Tiền Giang: Kiên quyết không để học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, việc học sinh chưa đủ 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích trên 50 cm3 đến trường đang trong tình trạng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Mặc dù lực lượng chức năng liên tục ra quân kiểm tra, nhắc nhở, nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra.
KIÊN QUYẾT XỬ LÝ
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay tại một số tuyến đường gần khu vực các trường THPT, tình trạng học sinh điều khiển xe máy đến trường không đúng quy định vẫn diễn ra. Tại các cổng trường THPT trên địa bàn TP. Mỹ Tho, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều học sinh điều khiển xe máy có dung tích trên 50 cm3, thậm chí nhà xe của trường còn trực tiếp giữ xe cho các em. Hoặc để đối phó với nhà trường về việc cấm đi xe máy, các em tìm chỗ gửi tại các điểm giữ xe ở những hộ gia đình gần khu vực các trường.
Còn ghi nhận trên đường tỉnh 869, gần cổng Trường THPT Thiên Hộ Dương (huyện Cái Bè), hàng chục trường hợp học sinh bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Cái Bè lập biên bản, xử lý vi phạm không đủ điều kiện điều khiển xe máy.
Trung tá Văn Minh Vương, Đội trưởng Đội CSGT trật tự - Công an huyện Cái Bè cho biết, mặc dù, lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng tình trạng học sinh điều khiển xe máy đến trường không đúng quy định vẫn diễn ra. Thậm chí, nhiều học sinh khi thấy lực lượng CSGT tại khu vực cổng trường đã quay xe bỏ chạy. Do lực lượng CSGT mỏng, địa bàn huyện Cái Bè lại rộng, nhiều trường học và cách rất xa nhau nên việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn.
Lực lượng CSGT huyện Cái Bè xử lý học sinh không đủ tuổi điều khiển xe máy. |
Đặc biệt vào chiều ngày 4-4, trên đường tỉnh 869, xảy ra vụ tai nạn giao thông, cụ thể là 3 học sinh (1 nữ, 2 nam) Trường THPT Thiên Hộ Dương chở 3 trên xe máy tông vào đuôi xe tải. Vụ va chạm làm cho 1 nữ sinh tử vong, 2 nam sinh còn lại chấn thương nặng, phải đưa đi cấp cứu. Đáng chú ý là khi nữ sinh tử vong đưa về với gia đình thì người dân ghi nhận có rất nhiều học sinh điều khiển các phương tiện phân khối lớn chạy theo.
Trao đổi về vấn đề trên, đại diện lãnh đạo Trường THPT Thiên Hộ Dương cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh và phụ huynh bằng rất nhiều hình thức. Tuy nhiên, việc quản lý học sinh điều khiển xe máy đến trường không đúng quy định là rất khó khăn.
Tại các cuộc họp phụ huynh hằng tháng, hằng quý, nhà trường đều tuyên truyền và phụ huynh cam kết không để con em sử dụng xe máy tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi. Ngoài ra, nhà trường thống kê, tuyên truyền, vận động các hộ dân xung quanh không cho học sinh gửi xe máy. Trên cơ sở xác minh chính xác học sinh vi phạm, nhà trường sẽ có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính của tình trạng học sinh điều khiển xe máy đến trường không đúng quy định là do ý thức của học sinh hạn chế, phụ huynh chưa quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số địa phương không thực hiện thường xuyên, chủ yếu dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở...
CẦN SỰ PHỐI HỢP CỦA GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG
Ngay từ đầu năm, Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp về xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phương Toàn cho biết, ngay từ đầu mỗi năm học, ngành Giáo dục đã tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật về TTATGT qua các hoạt động ngoại khóa, chào cờ đầu tuần và các cuộc họp phụ huynh học sinh.
Đồng thời, nhà trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức nhắc nhở, kiểm điểm những học sinh vi phạm về TTATGT qua các tiết sinh hoạt lớp, nhắc nhở dưới cờ, đưa tiêu chí học sinh vi phạm để đánh giá xếp loại thi đua đối với công tác chủ nhiệm lớp. Các cơ sở giáo dục kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có Giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi, vượt đèn đỏ...
“Đặc biệt, tất cả các trường phổ thông từ tiểu học đến THPT tiếp tục thực hiện cho cha mẹ, học sinh ký cam kết về việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện, xe đạp điện; cha mẹ không giao xe máy điện, xe đạp điện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển. Các cơ sở giáo dục phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đặc biệt là không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có Giấy phép lái xe” - đồng chí Nguyễn Phương Toàn cho biết thêm.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Vũ cho biết: Hằng năm, hằng quý, hằng tháng, đơn vị đều chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường tổ chức tuyên truyền trực tiếp Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trên địa bàn bằng nhiều hình thức, đặc biệt thông tin rõ là học sinh từ 16 đến 18 tuổi không điều khiển xe máy trên 50 cm3 đến trường. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với Tổ chức ATGT trẻ em quốc tế tại Việt Nam triển khai Dự án ATGT trẻ em giai đoạn 2 nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức về đảm bảo ATGT cho học sinh và phụ huynh.
Theo Trung tá Văn Minh Vương, Đội trưởng Đội CSGT trật tự - Công an huyện Cái Bè, giải pháp lâu dài và bền vững nhất là thực hiện tốt mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đồng thời, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe tự phát gần các trường học, để các em không có điểm gửi xe ở ngoài, khi đó tập trung vào nhà trường thì sẽ dễ dàng quản lý. Ngoài ra, nhà trường cần quản lý chặt chẽ hơn nữa tình trạng học sinh vi phạm ATGT, đặc biệt chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
Có thể nói, để con đường từ nhà đến trường của học sinh được bình yên, bên cạnh lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm thì cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cha mẹ học sinh, nhà trường và xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền về ATGT để mọi người nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
HOÀNG LONG