Thứ Năm, 20/06/2024, 10:41 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chấn chỉnh xe đưa rước công nhân không đảm bảo an toàn giao thông

Với đặc thù là xe hoạt động trong các khung giờ cố định (vào ca, tan ca), không ít xe đưa rước công nhân là xe đời cũ, xuống cấp và thiếu trang bị an toàn, loại phương tiện này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), thậm chí gây ra tai nạn thương tâm.

CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 243 xe đưa rước công nhân hoạt động đưa rước chủ yếu tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như các khu công nghiệp Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Gia Thuận…; một số xe đưa rước công nhân từ Tiền Giang đi Long An, TP. Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, toàn bộ số xe này đang đưa rước trên 8 ngàn công nhân đi làm việc.

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các xe đưa rước công nhân đều đủ điều kiện lưu thông, tuy nhiên đa phần xe này là ô tô cũ, không máy lạnh, đăng kiểm chỉ được 3 tháng, xuống cấp, chưa đảm bảo các điều kiện ATGT. Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hồng Thanh cho biết, qua công tác quản lý, kiểm tra Sở GTVT nhận thấy có nhiều xe đưa rước công nhân là xe ô tô cũ, còn ít niên hạn sử dụng, có những xe còn 1, 2 năm nữa là hết niên hạn sử dụng, đây là thực tế trên địa bàn tỉnh, điều này đã và đang gây ra các nguy cơ mất ATGT.

Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý chấn chỉnh xe đưa rước công nhân vi phạm trật tự, ATGT.
Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý chấn chỉnh xe đưa rước công nhân vi phạm trật tự, ATGT.

Chị Đ.T.M., công nhân Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành) cho biết, dù biết chất lượng xe không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn nhưng việc đưa rước công nhân đến công ty làm việc rất thuận tiện nên chị M. cùng nhiều công nhân khác không còn chọn lựa phương tiện nào khác để đi làm. Cùng quan điểm với chị M., chị T.T.N.Đ., công nhân Khu công nghiệp Tân Hương cho biết, vì sự tiện lợi nên hằng ngày chị chọn xe đưa rước công nhân làm phương tiện đi làm đã 8 năm qua. “Để đảm bảo an toàn cho các chuyến xe đưa rước công nhân thì chúng tôi chỉ biết trông chờ sự vào cuộc tích cực, cũng như siết chặt quản lý hơn nữa của các cơ quan chức năng, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp về chất lượng của các xe này”, chị Đ. chia sẻ.

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng tại địa phương đã xử phạt nhiều xe đưa rước công nhân không tuân thủ luật giao thông và những quy định liên quan. Cụ thể, trong năm 2023, lực lượng chức năng đã xử lý 21 phương tiện xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng vận chuyển công nhân, số tiền phạt trên 72 triệu đồng. Các lỗi vi phạm phổ biến như đỗ xe nơi có biển cấm dừng đỗ xe; không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; đăng kiểm hết hạn dưới 1 tháng; phù hiệu xe hết hạn...

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông (ô tô khách chở công nhân và xe mô tô), làm chết 4 người, nguyên nhân 3 vụ do xe mô tô đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát và 1 vụ do xe ô tô khách vượt không đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, mới đây, vào chiều 6-6, xe chở công nhân biển kiểm soát 63B-000.63 do tài xế Trần Kim Thức (64 tuổi, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) điều khiển lưu thông trên Quốc lộ 1 hướng TP. Hồ Chí Minh đi miền Tây. Khi phương tiện vừa qua dốc cầu Bến Lức (gần đèn tín hiệu giao thông ngã tư Bình Nhựt thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thì lao thẳng vào những xe máy đang dừng phía trước chờ đèn đỏ. Hậu quả làm 8 xe máy hư hỏng, 1 người tử vong tại chỗ và 1 người tử vong tại bệnh viện.

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Trước phản ánh của người dân, hầu như tất cả xe khách đưa rước công nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay đều là xe cũ, gần hết niên hạn sử dụng… Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những mặt tiện lợi của xe đưa rước công nhân, còn có những khó khăn, hạn chế là xe đưa rước công nhân phải bảo đảm đến đúng giờ để công nhân làm việc nên việc kiểm tra xe đang hoạt động trên đường thường gặp khó khăn. Đặc biệt là vào buổi sáng do một số lái xe, kể cả công nhân ngồi trên xe không hợp tác vì sợ trễ giờ làm việc; việc kiểm tra thường được thực hiện tại các khu công nghiệp khi công nhân đã rời xe hoặc lúc tan ca.

Bên cạnh đó, các công ty, xí nghiệp (hoặc giao tổ chức Công đoàn) trước đây ký hợp đồng với các đơn vị vận tải bảo đảm đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để đưa rước công nhân. Tuy nhiên, thời gian sau này công ty, xí nghiệp không thực hiện ký hợp đồng nữa mà công nhân tự đứng ra tổ chức thành từng nhóm và thuê xe.

Đồng thời, do công nhân còn nhiều khó khăn nên thường thuê xe với giá rẻ, chủ yếu để đi lại làm việc, không cần xe chất lượng cao (như có máy lạnh, xe đời mới); từ đó các chủ phương tiện, hay những doanh nghiệp làm dịch vụ đưa rước công nhân chỉ bỏ tiền ra mua xe với giá rẻ, mà chưa chú ý đến chất lượng, đảm bảo an toàn, để mau thu hồi vốn.

Nhằm bảo đảm trật tự, ATGT và quản lý có hiệu quả hoạt động xe đưa rước công nhân thời gian tới, Sở GTVT sẽ phối hợp với Công an tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ, xử lý các phương tiện chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, không đảm bảo an toàn dùng để vận chuyển, đưa rước công nhân. Bên cạnh đó, đơn vị chỉ đạo trực tiếp lực lượng Thanh tra giao thông thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, việc quản lý lái xe, điều kiện của người điều khiển phương tiện; kiểm tra qua thiết bị giám sát hành trình, xử lý thu hồi phù hiệu đối với những xe vi phạm tốc độ.

Đồng thời, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan như Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền đến những đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đưa rước công nhân có ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đặc biệt, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT xem xét giảm niên hạn sử dụng đối với xe đưa rước công nhân.

Riêng đối với lực lượng Công an, Trung tá Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, Phòng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, lực lượng CSGT sử dụng các kỹ thuật nghiệp vụ như quay phim, chụp ảnh… nhằm xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Trong thời gian tới, lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát, đặc biệt là đối với xe gần hết niên hạn, hoặc gần hết kiểm định… Ngoài ra, xe đưa rước công nhân phải bảo đảm đến đúng giờ để công nhân làm việc, do đó việc kiểm tra xe đang hoạt động trên đường thường gặp khó khăn nên lực lượng sẽ tập trung kiểm tra vào buổi chiều.

Có thể nói, việc đưa rước công nhân đi làm bằng xe ô tô vừa góp phần bảo đảm sức khỏe khi đến nơi làm việc, ATGT, vừa giảm lượng xe cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người lao động. Tuy nhiên, để bảo đảm ATGT, an ninh trật tự, cần sự vào cuộc sâu sát của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng nhằm chấn chỉnh vi phạm quy định về vận tải hành khách và ATGT đường bộ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

LONG GIANG

 

.
.
.