Tiền Giang: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả Chương trình 43 ngày 6-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về thực hiện Chỉ thị 23 ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 23).
Trong đó, lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT; kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT quyết liệt, đúng tinh thần thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo chuyển biến rõ nét về tình hình TTATGT; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TTATGT, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, hình thành thói quen văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” trong nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 23 và Chương trình 43 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có công văn yêu cầu các Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh; cấp ủy huyện và tương đương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT.
Xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là một nội dung trọng tâm của công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Đề ra các biện pháp, giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ, góp phần tích cực xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT, giải tỏa, xử lý vi phạm hành lang ATGT; đầu tư, sửa chữa kết cấu hạ tầng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng; khắc phục các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT). Rà soát các bất cập trên tuyến giao thông trọng điểm để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý; tiếp tục kiềm chế, kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. |
Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
Tiếp tục quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; không can thiệp, tiếp nhận can thiệp vào công tác xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng chức năng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông, người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông; xử lý kiên trì, quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm giao thông.
Lãnh đạo thực hiện tốt công tác điều tra, giải quyết TNGT, kịp thời khởi tố các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến TNGT để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, làm chuyển biến rõ nét, hình thành thói quen văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” trong nhân dân.
Quá trình xử lý vi phạm TTATGT, nếu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Lực lượng vũ trang, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm nồng độ cồn thì ngoài việc xử lý theo quy định còn phải thông báo đầy đủ lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức của người vi phạm để có biện pháp xử lý, không “xuê xoa”, đúng tinh thần thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”…
HÀ NAM