Quyết liệt kiềm chế tai nạn giao thông liên quan học sinh
Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh của tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung có nhiều diễn biến phức tạp. Với sự chủ quan, thiếu kiến thức pháp luật của một số gia đình đã và đang làm số vụ và số người chết liên quan đến học sinh tăng cao.
NHỮNG CON SỐ “BIẾT NÓI”
Lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở các hành vi vi phạm giao thông của học sinh. |
Theo thông kê, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 881 vụ TNGT liên quan đến học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi (chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc). Trong đó có 737 vụ TNGT do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc đang đi bộ bị tai nạn, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Theo đánh giá của Bộ Công an, TNGT liên quan học sinh xảy ra nhiều, hết sức lo ngại, tính đến ngày 14-10-2023 đã làm 490 em chết và 827 em bị thương để lại những hậu quả nặng nề đối với bản thân các em, gia đình và xã hội.
Ngoài ra, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) hiện nay ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội nón bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện…
Đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có Giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ TNGT. Qua thống kê, lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là TNGT liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.
Mặc khác, các phương tiện phù hợp với lứa tuổi học sinh điều khiển tăng nhanh, qua theo dõi số liệu đăng ký xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện thì trung bình mỗi năm số lượng phương tiện đăng ký mới tăng khoảng 0,3%, với nhiều chủng loại phương tiện đa dạng khác nhau.
Cụ thể, số liệu đăng ký xe gắn máy 2 bánh dưới 50 cm3 hiện đang quản lý là 4.672.797 xe và đăng ký mới trong 10 tháng năm 2023 là 213.129 xe (trung bình đăng ký năm 2022 so với năm 2021 tăng 0,33%). Còn đối với xe máy điện hiện đang quản lý 1.976.254 xe và đăng ký mới trong 10 tháng năm 2023 là 155.346 xe (trung bình đăng ký năm 2022 so với năm 2021 tăng 0,46%).
Song song đó, việc xử lý vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm với học sinh còn gặp khó khăn, do công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với nhà trường. Đặc biệt, một số địa phương buông lỏng quản lý hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh dẫn tới các vụ TNGT liên quan đến dịch vụ đưa đón học sinh như vụ TNGT xảy ra tại tỉnh Đồng Nai vào tháng 2-2023, một xe đưa đón học sinh trong khi lùi xe làm 1 học sinh lớp 3 tử vong...
PHỐI HỢP ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP
Thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo trật tự, ATGT tại các địa phương tuy quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông. Mặc khác, nhiều phụ huynh, nhà trường chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm trong công tác này.
Nhiều mô hình tuyên truyền ATGT cho trẻ em tại trường học. |
Đồng thời, việc tổ chức giao thông tại khu vực cổng trường và trong trường học còn nhiều bất cập, nhất là các trường nằm trên những tuyến đường trục chính đô thị, đường quốc lộ, tỉnh lộ nơi có mật độ phương tiện nhiều và phương tiện giao thông cơ giới lưu thông với tốc độ. Một số cơ sở giáo dục chưa bố trí được điểm dành cho phụ huynh dừng, đậu phương tiện chờ đón con, em dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất trật tự, ATGT tại khu vực trường học.
Ngoài ra, mặt trái của Internet và các trang mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ hiện nay, trong khi đó nhiều người trưởng thành, thậm chí người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội có những hành vi không chuẩn mực, quay clip đua xe, bốc đầu, đánh võng... đăng tải lên mạng xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ.
Trước vấn đề trên, tại cuộc họp Hội nghị trực tuyến Chuyên đề về bảo đảm ATGT đối với học sinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương cần tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, đa dạng hóa các biện pháp tuyên tuyền, lưu ý tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Các địa phương tuyệt đối không chủ quan trước tình hình TNGT trong học sinh, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ TNGT thấp. Đồng thời, các địa phương phải xác định trách nhiệm người đứng đầu, nếu cần đưa nội dung về ATGT vào kiểm điểm cuối năm tại các địa phương, có thể là tại các trường học.
Trong thời gian tới, Công an các cấp từ trung ương đến địa phương sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra TNGT…; huy động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng bảo đảm trật tự, ATGT.
Đồng thời, các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có Giấy phép lái xe, không đội nón bảo hiểm tham gia giao thông khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe, đi xe dàn hàng ngang, đua xe trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định… Đối với các hành vi cố ý, vi phạm có tổ chức, tái phạm nhiều lần phải xem xét, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.
UBND các tỉnh, thành phố phải có giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả để bảo đảm tuyệt đối an toàn trường học, nhất là ATGT khu vực cổng trường. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường, lớp học, từng giáo viên trong bảo đảm trật tự, ATGT đối với học sinh; đưa nội dung bảo đảm trật tự, ATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ và năm học.
Đặc biệt, sự phối hợp giữa lực lượng chức năng - nhà trường - gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về trật tự, ATGT được tăng cường. Trong đó, các ngành chú trọng công tác trao đổi thông tin về vi phạm trật tự, ATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý, giáo dục về ATGT.
Riêng đối với Tiền Giang, ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế của địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo và hướng dẫn các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh; tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm ATGT.
Đặc biệt, tại các trường học phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động cha mẹ, người giám hộ nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy định pháp luật giao thông, có biện pháp quản lý và cam kết chấp hành pháp luật về ATGT, không giao xe mô tô, xe máy cho con điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe; phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, ATGT khu vực cổng trường.
TUẤN LÂM