.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh

Cập nhật: 10:35, 05/02/2021 (GMT+7)

1.10.7. Đại biểu đề nghị ngành chức năng cần có đánh giá về hiệu quả hoạt động của các đồng đẳng viên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Giải trình:

Các nhóm đồng đẳng viên hoạt động trên tinh thần tự nguyện, giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS (nghiện chích ma túy, mại dâm, đồng tính luyến ái, bệnh lao, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…) và đã bị nhiễm HIV/AIDS. Hoạt động của đồng đẳng viên là thực hiện Chương trình Can thiệp giảm tác hại phòng, chống HIV/AIDS. Nhiệm vụ của nhóm là cập nhật thường xuyên địa bàn, điểm nóng của nhóm nguy cơ cao. Tiếp cận trực tuyến và trực tiếp nhóm đích để xét nghiệm sàng lọc và chuyển gửi khách hàng đến dịch vụ HIV (xét nghiệm - điều trị PrEP - điều trị ARV). Truyền thông về HIV/AIDS, hành vi an toàn, lợi ích điều trị sớm (qua sinh hoạt nhóm nhỏ); phát tài liệu, bao cao su, chất bôi trơn và sinh phẩm xét nghiệm HIV tại nhà cho khách hàng có nguy cơ. Tìm và phát triển các mạng lưới khách hàng đích sử dụng dịch vụ HIV.

Từ năm 2007 đến nay, đồng đẳng viên hoạt động dưới sự hỗ trợ của các Dự án: Dự án Phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ (2007 - 2013); Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS (2012 - 2014); Dự án USAID SHIFT (từ năm 2018 đến nay). Hoạt động của đồng đẳng viên đã góp phần hiệu quả trong giảm mức nhiễm HIV trong cộng đồng tại Tiền Giang < 0,3% (ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam). Trong giai đoạn 2021 - 2025, với sự cộng tác của các đồng đẳng viên, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số tỉnh Tiền Giang phấn đấu đạt: Giảm 85% số trường hợp nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vào năm 2025; giảm 80% số trường hợp nhiễm mới HIV do lây truyền HIV qua đường tình dục vào năm 2025; giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 1% vào năm 2025; tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) đạt 90% trên tổng số người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị vào năm 2025.

1. 11. Về  lao động, thương binh và xã hội

1.11.1. Chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài của tỉnh theo kế hoạch năm 2021 là 300 người. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo đạt được chỉ tiêu đã đề ra. Đồng thời, đại biểu đề nghị ngành chức năng có giải pháp tạo mối liên kết giữa các trường đào tạo nghề và đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh để việc đào tạo nghề đạt hiệu quả cao.

Giải trình:

- Về chỉ tiêu đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài năm 2021 trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp:

Năm 2020 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên phạm vi thế giới và có diễn biến ngày càng phức tạp. Dù có khó khăn và có lúc bị gián đoạn thực hiện công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, nhưng kết quả cuối năm 2020 toàn tỉnh có 287 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 94,7% kế hoạch năm; trong đó, xuất cảnh qua Nhật Bản 244 lao động, Đài Loan 37 lao động, Hàn Quốc 1 lao động, thị trường khác 5 lao động.

Với kết quả đã được ghi nhận trong năm 2020, bước vào năm 2021 tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bằng nhiều hình thức; lựa chọn các thị trường, đơn hàng phù hợp với nguồn lao động của tỉnh; tăng cường phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở đào tạo nghề, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và doanh nghiệp trong công tác tạo nguồn đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; cố gắng hoàn thành chỉ tiêu đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Về giải pháp tạo mối liên kết giữa các trường đào tạo nghề và đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh để việc đào tạo nghề đạt hiệu quả:

Trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong các hoạt động: Gửi học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp để làm quen với thiết bị, dây chuyền sản xuất, hoạt động của doanh nghiệp; gửi doanh nghiệp góp ý chương trình đào tạo để tiếp nhận những yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần theo từng nghề; cử giáo viên đến các doanh nghiệp thực tập để nắm bắt công nghệ, yêu cầu về kỹ năng của lao động trong doanh nghiệp để cập nhật đề cương bài giảng, chương trình đào tạo; mời doanh nghiệp tham gia hội đồng thi tốt nghiệp để doanh nghiệp trực tiếp đánh giá kiến thức, kỹ năng của học sinh do đơn vị đào tạo; liên hệ với các doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng lao động chuyên môn để mời doanh nghiệp đến trường phỏng vấn tuyển dụng học sinh, sinh viên vào Ngày hội Tuyển dụng của đơn vị hoặc giới thiệu học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp xin việc làm.

Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức các buổi trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp: Long Giang, Tân Hương, Mỹ Tho, có cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng tham gia để tiếp nhận những yêu cầu của doanh nghiệp về chính sách lao động, ý kiến của doanh nghiệp về học sinh, sinh viên do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đào tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động; gửi trực tiếp phiếu đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động chia theo trình độ, ngành nghề của năm sau cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Trong năm 2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thành lập bộ phận kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; trước mắt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên hệ định kỳ với doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng lao động để cơ sở giáo dục nghề nghiệp giới thiệu cho học sinh hoặc đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp.

1.11.2. Hiện nay, tình hình nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng, ngoài đối tượng cai nghiện tập trung, còn hơn 6.000 đối tượng nghiện tại cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều cử tri quan tâm đến chất lượng, hiệu quả sau cai nghiện cho đối tượng nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện, vì khi tái hòa nhập cộng đồng họ có nguy cơ tái nghiện rất cao và có hành vi vi phạm pháp luật tinh vi hơn. Đề nghị các ngành chức năng có giải pháp quản lý tốt hơn đối tượng này.

Giải trình:

- Về chất lượng, hiệu quả cai nghiện:

Quy trình điều trị người nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy được thực hiện đúng theo Thông tư liên tịch 41/2010 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với một số ngành và cơ quan chức năng và đúng theo quy trình Phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, khi đối tượng tái hòa nhập cộng đồng có nguy cơ tái nghiện rất cao, là do:

+ Các ngành, đoàn thể cấp xã chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người nghiện ma túy, sau cai nghiện tại nơi cư trú của họ; chưa xây dựng cụ thể kế hoạch tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ, theo dõi giúp tìm việc làm cho đối tượng nên hiệu quả công tác hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú chưa cao; đồng thời, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không quy định công tác quản lý người sau cai nghiện ma túy. Từ đó, công tác hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện tại nơi cư trú thời gian qua còn nhiều bất cập.

+ Sự phối hợp của các ngành, các cấp có lúc thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên. Giải quyết vấn đề xã hội sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu việc làm; ngành nghề được dạy chưa thật phù hợp với nhu cầu thực tế của từng đối tượng, nên khi về địa phương không có việc làm ổn định…, dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao.

- Về giải pháp trong thời gian tới:

+ Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng của số người nghiện mới; hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng; triển khai đồng bộ các hình thức, biện pháp cai nghiện, chú trọng tổ chức, củng cố lại công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy, hạn chế cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở.

+ Nâng cao nhận thức, đổi mới biện pháp điều trị nghiện, tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện. Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện; duy trì định kỳ tổ chức tập huấn, cử cán bộ tham dự tập huấn chuyên sâu.

+ Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình “Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng” đã được triển khai, gắn với các điểm điều trị nghiện bằng Methadone, tạo điều kiện cho người nghiện ma túy và gia đình của họ lựa chọn hình thức cai nghiện ma túy phù hợp; đồng thời, giúp người sau cai nghiện hạn chế tái nghiện.

+ Chỉ đạo chính quyền cấp xã tăng cường công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn; nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, lực lượng tình nguyện viên, đồng đẳng viên cấp xã trong việc vận động, thuyết phục, tư vấn dự phòng điều trị nghiện cho các đối tượng nghiện.

