy ra. Công an xã, phường, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động nên việc tuyên truyền về ATGT; công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa được duy trì thường xuyên và liên tục.
Định hướng những giải pháp để tiếp tục kéo giảm TNGT trong 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh: Các ban, ngành và địa phương cần tập trung vào các giải pháp: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành quy định ATGT của người tham gia giao thông; huy động các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra TNGT cao; ngành GT-VT tập trung rà soát, xử lý những tồn đọng của hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông… là những nguyên nhân chính dẫn đến mất ATGT trên địa bàn tỉnh. Các thành viên Ban ATGT tỉnh tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT ở địa phương phụ trách để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, hỗ trợ cho Ban ATGT địa phương.
PHÙNG LONG