.

Trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X về lĩnh vực tài nguyên môi trường

Cập nhật: 09:33, 15/08/2024 (GMT+7)

(ABO) Thực hiện đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang tại Văn bản 232/HĐND-TTDN ngày 9-7-2024 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trả lời các nội dung sau:

III. LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG

- Cử tri huyện Cái Bè đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng và bằng các hình thức phù hợp hơn (tờ rơi, pano, tuyên truyền cổ động trực quan...) để người dân kịp thời nắm bắt các quy định mới của Trung ương và tỉnh, trong đó có quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Do hiện nay xảy ra nhiều trường hợp người dân xây dựng công trình nhà ở trên đất trồng cây lâu năm nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp (đất ở nông thôn) nên bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6-1-2022, khi thực hiện hồ sơ tách thửa, thừa kế hoặc đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai (hình thức tuyên truyền: Hội nghị triển khai và qua Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang (chuyên mục thời sự, pháp luật) website của Sở Tài nguyên và Môi trường .

Riêng năm 2024, khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2816/UBND-KT ngày 14-5-2024 “Về việc kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh”, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tổ chức 2 cuộc Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai cho cán bộ, công chức trên địa bàn huyện Tân Phước (vào ngày 23-5-2024) và huyện Chợ Gạo (vào ngày 20-6-2024), các nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với quản lý đất công và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai được quy định trong Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6-1-2022.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo UBND huyện và cán bộ, công chức phụ trách công tác xử phạt vi phạm hành chính các cơ quan Công an huyện; Văn phòng HĐND&UBND huyện; Phòng Tư pháp; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện (dự và đưa tin). Cấp xã: Chủ tịch UBND; Trưởng Công an; Công chức Tư pháp - hộ tịch; công chức Địa chính - Xây dựng và Môi trường, với khoảng trên 100 đại biểu tham dự.

Ngoài ra, để công tác triển khai, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đi vào chiều sâu, đề nghị UBND các cấp (đặc biệt là UBND cấp huyện) tăng cường công tác triển khai, tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; đặc biệt là công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp am hiểu, thực hiện đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp xã phải thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai được quy định tại khoản 2 Điều 208 Luật Đất đai 2013.

Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Thời gian tới, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND Ngày 15-5-2024, “Tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai ở cấp tỉnh.

Sau Hội nghị triển khai của tỉnh, UBND cấp huyện tiếp tục tổ chức triển khai trên địa bàn cấp huyện và  cấp xã  tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân thông suốt và thực hiện.

- Cử tri xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), phản ánh xung quanh xã đều tiếp giáp với sông (sông Tiền và sông Năm Thôn) nên hàng năm người dân cần nâng cấp đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái. Tuy nhiên hiện nay theo quy định thì người dân không được tự ý lấy đất cặp sông để gia cố đê bao.

Từ đó làm cho người dân rất khó khăn trong việc gia cố, nâng cấp các tuyến đê bao để ứng phó với triều cường hàng năm. Đề nghị ngành chức năng xem xét hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn xã được phép thuê phương tiện gia cố đê bao bảo vệ tài sản của mình.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản thì “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.”.

Như vậy đất, đất pha sét được lấy cặp sông đều là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (khi đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản). (Theo công văn số 3706/ĐCKS-CSPC ngày 28-12-2018 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam)

Theo Khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản quy định các trường hợp không phải làm thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản gồm: (1) Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho công trình đó thì không phải làm thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mà chỉ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh; (2) Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.

Do vậy, trường hợp lấy đất cặp sông để gia cố đê bao không thuộc trường hợp áp dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản mà phải áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 59 hoặc khoản 1 Điều 65 Luật Khoáng sản và phải được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

- Cử tri xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), phản ánh Tổ hợp tác cung cấp nước sinh hoạt đã xin giấy phép lấp giếng (do giếng bị nhiễm Asen) và tiến hành lấp giếng nhưng cơ quan chức năng không gửi giấy phép về tổ hợp tác. Sau một thời gian giếng này lại được cấp giấy gia hạn hoạt động. Đề nghị ngành chức năng cho biết nguyên nhân giấy phép hoạt đông được gia hạn trong khi đã xin phép lấp.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Theo nội dung phản ánh của cử tri xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) thì chưa đủ thông tin để có thể xác định cụ thể tên đơn vị cấp nước được phản ánh. Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát trên địa bàn xã Tam Bình, huyện Cai Lậy hiện có 2 đơn vị khai thác, sử dụng nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân theo mô hình tổ hợp tác, gồm: Tổ hợp tác cung cấp nước sinh hoạt  ấp Bình Hòa A và Tổ hợp tác nước sinh hoạt nông thôn ấp Bình Thanh.

Trong đó, chỉ có Tổ hợp tác nước sinh hoạt nông thôn ấp Bình Thanh (do ông Lê Văn Mỹ làm tổ trưởng) có liên quan đến hoạt động trám lấp giếng.

