Mong được nghe hát sử ca
Trong 2 cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, từng bài học lịch sử, từng lời hiệu triệu, kêu gọi… âm vang hồn thiêng sông núi đã được các nhạc sĩ, nghệ sĩ “thổi” vào nhạc, vào thơ. Những lời Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo… như âm vang trong từng lời ca, nốt nhạc, có cả máu của các thế hệ cha ông đổ xuống để tô thắm lá cờ của Tổ quốc. Làm sao có thể quên được những bài hát: Hành quân xa, Đoàn Giải phóng quân, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên… trong cuộc chiến tranh chống Pháp.
Hay Ta ra trận hôm nay, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Sài Gòn quật khởi, Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam, Ta là chiến sĩ Giải phóng quân… trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Còn nhiều, nhiều nữa những bài sử ca thúc giục lớp lớp thanh niên ra đi đáp lời sông núi, giữ gìn quê mẹ mà tôi không thể nào liệt kê hết trong khuôn khổ một bài viết.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây - Nam của Tổ quốc, những người lính trẻ thuộc “thế hệ thứ tư” giã từ gia đình, hăng hái khoác lên người bộ quân phục màu xanh cỏ úa lên đường giữ từng tấc đất biên cương.
Ra đi mà trong tim còn sục sôi hào khí Thăng Long, có dòng máu của cha ông chảy theo từng lời ca, tiếng nhạc Chiến đấu vì độc lập - tự do, Hát trên miền biên giới… Quá khứ hào hùng của dân tộc được phổ trong từng lời hát đã nâng bước những người lính trẻ ra đi.
Tuy nhiên, có một bộ phận thanh niên ngày nay lại bằng lòng với những ca khúc nảo tình, rên rỉ, sướt mướt hoặc vô thưởng vô phạt… mà các nhạc sĩ hay chỉ là những người biết chút ít nhạc lý viết ra, không có nội dung tích cực, lại được một bộ phận giới trẻ cho là “hot”, là “xì-tin” gì gì đó. Có bạn trẻ có thể cả ngày đeo “phôn” mà nghe những ca khúc đó không biết chán…
Trước tình trạng trên, Báo Tuổi Trẻ và HTV phát động tổ chức Cuộc thi “Hát sử ca”. Hy vọng những khúc hát bi hùng sẽ được cất lên, để được cùng nhau sống lại những giây phút hào hùng của một thời cầm súng chiến đấu và tự hào về Tổ quốc mình.
PHẠM HOÀNG ĐỨC