.

Tiền Giang: Tập trung chuyển đổi số ngành Công thương

Cập nhật: 09:03, 25/07/2022 (GMT+7)

Chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo đánh giá của Sở Công thương Tiền Giang, những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên...

Những điều này giúp hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số không chỉ có ý nghĩa tại các doanh nghiệp, mà còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như Chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...

Thanh toán không dùng tiền mặt, một trong những hướng đi quan trọng của ngành Công thương.
Thanh toán không dùng tiền mặt, một trong những hướng đi quan trọng của ngành Công thương.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, Sở Công thương Tiền Giang đã tích cực thực hiện các hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành, nhằm góp phần vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Thực hiện Kế hoạch 370 ngày 8-12-2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công thương Tiền Giang đã xây dựng Kế hoạch 04 ngày 4-1-2022 về chuyển đổi số của Sở Công thương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của ngành Công thương thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số tạo môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở Công thương Tiền Giang đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và điều hành, góp phần xây dựng chính quyền điện tử; từ chuyển đổi số trong hoạt động hành chính của cơ quan, như: Khai thác và sử dụng phần mềm Văn phòng điện tử, triển khai thực hiện số hóa và lưu trữ, lập hồ sơ điện tử, chuyển đổi số trong xây dựng kế hoạch, báo cáo, kiểm tra… đến chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, như: Lĩnh vực thương mại, lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực năng lượng.

Kinh tế số?

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, dữ liệu số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng CNTT làm không gian hoạt động chính; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động.

Đặc trưng kinh tế số là sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính; sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính; sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Kinh tế số gồm 3 cấu phần, lần lượt là kinh tế số ICT, kinh tế số Internet/nền tảng và kinh tế số ngành/lĩnh vực. Kinh tế số ICT là lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - CNTT, hay còn gọi là ICT, gồm các hoạt động như: Sản xuất sản phẩm điện tử, sản xuất phần cứng, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số, cung cấp dịch vụ CNTT và cung cấp dịch vụ viễn thông. Kinh tế số Internet/nền tảng gồm các hoạt động kinh tế dựa trên mạng Internet như kinh doanh bằng nền tảng số (ví dụ Be, Uber, Grab, Airbnb), kinh doanh dựa trên dữ liệu số, kinh doanh các dịch vụ số trực tuyến và các hình thức kinh doanh dựa trên mạng Internet khác.

Kinh tế số ngành/lĩnh vực là các hoạt động kinh tế dựa trên việc áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tạo giá trị kinh tế mới, tăng thêm, gồm các hoạt động như quản trị điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh hay du lịch thông minh…

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện Quyết định 1968 ngày 22-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030 và Công văn 8425 ngày 28-12-2021 của Bộ Công thương về việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030, Sở Công thương Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động 109 ngày 31-3-2022 thực hiện Quyết định 1968 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2022 và Kế hoạch khung giai đoạn 2022 - 2025.

Kế hoạch đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2022 và Kế hoạch khung giai đoạn 2022 - 2025, riêng năm 2022 sẽ tập trung tổ chức đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, nhằm kết nối hiệu quả với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; tham gia có hiệu quả vào Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Đồng thời, ngành Công thương tham gia xây dựng các tiêu chí của Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại do Bộ Công thương chủ trì thực hiện; xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số và phát triển kinh doanh số. Riêng Kế hoạch khung giai đoạn 2022 - 2025 có các nội dung như tham gia có hiệu quả Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; hoàn thiện cơ chế, chính sách ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại…

Đối với hoạt động thương mại điện tử, Sở Công thương Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 3595 ngày 2-10-2009 ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Tiền Giang đến năm 2015; Kế hoạch 298 ngày 2-10-2009 ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Tiền Giang đến năm 2015; Kế hoạch 309 ngày 10-11-2020 về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, hằng năm, Sở Công thương Tiền Giang đã đăng ký và thực hiện các đề án, như: Đề án Đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tỉnh Tiền Giang; Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang tham gia sàn giao dịch điện tử quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; Đề án Giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xúc tiến thương mại điện tử; Đề án Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Tiền Giang; Đề án Ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối tiêu thụ và chế biến trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang; Đề án Xây dựng phần mềm chuỗi phân phối trực truyến hàng nông sản tỉnh Tiền Giang…

Thông qua thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có những bước phát triển, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tiếp cận được các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

NHÓM PVKT

.
.
.