Cụ thể:  Tổ hợp tác nước sinh hoạt nông thôn ấp Bình Thanh trước đây quản lý, khai thác 7 giếng khoan đã được cấp giấy phép khai thác theo quy định; tuy nhiên ngày 17-7-2023, Tổ hợp tác có thực hiện trám lấp giếng khoan GK7 theo quy định (giếng đặt trên phần đất của ông Trần Văn Sáu, tọa lạc tại ấp Bình Thanh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, trước đây được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất số 154/GP-UBND ngày 26-7-2021), lý do: giếng khoan bị sự cố hư hỏng, không khai thác được (quá trình trám lấp giếng có sự giám sát của đại diện UBND xã Tam Bình và có lập biên bản trám lấp giữa các bên tham gia).

Hiện nay, Tổ hợp tác nước sinh hoạt nông thôn ấp Bình Thanh còn quản lý 6 giếng khoan và đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đúng theo quy định. Quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước để tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép tài nguyên nước đều được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực địa tại từng giếng khoan.

Sở Tài nguyên và Môi trường xác định không có trường hợp tham mưu cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác cho giếng khoan khi giếng đã trám lấp như nội dung phản ánh của cử tri xã Tam Bình.

Ngoài ra theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, không có quy định về việc cấp “giấy phép lấp giếng” như nội dung phản ánh của cử tri xã Tam Bình.

- Cử tri phường 2 và phường Tân Long (thành phố Mỹ Tho), phản ánh Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco (trụ sở tại phường 2) hoạt động gây mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sinh sống khu vực xung quanh; nội dung này người dân trên địa bàn đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh đến Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng công ty chưa khắc phục. Đề nghị ngành chức năng tỉnh kiểm tra để chấn chỉnh.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Nhà máy sản xuất thuốc tân dược (công suất 50 tấn sản phẩm/năm) của Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco; địa chỉ: số 15, đường Đốc Binh Kiều, phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép môi trường số 247/GPMT-UBND ngày 13-9-2023; theo nội dung Giấy phép môi trường được cấp, công ty có 2 nguồn phát sinh khí thải và có 2 hệ thống xử lý khí thải với tổng công suất theo thiết kế 6.500 m3/giờ.

Qua rà soát, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được phản ánh của cư tri về việc gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động Nhà máy sản xuất thuốc tân dược (công suất 50 tấn sản phẩm/năm) của Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco.

Tuy nhiên, ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong tháng 7-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường của Nhà máy sản xuất thuốc tân dược (công suất 50 tấn sản phẩm/năm) của Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco theo Giấy phép môi trường được cấp. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định.

- Cử tri xã Song Bình và Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo), phản ánh rác thải sinh hoạt người dân được yêu cầu phân loại rác, tuy nhiên được biết tại bãi tập kết rác cuối cùng của tỉnh chưa được phân loại để xử lý và tái chế. Đề nghị ngành chức năng, nơi tập kết rác cuối cùng của tỉnh thực hiện phân loại rác để xử lý và tái chế theo quy định.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND tỉnh đã ban hành hành Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 3-3-2023 về việc ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; đồng thời ban hành Kế hoạch số 544/KH-UBND ngày 29-12-2023 triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Mục tiêu của Kế hoạch số 544/KH-UBND ngày 29-12-2023 của UBND tỉnh đảm bảo trong năm 2024, tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương…; đến năm 2025 và các năm tiếp theo đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định.

Bên cạnh đó, Kế hoạch số 544/KH-UBND cũng giao các địa phương phải kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã; đồng thời phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại, đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Kế hoạch số 544/KH-UBND cũng đã giao việc kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hiện tại các địa phương đã có có kế hoạch, văn bản triển khai và bước đầu tổ chức thực hiện các nội dung được giao theo Kế hoạch số 544/KH-UBND.

Hiện tỉnh đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác Tân Lập 1 (nhà máy xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh), khi Dự án đi vào vận hành sẽ đảm bảo xử lý các loại rác thải sinh hoạt sau khi được phân loại theo quy định.

- Cử tri huyện Tân Phú Đông đề nghị ngành chức năng sớm có giải pháp tổ chức đo đạc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp cấp sai thửa.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Căn cứ Kế hoạch hành động số 46/KH-UBND ngày 17-2-2023 của UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU ngày 28-10-2022 của Tỉnh ủy Tiền Giang thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (trong đó “- Thực hiện Dự án Đo đạc lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu huyện Tân Phước, Châu Thành, Tân Phú Đông”).

Từ cơ sở trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập Báo cáo số 2877/BC-STNMT ngày 21-6-2024 đề xuất chủ trương đầu tư dự án: Đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang (dự án).

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường có Tờ trình số 2917/TTr-STNMT ngày 24-6-2024 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình thẩm định Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Dự án, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến của các sở, ngành có liên quan khi được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai các thủ tục để đo đạc bản đồ địa chính huyện Tân Phú Đông theo quy định.

(còn tiếp)

 

.
.
.