Tiền Giang: Hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến bè nuôi thủy sản
Trong thời gian qua, trên sông Tiền liên tục xảy các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Gần đây nhất là khu vực thủy thuộc xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang xảy ra 2 vụ TNGT gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Xoay quanh vấn đề trên, Trung tá Nguyễn Văn Sinh, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm giao thông - Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Tiền Giang cho biết:
Có thể nói, đa số các vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm. Nguyên nhân hàng đầu là do người điều khiển phương tiện ngủ gật, không làm chủ được tốc độ dẫn đến đâm va vào các lồng bè đang nuôi trồng trên sông Tiền.
* Phóng viên (PV): Thời gian qua, các ngành chức năng liên quan an toàn giao thông (ATGT) có những giải pháp gì để phòng ngừa TNGT liên quan đến bè nuôi thủy sản, thưa Trung tá?
* Trung tá Nguyễn Văn Sinh: Các ngành, các cấp liên quan ATGT đã tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa. Các đơn vị chủ động phòng ngừa, kiềm giảm TNGT, nhất là tai nạn liên quan đến bè nuôi thủy sản; bởi tài sản thiệt hại thường rất lớn.
Lực lượng chức năng xử lý vụ tàu đâm chìm bè cá trên sông Tiền. |
Bên cạnh đó, đơn vị luôn chú trọng thực hiện tốt các công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; nêu cao cảnh giác, phòng ngừa cho đội ngũ thuyền trưởng, chủ phương tiện, người tham gia giao thông. Đồng thời, đơn vị tổ chức bố trí lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường thủy nội địa, trong đó tập trung các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Đồng thời, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý về hoạt động vận tải, nuôi trồng thủy sản, kiểm tra, xử lý vi phạm về điều kiện an toàn kỹ thuật, trang thiết bị an toàn trên các phương tiện và bè nuôi thủy sản. Đối với các phương tiện thủy, các cái lồng bè nuôi thủy sản không đủ điều kiện kỹ thuật an toàn, không chấp hành đúng quy định pháp luật thì kiến nghị các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động.
Đơn vị cũng tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chức năng và Cảnh sát giao thông các địa phương tổ chức khảo sát các bất cập về tổ chức giao thông, các vị trí có khả năng xảy ra tai nạn giao thông để tham mưu, đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục. Đặc biệt, các địa phương chú ý các khu vực có nhiều lòng bè nuôi thủy sản có nguy cơ xảy ra tai nạn cao để chủ động kiến nghị các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.
Các ngành liên quan ATGT chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền về ATGT phù hợp với từng đối tượng như: Chủ các lồng bè nuôi trồng thủy sản, phương tiện thủy thô sơ, phương tiện vận tải hành khách ngang sông, hành khách đi du lịch, đối tượng là phương tiện vận tải hàng hóa…
Các đơn vị liên quan giao thông thủy thường xuyên nghiên cứu, theo dõi thời tiết, thủy triều và tình hình hoạt động của các phương tiện đường thủy để tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm soát các tuyến sông, kinh, địa bàn trọng điểm, phức tạp. Đặc biệt, Cảnh sát giao thông thủy luôn chú ý thời điểm từ 0 giờ đến 5 giờ sáng, lúc thủy triều lên có nhiều phương tiện thủy lưu hành nên thường xuyên phát tín hiệu dừng phương tiện kiểm tra hoặc dùng tín hiệu đèn còi, loa gây sự chú ý nhằm đánh thức người điều khiển phương tiện và thấy có dấu hiệu ngủ gật.
* PV: Là lực lượng quản lý và xử lý, đơn vị có những công tác phối hợp nào trong phòng, chống TNGT thủy?
* Trung tá Nguyễn Văn Sinh: Thời gian qua, đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa, tập trung các lỗi vi phạm đối với chủ lồng bè nuôi thủy sản quy định tại Điều 8 Nghị định 132 của Chính phủ về vi phạm quy định về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa khi khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản như: Đặt dụng cụ, phương tiện khai thác nuôi trồng thủy hải sản trên luồng; không dỡ bỏ, di chuyển, thu hẹp các dụng cụ là phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản theo thông báo của đơn vị quản lý đường thủy nội địa; đặt dụng cụ phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản không đúng theo hướng dẫn của cơ quan quản lý đường thủy nội địa.
Ngoài ra, đơn vị tăng cường thực hiện quy chế phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Thủy sản đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội đối với lĩnh vực thủy sản và nuôi trồng trên đường thủy nội địa.
* PV: Xin cảm ơn Trung tá!
HOÀNG LONG (thực hiện)