+ Đẩy mạnh các giải pháp để duy trì công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (trong đó có điều trị bằng Methadone). Đồng thời, nâng tỷ lệ người sau cai nghiện tại nơi cư trú được giúp đỡ, hỗ trợ thông qua các dịch vụ xã hội để góp phần hạn chế tái nghiện.

1.11.3. Năm 2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh đã vận động được 12 tỷ đồng nhưng không sử dụng hết. Đề nghị ngành chức năng có kế hoạch sử dụng hiệu quả, đảm bảo giá trị, ý nghĩa của quỹ và hỗ trợ kịp thời cho đối tượng chính sách.

Giải trình:

Hằng năm, các sở, ngành tỉnh; các doanh nghiệp, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 12 tỷ đồng. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, mức đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của các cơ quan, doanh nghiệp về tỉnh là 10,82 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trên, các địa phương đã xây dựng 127 căn nhà tình nghĩa với số tiền 5,120 tỷ đồng và sửa chữa 118 căn với số tiền 2,360 tỷ đồng. Ngoài việc xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công, địa phương còn trích một phần kinh phí chi cho tu bổ nghĩa trang cấp xã, chi thăm hỏi, hỗ trợ người có công và thân nhân người có công khi ốm đau, hỗ trợ họ khi gặp khó khăn trong cuộc sống... Một số địa phương còn số ít kinh phí chưa chi sẽ kết dư vào năm sau, nhưng tất cả đều thực hiện thu và chi đúng theo quy định tại Điều 9, Nghị định 45/2006 của Chính phủ quy định việc sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

1.11.4. Đề nghị UBND tỉnh cho biết kết quả thực hiện và có sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định 3558 ngày 17-12-2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

Giải trình:

Tổng số hộ nghèo được phê duyệt theo Đề án hỗ trợ nhà ở của tỉnh là 4.563 hộ; tiến độ triển khai thực hiện hỗ trợ từng năm: Năm 2016 hỗ trợ 10% số đối tượng, năm 2017 hỗ trợ 20% số đối tượng, năm 2018 hỗ trợ 25% số đối tượng, năm 2019 hỗ trợ 25% số đối tượng, năm 2020 hỗ trợ 20% số đối tượng. Kết quả rà soát, thực hiện việc hỗ trợ, rà soát lại nhu cầu hỗ trợ nhà ở của các địa phương theo Công văn 1052/2019 UBND tỉnh như sau: Tổng số hộ đã được thực hiện hỗ trợ là 2.096/4.563 hộ, đạt tỷ lệ 45,93% (trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 966 hộ). Số hộ đề nghị đưa ra khỏi Đề án (do đã thoát nghèo, chết, bỏ địa phương, có điều kiện tự xây cất nhà ở…) là 1.620 hộ. Số hộ còn nhu cầu nhưng do khó khăn nên không nhận hỗ trợ là 281 hộ. Số hộ còn lại có nhu cầu hỗ trợ đến năm 2020 là 566 hộ.
Trên cơ sở kết quả rà soát nêu trên, để đảm bảo thực hiện hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh, UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

Tổng số hộ có nhu cầu được thực hiện hỗ trợ là 720 hộ; trong đó năm 2019 là 241 hộ, năm 2020 là 479 hộ. Kết quả, đến cuối năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ vay vốn cho 96 hộ, đạt 39% so với kế hoạch; trong 10 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ vay vốn cho 28 hộ, đạt 5,84%. Trong 5 năm (2016 - 2020), toàn tỉnh đã có 1.092 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, kinh phí 27,37 tỷ đồng. Như vậy, số hộ có nhu cầu hỗ trợ vay vốn chưa được hỗ trợ theo Quyết định 2836 của UBND tỉnh đến cuối năm 2020 theo kế hoạch còn 596 hộ.

(còn tiếp)

.
.
.