Mở rộng Khu sinh thái Đồng Tháp Mười
Thực tế cho thấy, vùng đệm Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười ngày càng bị thu hẹp, việc phá rừng tràm trồng lúa, khóm, rau màu các loại đã và đang diễn ra. Nếu trước đây toàn bộ khu vùng đệm có khoảng 1.280 ha (Trại giam Phước Hòa quản lý 800 ha, UBND huyện Tân Phước quản lý 480 ha) thì hiện nay phần diện tích huyện Tân Phước quản lý chỉ còn 100 ha rừng tràm, số còn lại đã chuyển qua các loại cây trồng khác làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái của vùng.
Do vậy, để duy trì nét đặc trưng hệ sinh thái ngập nước chua phèn của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ các loại động vật bản địa, tạo điểm tham quan, nghiên cứu cho các thế hệ sau, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất lập Dự án mở rộng Khu bảo tồn sinh thái với quy mô mở rộng 250 ha (về phía Bắc khoảng 73 ha, phía Nam khoảng 60 ha, phía Đông 117 ha) và cho lập 2 dự án:
- Dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Khu bảo tồn sinh thái, với quy mô 244 ha, tổng vốn 275,6 tỷ đồng; dự kiến phân kỳ 2 giai đoạn và giao UBND huyện Tân Phước làm chủ đầu tư. Theo đó, giai đoạn I, diện tích thu hồi khoảng 120 ha, tổng vốn 143,2 tỷ đồng; đến nay UBND huyện Tân Phước đã thực hiện xong việc kê biên (phía Bắc khu bảo tồn khoảng 66 ha, phía Nam khu bảo tồn khoảng 54 ha) và đang trình UBND tỉnh phê duyệt giá bồi thường đất và các chính sách hỗ trợ. Giai đoạn II, với diện tích thu hồi khoảng 124 ha, khu vực phía Đông kênh Tây, với tổng vốn đầu tư khoảng 132,4 tỷ đồng.
- Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng vùng đệm Khu bảo tồn sinh thái, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Đồ án. Hiện tại đề cương của Đồ án đã được lập xong và tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương 2 lần; đang hoàn chỉnh đề cương trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi đồ án được phê duyệt sẽ tiến hành lập Quy hoạch chi tiết (1/500); lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần để có cơ sở bố trí vốn triển khai theo lộ trình.
Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười hiện có diện tích 106,8 ha, trong đó có 57,8 ha rừng tràm tập trung, là nơi dẫn dụ, trú ngụ, sinh sản của đàn chim nước; 49 ha còn lại là hệ thống ao trung tâm, kênh nội bộ và đường giao thông, cơ sở hạ tầng.
Qua 17 năm kể từ ngày thành lập đến nay đã quy tập trên 10.000 con chim cò trú ngụ sinh sản, quy tập hơn 6.000 cây bản địa các loại; các loại lớp thú, bò sát và các loài chim thú đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười; duy trì, bảo vệ 57 ha rừng tràm làm nơi trú ngụ sinh sản cho các loài chim nước, quy tập được các loài chim thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Mèo rừng, Rùa núi vàng… Đặc biệt, Khu bảo tồn sinh thái đã cho sinh sản và ấp nở thành công trong môi trường nuôi nhốt loài Rùa núi vàng, Cần Đước, Nhím, Heo rừng, Cá sấu… nhằm nhân số lượng cá thể trên một loài…
Một số hình ảnh được phóng viên ghi nhận tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước vào những ngày gần đây.
PV