Thứ Sáu, 26/08/2022, 10:18 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ ĐẬM:

Chuyển đổi số mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng

Đánh giá tổng thể về xu hướng chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng hiện nay cũng như việc triển khai thực hiện của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết:

Chuyển đổi số đã và đang trở thành là xu thế tất yếu phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số cũng là một trong những trọng tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm.

Thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, NHNN Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của NHNN Việt Nam triển khai Quyết định 06 ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, an toàn, tiện lợi (ứng dụng Tokenization, thanh toán di động, sử dụng mã QR code, định danh điện tử eKYC...) trong hoạt động thanh toán. Cả nước hiện có 82 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua Internet và 51 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua Mobile, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.

Chưa kể, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số cũng không ngừng được hoàn thiện, kết nối liên thông tất cả các ngân hàng, các trung gian thanh toán; kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối liền mạch hệ sinh thái…

Tính đến nay, 68% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản; hơn 1,77 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...; các giao dịch của khách hàng trên kênh số đạt trên 90%; 100% nghiệp vụ thanh toán được số hóa… góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. NHNN Việt Nam cũng đã lựa chọn ngày 11-5 là Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

* Phóng viên (PV): Việc triển khai chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay và đâu là lĩnh vực được xem là ưu tiên?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Thực hiện chủ trương chung, NHNN Chi nhánh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 57 về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện chủ trương của NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Tiền Giang, NHNN Chi nhánh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và mục tiêu cơ bản đến năm 2030.

Ngành Ngân hàng đang tập trung thực hiện chuyển đổi số.
Ngành Ngân hàng đang tập trung thực hiện chuyển đổi số.

Đồng thời, NHNN Chi nhánh Tiền Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi nhất và xem đây như là lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh Tiền Giang còn chỉ đạo các NHTM kiến nghị, phối hợp với Hội sở triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dịch vụ; đẩy mạnh thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội...

Nhìn chung, hoạt động chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tại các ngân hàng trên địa bàn Tiền Giang diễn ra khá sôi động. Các hoạt động ngân hàng “không tiếp xúc” trở nên phổ biến hơn và dần trở thành thói quen trong xã hội.

Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp các ngân hàng tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì ổn định trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đảm bảo các giao dịch hoạt động thông suốt và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

* PV: Đâu là thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Một trong những thuận lợi là được sự quan tâm chỉ đạo của NHNN Việt Nam, của UBND tỉnh, sự ủng hộ của các cấp, chính quyền địa phương về công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt; sự tích cực vào cuộc của các chi nhánh NHTM.

Chưa kể, nhờ các đơn vị cung ứng dịch vụ công như: Thuế, hải quan, công ty điện lực, công ty cấp nước đã thực hiện ngưng thu dịch vụ bằng tiền mặt từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc tư vấn khách hàng thanh toán qua ngân hàng. Việc đẩy mạnh thanh toán điện tử qua dịch vụ công được phát triển nhanh, đa dạng hóa với nhiều sản phẩm, có nhiều kênh thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai tại ngân hàng.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Các quy định pháp lý về giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng; định danh và xác thực điện tử… cần được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu trong từng ngành, lĩnh vực cần được nâng cấp nhằm tạo thuận lợi cho việc tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin để mở rộng hệ sinh thái số và phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số. Ngoài ra, nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số, rủi ro và cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 và nhân lực có kiến thức, kỹ năng thích ứng còn hạn chế.

Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dưới hình thức giao dịch điện tử là những dịch vụ ngân hàng hiện đại, đòi hỏi khách hàng phải am hiểu công nghệ và được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như điện thoại thông minh, máy vi tính kết nối Internet... và các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi gây khó khăn cho các khách hàng mới dùng dịch vụ nên việc triển khai các sản phẩm dịch vụ này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối tượng khách hàng lớn tuổi và sống tại vùng nông thôn…

* PV: Một số giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh Tiền Giang sẽ tiếp tục chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tham mưu, thông tin kịp thời để triển khai nhiệm vụ, thực hiện những giải pháp cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số; đồng thời, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần hạn chế, tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen”; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay an toàn, hiệu quả và tăng cường quản lý; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số và thực hiện tốt công tác thông tin báo cáo theo yêu cầu của NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh.

Đồng thời, ngành Ngân hàng sẽ kiến nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet có nhiều chính sách để người dân tiếp cận được các dịch vụ Internet một cách dễ dàng, chi phí thấp và an toàn để tạo thuận lợi khi sử dụng các dịch vụ và phương tiện thanh toán của ngân hàng.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Trong thời gian qua, việc trả lương qua tài khoản cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao (hơn 97%) với 1.187/1.214 đơn vị thực hiện. Dịch vụ rút tiền tự động bằng ATM trên địa bàn luôn được quan tâm củng cố, với 263 máy ATM, 958 máy POS, đảm bảo giao dịch được thông suốt, an toàn.

Hiện có 20 NHTM triển khai thanh toán qua Internet Banking, 19 ngân hàng triển khai thanh toán qua Mobile Banking, 17 ngân hàng triển khai mở tài khoản điện tử eKYC và nhiều ngân hàng đẩy mạnh thanh toán bằng mã QR code.

Về thanh toán qua ngân hàng, các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội trên địa bàn đạt kết quả tích cực, đến cuối năm 2021 đạt tổng số món là 1.670.661, tăng hơn 87% so với cùng kỳ, trong đó: Thanh toán tiền điện chiếm hơn 44%, an sinh xã hội chiếm hơn 21%, nộp thuế chiếm hơn 18%, tiền nước chiếm hơn 8%...

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.