Thứ Hai, 09/10/2023, 09:46 (GMT+7)
.

Tiền Giang chuyển biến tích cực về an toàn giao thông

Trong 9 tháng năm 2023, tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) có chiều hướng giảm so với những năm trước trên cả 3 tiêu chí, góp phần vào sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.

MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG TNGT VẪN CÒN TĂNG

Hạ tầng giao thông của tỉnh Tiền Giang thời gian qua liên tục được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mở rộng từ tuyến đường giao thông nông thôn, huyện lộ cho đến quốc lộ và cả cao tốc, phục vụ kịp thời phát triển kinh tế - xã hội, đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, sự phát triển của hạ tầng giao thông vẫn chưa tương xứng với sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện tham gia giao thông, nhất là phương tiện ô tô cá nhân.

Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT 9 tháng năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng  cuối năm diễn ra vào chiều ngày 6-10.
Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT 9 tháng năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm diễn ra vào chiều ngày 6-10.

Nhiều địa phương của tỉnh có số vụ TNGT tăng cho biết, nguyên nhân dẫn đến số vụ TNGT tăng chủ yếu là do hạ tầng giao thông. Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, nguyên nhân số vụ TNGT của địa phương tăng cao do một phần các tuyến đường được đầu tư mở rộng nhưng thiếu đèn chiếu sáng, còn tình trạng cầu sắt và không có lề đường (như huyện lộ 867 và 866) nên rất dễ dẫn đến TNGT.

Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Văn Thức cho biết, công tác tuyên truyền về ATGT tuy có tập trung nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều địa phương chưa coi trọng công tác này nên làm cho số vụ TNGT tăng cao. Đặc biệt, tuyến tránh TX. Cai Lậy hiện nay không có dảy phân cách, không hệ thống chiếu sáng, nhiều điểm giao cắt… không đảm bảo ATGT cho người và phương tiện, điều này cũng kéo theo số  vụ TNGT tăng cao (chiếm 40% số vụ TNGT ở địa phương). Bên cạnh đó, tuyến đường tỉnh 868 có lưu lượng phương tiện lưu thông cao nhưng mặt đường nhỏ nên ảnh hưởng đến ATGT trên địa bàn.

Các địa phương xem các giải pháp đảm bảo trật tự, ATGT là nhiệm vụ chính trị, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Đặc biệt, địa phương không để “mọc tự nhiên” các công trình không phép, trái phép; lập lại trật tự hành lang ATGT lấn chiếm lòng lề đường, đặc biệt là tuyến đường đã thực hiện xử lý thời gian dài. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng”.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH TRẦN VĂN DŨNG

Đối với huyện Cai Lậy, Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Bình cho biết, hạ tầng giao thông của địa phương cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Theo thống kê, trên địa bàn huyện thời gian qua số kho sầu riêng tăng, hiện có khoảng 157 kho, kéo theo nhiều phương tiện giao thông chuyên chở rất lớn, đặc biệt là xe container, tập trung chủ yếu vào đường tỉnh 864. Trong khi đó, tuyến đường này hiện nay đang rất nhỏ khiến tình trạng quá tải, kẹt xe thường xuyên xảy ra. Đồng thời, trong 9 tháng năm 2023, huyện có 600 xe ô tô đăng ký mới (tăng 130%) mà kết cấu giao thông huyện chưa đảm bảo, đây cũng là một trong các nguyên nhân gây tiềm ẩn TNGT.

Đối với các địa phương phía Đông tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, nguyên nhân vẫn là hạ tầng giao thông trên địa bàn thị xã còn nhiều bất cập, vai trò cơ quan chức năng có thẩm quyền trong quản lý, bảo trì nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, xóa bỏ dần các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về TNGT đường bộ, đường thủy còn hạn chế, chưa kịp thời giải quyết, khắc phục triệt để.

Cụ thể như tình trạng thoát nước ở một số điểm trên Quốc lộ 50 còn kém hoặc không có hệ thống thoát, làm đọng nước gây ra tình trạng xuống cấp, hư hỏng mặt đường. Ngoài ra, các tỉnh lộ 863 và 873B thiếu đèn chiếu sáng. Trên địa bàn thị xã vẫn còn nhiều tuyến đường cần phải duy tu và đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo ATGT.

Còn theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Vũ, bên cạnh nguyên nhân dẫn đến TNGT vẫn còn tăng cao ở một số địa phương của tỉnh là hạ tầng giao thông thì còn có nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một số bộ phận người dân chưa tốt, vi phạm còn phổ biến… Đặc biệt, một số thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông còn phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, chuyển hướng không đúng quy định… dẫn đến nhiều vụ TNGT thương tâm.

QUYẾT TÂM KIỀM GIẢM TNGT

Tình hình trật tự, ATGT trong 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục có chuyển biến tích cực, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ nhưng các địa phương vẫn còn xuất hiện và tồn tại một số hạn chế trong đảm bảo trật tự, ATGT. 

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Trước vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương phải triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT, phấn đấu cuối năm phải đạt mục tiêu giảm TNGT từ 5% - 10% ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, lứa tuổi, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT. Các địa phương cần xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT. Đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông.

 Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT 9 tháng năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm diễn ra vào chiều ngày 6-10, từ ngày 15-12-2022 đến 14-9-2023, toàn tỉnh xảy ra 226 vụ TNGT, chết 164 người, bị thương 107 người. So với cùng kỳ 9 tháng năm 2022, số vụ TNGT giảm 99 vụ (226/325 vụ), giảm 30,7%; số người chết giảm 69 người (164/233 người), giảm 29,6%; số người bị thương giảm 50 người (107/157 người), giảm 31,8%. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 223 vụ, chết 164 người, bị thương 107 người; TNGT đường thủy xảy ra 3 vụ, thiệt hại tài sản 840 triệu đồng.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vũ đánh giá, tình hình trật tự, ATGT trong 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo trật tự, ATGT trong 9 tháng năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Còn xảy ra 7 vụ TNGT rất nghiêm trọng, làm chết 14 người và bị thương 3 người... Còn 4 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2022 như TX. Cai Lậy, TX. Gò Công, TP. Mỹ Tho, huyện Tân Phước.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế như hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, ATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo trật tự, ATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ. Song song đó, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều vi phạm, người dân biết rõ luật nhưng vẫn cố tình vi phạm, tiềm ẩn xảy ra TNGT cao…

Đối với Công an tỉnh, đồng chí Trần Văn Dũng chỉ đạo, ngành Công an cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT theo các chuyên đề, đặc biệt là duy trì thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia, không lái xe”, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân.

Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuề xòa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

Đối với Sở Giao thông - Vận tải, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng; siết chặt công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, công tác kiểm định chất lượng phương tiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, đường thủy nội địa.

Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo các nhà thầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, ATGT, an toàn lao động khi thi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là các dự án nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đang khai thác trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh... không để xe, máy phục vụ thi công vi phạm tải trọng lưu thông trên đường. Tổ chức kiểm soát tải trọng xe ô tô trên đường bộ, nhất là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Tăng cường kiểm tra an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trong mùa mưa bão, nhất là các tuyến đường có nguy cơ sạt lở; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông, các địa phương kịp thời rà soát, phát hiện, xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT.

TUẤN LÂM

.
.
.