.

Đôi điều suy nghĩ về chuyện "trồng và phá"

Cập nhật: 13:53, 02/07/2022 (GMT+7)

(ABO) Em tôi đang tính phá thanh long để trồng cây khác. Vài năm trước một đứa em khác phá vườn trồng măng cụt đổi sang trồng sầu riêng. Xem ra chuyện phá cây này, trồng cây khác, dẹp chuồng này để xây chuồng nuôi con khác là chuyện bình thường không còn là chuyện lạ. Câu hỏi: “Trồng cây gì? Nuôi con gì?” lúc nào cũng là nỗi trăn trở của nhiều nông dân.

Tôi biết nhiều doanh nhân và họ thường nói: “Mỗi sáng thức dậy phải lo nghĩ đến chuyện làm sao kiếm được ít nhất vài chục triệu đồng trong ngày mới đủ để chi trả các khoản cần thiết”. Chuyện sản xuất mặt hàng gì? Dùng máy móc, con người như thế nào? Là chuyện phải lo nghĩ thường xuyên. Xem ra đã làm kinh tế, dù là công nghiệp hay nông nghiệp đều phải lo nghĩ đến chuyện thay đổi để thích ứng, làm sao với nguồn vốn trong tay (đất đai hay nhà xưởng đều có thể quy ra tiền) để "đẻ thêm", nếu thật sự muốn tồn tại và phát triển.

Chuyện khai thác đất đai của mình như thế nào cho hiệu quả trong từng thời kỳ, có nghĩa là câu hỏi: “Lúc này, trồng cây gì? Nuôi con gì?”, mãi luôn là vấn đề của nông dân. Vấn đề đặt ra là giải bài toán kinh tế, tài chính như thế nào; huy động vốn, thời gian thu hồi vốn, doanh thu, lãi suất, khấu hao, tích lũy, tái sản xuất… là những vấn đề phải tính toán khi làm kinh tế dù là công nghiệp, nông nghiệp hay thương mại, dịch vụ. Chưa tính đến nguồn nhân lực cần thiết, chiến lược liên kết, liên doanh… Chỉ có thay đổi tư duy từ sản xuất đơn thuần sang tư duy làm kinh tế, mới thích ứng với điều kiện kinh tế xã hội luôn thay đổi, mới có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Vì thế, chuyện nuôi, trồng một loại từ thế hệ này qua thế hệ khác không còn nữa. Giống như sản xuất hàng hóa không thể chỉ có 1 loại không đổi. Mà dù cây, con hay mặt hàng nào đó đã trở thành thương hiệu truyền thống thì cũng cần phải cải tiến các khâu tiếp thị, thương mại, dịch vụ…. để đáp ứng nhu cầu của thị trường luôn biến động.

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT

 

.
.
.