An toàn giao thông: Đề xuất tăng thời hạn giấy khám sức khỏe lái xe lên 12 tháng
Bộ Y tế đang dự thảo thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô.
Theo đó, Bộ đề xuất nâng thời hạn sử dụng của giấy khám sức khỏe đối với người lái xe lên 12 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện hành. Nếu được thông qua, dự kiến thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2025.
Dự thảo thông tư đề xuất quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô. Dự thảo thông tư dự kiến áp dụng đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, người sử dụng lao động lái xe ô tô, các cơ sở y tế khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Như vậy, về phạm vi và đối tượng áp dụng so với Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, dự thảo thông tư bổ sung tiêu chuẩn của người điều kiển xe máy chuyên dùng; bỏ quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe do đã được quy định tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.
Khám sức khỏe cho lái xe tại Bệnh viện E. Ảnh: THANH XUÂN |
Về nguyên tắc chung, dự thảo nêu rõ, việc khám sức khỏe cho người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30-12-2023 của Chính phủ "Quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh". Việc khám sức khỏe cho người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải thực hiện theo tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại Phụ lục số 1 "Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng" ban hành kèm theo thông tư này. Việc khám sức khỏe định kỳ chỉ áp dụng đối với người lái xe ô tô chuyên nghiệp (người làm nghề lái xe ô tô) theo quy định của pháp luật về lao động.
Dự thảo thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe. Đồng thời tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe. Phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, cần quy định rõ những loại bệnh nào, tai nạn nào cần phải khám lại khi hành nghề lái xe. Đồng thời, quy định cũng cần rõ ràng, nếu không sẽ vô tình gây khó khăn cho người lao động, tạo thêm gánh nặng, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp. Người làm nghề lái xe ô tô phải chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam, sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc của người sử dụng lao động.
Hiện, Sở Y tế TP Hà Nội đã công bố danh sách 40 cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc quản lý của Sở đủ điều kiện khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe đã liên thông thành công dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng giám định bảo hiểm y tế để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
(Theo qdnd.vn)