Hạ tầng giao thông phải "đi trước mở đường"
Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước mở đường” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, vừa tạo điều kiện bứt phá trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của địa phương. Trao đổi với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang Phan Vĩnh Thanh cho biết:
Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh nhà. Có kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại, kết nối, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.
Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Tiền Giang. |
Trong 20 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông do Trung ương quản lý: Tuyến Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; các cầu trên Quốc lộ 1, Quốc lộ (QL) 60; nâng cấp kinh Tháp Mười số 2 (kinh Nguyễn Văn Tiếp), tuyến tránh QL 1 qua TX. Cai Lậy… với tổng kinh phí 17.523,4 tỷ đồng. Riêng tổng kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các công trình giao thông do địa phương quản lý trong giai đoạn này trên 16.425,18 tỷ đồng, bao gồm các hệ thống cầu, đường bộ: Đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường chuyên dùng, đường xã và đường giao thông nông thôn (GTNT).
* PV: Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm qua có những thuận lợi, thách thức và khó khăn thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Phan Vĩnh Thanh: Theo khảo sát thực tế, tỉnh Tiền Giang hội tụ nhiều ưu thế để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bởi có vị trí địa lý rất thuận lợi, vừa là cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vừa có kết nối thuận lợi với TP. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, Tiền Giang có hệ thống giao thông thủy - bộ khá phát triển, đường bộ kết nối với các tỉnh lân cận có cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, QL.1, QL.50, QL.60, QL.30; đường thủy có sông Tiền, sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ, kinh Chợ Gạo là những tuyến giao thông huyết mạch, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa...
Cần sớm đưa đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào hoạt động. |
Tuy nhiên, vốn các dự án đầu tư do bố trí không đủ kinh phí nên kế hoạch triển khai không đồng bộ, kinh phí bố trí kế hoạch đầu năm chỉ mới đáp ứng khoảng 50% yêu cầu kế hoạch của ngành, nên một số công trình phải chuyển tiếp nhiều năm, làm hạn chế hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh...
Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư có hạn, nên nhiều dự án phải giảm quy mô so với quy hoạch, phân kỳ đầu tư nhiều năm mới hoàn thành; một số tuyến đường chỉ đầu tư láng nhựa nên chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cần vận tải với tải trọng và khối lượng lớn… Và còn khá nhiều công trình đầu tư chưa đồng bộ tải trọng giữa cầu và đường, làm hạn chế khả năng khai thác. Ngoài ra, nguồn vốn bố trí duy tu không đủ, vốn trùng tu rất hạn chế, nên công trình đã đầu tư nhanh chóng xuống cấp, gây bức xúc trong xã hội.
Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng ngày càng gặp khó khăn do chưa có sự đồng thuận của nhân dân và công tác quản lý không chặt chẽ… Đặc biệt, công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ hiệu quả không cao, tình trạng lấn chiếm còn xảy ra, chậm xử lý làm ảnh hưởng lâu dài. Ngoài ra, cơ cấu và số lượng các công trình hiện đại, có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, như đường bộ cao tốc, đường tốc độ cao, so với toàn mạng lưới chung của cả nước còn hạn chế. Thiếu các cảng biển hiện đại có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn…
Về giao thông nông thôn (GTNT), tuy có tập trung đầu tư, nhưng ngân sách hạn chế, nên một số công trình chưa đạt quy mô theo tiêu chí nông thôn mới… là những thách thức phải hoàn thiện trong thời gian tới.
* PV: Theo đồng chí, làm gì để Tiền Giang phát triển kết cấu hạ tầng giao thông “đi trước một bước” theo hướng đồng bộ, hiện đại?
* Đồng chí Phan Vĩnh Thanh: Có thể nói, trong giai đoạn tới, ngành GTVT chịu ảnh hưởng trực tiếp tình hình dịch bệnh Covid-19, tình hình biến động giá, ngân sách thắt chặt đầu tư công…
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chương trình hành động của UBND tỉnh và của ngành GTVT, ngành GTVT tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung nguồn lực phát triển nhanh hơn kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, cũng như nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho kết cấu hạ tầng giao thông dưới nhiều hình thức: BOT, BT, PPP ... ; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị mở rộng TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy.
Đồng thời, ngành GTVT phối hợp các ngành liên quan kêu gọi đầu tư các dự án giao thông vào các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và đầu tư xã hội hóa các bến phà qua các xã cù lao bằng hình thức BOT...
Ngành GTVT hoàn thành thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao trong 5 năm, dự kiến 7.500 tỷ đồng , với các dự án: Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo - giai đoạn 2, hoàn thành xây dựng các cầu hẹp trên Quốc lộ 1, triển khai xây dựng hoàn thành các dự án trọng điểm của tỉnh: Đường dọc sông Tiền từ TP. Mỹ Tho đến xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định, đường vào trung tâm Đồng Tháp Mười, đường tỉnh vào Khu công nghiệp Gò Công, đường Hùng Vương nối dài…; đầu tư đồng bộ cầu đường các tuyến đường tỉnh, đường huyện theo quy hoạch.
Đơn vị hoàn thành tiêu chí nông thôn mới của các huyện về phát triển GTNT với kinh phí đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 1.000 tỷ đồng và ước các giai đoạn tiếp theo sẽ tăng từ 20% - 30%. Dự kiến đến cuối năm 2025, hệ thống đường GTNT của tỉnh sẽ cơ bản đảm bảo có kết cấu nhựa hoặc đan bê tông và 100% xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí giao thông về xây dựng nông thôn mới.
Riêng các vấn đề kết cấu hạ tầng trong tổ chức giao thông nhằm xóa bỏ kịp thời các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) trên hệ thống đường bộ, đảm bảo 100% các tuyến đường bộ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và đang khai thác được thẩm tra, thẩm định ATGT theo quy định; lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và chống tái lấn chiếm trên tất cả các tuyến QL, đường tỉnh; đảm bảo các công trình xây dựng lớn khi kết nối trực tiếp ra đường đô thị, QL, đường tỉnh phải bảo đảm các điều kiện về ATGT, không gây gia tăng ùn tắc giao thông và TNGT.
Trong 5 năm, 100% hệ thống đường tỉnh, 80% hệ thống đường huyện được xây dựng và lắp đặt đầy đủ các công trình, trang thiết bị bảo đảm ATGT. Ngành huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư, xây dựng các trạm dừng nghỉ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của lái xe, hành khách và phương tiện dọc các tuyến đường cao tốc, QL, đường tỉnh.
Không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút trên các tuyến QL, các đầu mối giao thông chính. 100% khu vực cổng trường học nằm trên các tuyến QL, đường tỉnh, các đường trục chính đô thị được tổ chức giao thông bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông. Với tầm nhìn đến năm 2045, hằng năm kéo giảm TNGT đường bộ ở cả 3 tiêu chí và hướng đến mục tiêu sẽ không có người chết do TNGT đường bộ.
Đồng thời, ngành GTGT Tiền Giang kiến nghị, đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT xem xét, hỗ trợ đầu tư xây dựng một số dự án của địa phương có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của khu vực, nhằm nâng cao tính liên kết vùng. Qua đó, sớm đưa tỉnh Tiền Giang vào hệ thống phát triển các hành lang ngành Logistics khu vực phía Nam kết nối khu vực ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, du lịch…, góp phần phát triển KT-XH kết hợp đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HOÀNG LONG (thực hiện)