Thứ Hai, 29/08/2016, 10:32 (GMT+7)
.

Di sản, di chúc và bản án của tòa

Di sản là căn nhà có diện tích xây dựng 71,4 m2, diện tích sàn 143,5 m2, loại nhà kiên cố gắn liền với thửa đất số 6, tờ bản đồ số 15, có diện tích 114,5 m2, tọa lạc tại số 65, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 4, TP. Mỹ Tho. Đây là di sản của ông Nguyễn Văn Tiên (sinh năm 1919, mất năm 2006) và bà Trần Thị Cơ (sinh năm 1927, mất năm 1997) để lại.

Ông Tuấn chỉ vị trí cối xay bột sau khi bị cưỡng chế.
Ông Tuấn chỉ vị trí cối xay bột sau khi bị cưỡng chế.

Vợ chồng ông Tiên và bà Cơ có 10 người con, trước khi mất, ngày 22-1-1995 ông Tiên và bà Cơ lập di chúc để lại di sản: “Cho 4 người con trai là Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Bá Tước, Nguyễn Kim Hoàng và Nguyễn Thiện Đức quản lý. Cả 4 người con này đều được ở trong nhà và đây là nhà hương khói lưu niệm để thờ phượng ông bà, cha mẹ đã quá cố.

Nghiêm cấm các con sang bán, cầm cố, thế chấp cho người khác. Trong 4 anh em, nếu ai muốn được kinh doanh mặt bằng của cái nhà phải có sự đồng ý, nhất trí của 4 anh em”. Theo Bộ luật Dân sự thì di sản này không được chia thừa kế.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn là con trai trưởng của ông Tiên và bà Cơ cho biết, các em tôi đều đòi bán nhà để chia, nên ngày 5-10-2010 đã lập một văn bản thỏa thuận cho tôi là người đứng tên đại diện chủ quyền di sản cha mẹ tôi để lại nhằm hợp thức hóa quyền sở hữu.

Ngày 20-10-2010, tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, giấy chứng nhận ghi chú “Theo di chúc số 17/CC.DC thì phần nhà và đất trên chỉ được sử dụng để thờ phượng ông bà. Nghiêm cấm sang bán, cầm cố, thế chấp cho người khác”, nên dù có muốn bán cũng không thể được.

Điều đáng nói là, khi cha mẹ tôi còn sống, tôi có sử dụng khoảng đất trống phần sân trước nhà để đặt cối xay bột thuê làm kế mưu sinh gia đình và cha mẹ tôi. Nghề xay bột thuê của gia đình tôi đã tồn tại hơn 30 năm nay, nhưng do mâu thuẫn xảy ra nên các em tôi cho rằng tôi không thực hiện đúng di chúc, sử dụng mặt bằng căn nhà để kinh doanh, làm ảnh hưởng đến di sản để thưa tôi ra tòa.

Căn cứ vào lời khai của các nguyên đơn: Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Thiện Đức, Nguyễn Bá Tước (ông Đức tự nguyện cho ông Hoàng đại diện ông làm người quản lý di sản), tại Bản án sơ thẩm số 118/DSST ngày 29-9-2015 và Bản án phúc thẩm số 123/DSPT ngày 9-3-1016, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm và phúc thẩm đều quyết định cho ông Hoàng và ông Tước làm đại diện quản lý di sản.

Buộc ông Tuấn giao căn nhà cho ông Hoàng và ông Tước quản lý. Buộc ông Tuấn dời máy móc thiết bị và vật dụng phục vụ cho kinh doanh xay bột ra khỏi căn nhà gắn liền với đất tọa lạc tại số 65, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 4, TP. Mỹ Tho.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Hoàng Hà (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) thì cối xay bột có trước khi căn nhà được xây dựng và trước khi di chúc được lập, nên mặc nhiên được chấp thuận và không thể cho rằng ông Tuấn không thực hiện đúng theo di chúc để tước đi quyền quản lý của ông Tuấn đối với di sản mà di chúc đã cho phép….”.

Việc cưỡng chế Thi hành án vào ngày 22-7-2016, di dời toàn bộ trang thiết bị, máy móc cối xay bột của ông Tuấn và tước quyền quản lý di sản của ông Tuấn, giao di sản cho ông Hoàng và ông Tước quản lý thì ông Tuấn buộc phải ra đi, trong khi vợ và con đang ở trong căn nhà đó, là vô tình chia lìa tình nghĩa vợ chồng, cha con và là cắt đi đường mưu sinh của gia đình ông.

Hy vọng qua bài phản ánh này, Tòa án nhân dân cấp cao và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao sẽ xem xét, kháng nghị 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên theo trình tự giám đốc thẩm.

NHÓM PV. CTXH

.
.
.