Sử dụng điện thoại khi đang lái xe
Hành vi dùng tay sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển ô tô chạy trên đường sẽ bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
Ảnh minh họa |
Việc sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) khi đang điều khiển phương tiện giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Sử dụng ĐTDĐ bằng một tay trong khi tay còn lại điều khiển xe sẽ khiến người lái xe giảm sự tập trung và khả năng quan sát, khả năng xử lý tình huống kém. Từ đó có thể dẫn đến nguy cơ va chạm, xảy ra tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho mình và người khác.
Một hành vi khác mà nhiều người điều khiển xe thường làm là đeo tai nghe (dù không sử dụng ĐTDĐ bằng tay). Điều này cũng rất nguy hiểm và vi phạm pháp luật. Dù đeo tai nghe để nghe nhạc, chống ồn hay nghe ĐTDĐ thì cũng làm giảm khả năng nghe còi, chi phối việc chú ý tín hiệu giao thông từ các phương tiện khác hay hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, dẫn đến có thể xảy ra tai nạn giao thông.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 46/2016 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), hành vi dùng tay sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển ô tô chạy trên đường sẽ bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng. Điều 6 nghị định này cũng quy định hành vi che dù, sử dụng ĐTDĐ, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi đang điều khiển xe máy (kể cả xe đạp điện) sẽ bị phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 - 4 tháng.
Để không vi phạm pháp luật, không bị phạt và tránh gây ra tai nạn giao thông do sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển xe, người đang điều khiển xe nên bật đèn xi nhan, tấp vào lề nếu cần gọi hay trả lời cuộc gọi, tin nhắn.
Theo SGGP