Vì sao còn nhiều phụ huynh băn khoăn, thắc mắc về BHYT học sinh?
Cách đây ít ngày, một số phụ huynh có con theo học tại trường L. thuộc huyện H., sau khi dự họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm thông báo mức phí mà học sinh phải đóng đầu năm học, trong đó có phí BHYT rất cao mà không giải thích rõ nên đã ghé nhà tôi thắc mắc vì sao phí đóng BHYT năm nay tăng gấp đôi, vì các vị phụ huynh này biết tôi công tác trong ngành BHXH.
Năm học mới 2015 - 2016 là năm đầu tiên BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với một số điểm mới, mang lại nhiều quyền lợi cho HSSV khi tham gia BHYT. Điểm mới thứ nhất là, thay đổi mức đóng từ 3% lương cơ sở lên 4,5% lương cơ sở. Điểm mới thứ hai là, thay đổi thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo năm tài chính từ ngày 1-1 đến ngày 31-12 của năm.
Theo Hướng dẫn liên ngành BHXH và Sở GD-ĐT Tiền Giang, mức đóng BHYT cho HSSV năm học 2015 - 2016 tại địa bàn tỉnh là 543.375 đồng (phần HSSV đóng 70% mức phí cho 15 tháng) với thời hạn thẻ sử dụng từ ngày 1-10-2015 đến 31-12-2016.
Theo đó, HSSV có thể đóng 1 lần vào đầu năm học hoặc có thể đóng 2 lần trong năm. Nếu HSSV đóng phí BHYT 1 lần vào đầu năm học thì khi Chính phủ thay đổi mức lương cơ sở sẽ không phải đóng thêm; trường hợp nếu đóng 2 lần trong năm, khi Chính phủ thay đổi mức lương cơ sở thì mức phí sẽ thay đổi tương ứng cho lần đóng mới.
Đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thì mức đóng là 434.700 đồng và thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01/10/2015 hoặc từ ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp trong năm học trước đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học.
Do thay đổi mức đóng và thời hạn sử dụng thẻ nên nhiều phụ huynh còn ngộ nhận phí BHYT năm học này cao (nhưng đây là mức thu cho 15 tháng, chứ không phải 12 tháng như mọi năm), nếu tính bình quân 1 ngày chi tiền đóng BHYT chưa được 1.500 đồng nhưng lại hưởng ưu đãi các dịch vụ y tế hiện đại theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Những ưu đãi đó là: Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học; được hưởng 100% chi phí khi KCB tại tuyến xã, phường, thị trấn hoặc KCB chi phí dưới 15% mức lương cơ sở hiện hành (hiện tại là dưới 172.500 đồng) cho 1 lần KCB từ tuyến huyện trở lên; được hưởng 80% chi phí (áp dụng tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế) cho 1 lần KCB từ 15% mức lương cơ sở hiện hành trở lên; được hưởng 100% chi phí khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện tại 6 tháng lương cơ sở bằng 6.900.000 đồng).
Bệnh tật không ai lường được, nhất là với con trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi. Mặt khác, sức đề kháng còn yếu, nên chúng có thể bị tai nạn bất ngờ, hoặc bị ốm đau bất cứ lúc nào. Vì vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm tham gia BHYT cho con em mình để đề phòng rủi ro khi bệnh tật.
Bởi lẽ BHYT vẫn có ý nghĩa như “phao cứu sinh” nếu không may trẻ bị bệnh, gia đình sẽ có điều kiện điều trị bệnh cho con mình đến cùng mà không lo gánh nặng tài chính. Còn nếu con mình không bị bệnh thì số tiền tham gia BHYT của con mình sẽ góp phần chia sẻ với các bạn cùng trang lứa không may mắc bệnh mà gia đình không có đủ điều kiện chữa bệnh cho con, coi như mình đi làm từ thiện, giáo dục lòng nhân ái cho con - công tác này hiện nay rất nhiều người quan tâm.
Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị tại địa phương cùng ngành BHXH để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh và nhân dân hiểu những điểm mới của chính sách BHYT, tránh tình trạng băn khoăn, thắc mắc như vừa qua.
NGUYỄN VĂN TÂM