.
"CHÌA KHÓA" VẬN HÀNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

BÀI 2: Tăng tốc cải cách hành chính

Cập nhật: 11:01, 05/10/2022 (GMT+7)

Bài 1: Nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI

Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 của tỉnh Tiền Giang. Trong đó, Tiền Giang đã tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước; đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

100% thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; hệ thống thông tin “một cửa điện tử”, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia…

KHÔNG NGỪNG CẢI THIỆN

Sau nhiều nỗ lực, kết quả triển khai công tác CCHC của tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến, được thể hiện rõ qua các Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tiếp tục được duy trì, cải thiện.

Người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Một trong những điểm đáng chú ý là Chỉ số PCI năm 2021 của Tiền Giang đứng thứ 33/63 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Trung bình với 64.41 điểm; tăng 12 bậc và tăng 1,63 điểm so với năm 2020; trong đó có một số chỉ số thành phần đã được cải thiện mạnh mẽ so với năm trước như: Tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý… Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực của Tiền Giang trong việc tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành của các sở, ngành, địa phương.

Quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét về CCHC cũng được thể hiện qua các hội nghị của tỉnh về triển khai, nâng cao hiệu quả công tác CCHC năm 2022 tới tất cả các sở, ban, ngành, địa phương để quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác CCHC. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tìm giải pháp, đăng ký sáng kiến trong thực hiện CCHC.

Tăng tốc CCHC là bước đi quyết liệt nhằm hướng đến những mục tiêu mới trong chặng đường phát triển của Tiền Giang. Từ quyết tâm này, thời gian qua một số đơn vị đã có cách làm hay như thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh; thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo mô hình “Ngày thứ bảy tình nguyện” - không giấy hẹn, trả kết quả ngay…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số PAPI tỉnh Tiền Giang năm 2022; ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nâng cao Chỉ số CCHC, Quyết định thành lập các Tổ kiểm tra việc nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch Tổ chức gặp gỡ nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về các nội dung liên quan Chỉ số PAPI giai đoạn 2022 - 2025…

Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC của các sở, ngành. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức và chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc, TTHC.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ

Nằm trong định hướng chung, năm 2022 và các năm tiếp theo, Tiền Giang tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng CCHC, tập trung cải thiện Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Theo đó, trong 9 tháng năm 2022, UBND tỉnh ban hành 29 quyết định để công bố danh mục 827 TTHC, trong đó công bố 407 TTHC theo quy định mới và bãi bỏ 420 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã; đồng thời, cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia, nâng tổng số TTHC của tỉnh hiện có là 1.852 TTHC (cấp tỉnh 1536, cấp huyện 226, cấp xã 90).

 

Tất cả TTHC sau khi được công bố đều được các cơ quan, đơn vị công khai theo đúng quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp nhận 9 phản ánh, kiến nghị về hành vi hành chính, quy định, TTHC. Tất cả đều được xử lý và đăng tải công khai.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử được thực hiện đồng bộ đã nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, hạn chế hồ sơ trễ hẹn và rút ngắn thời gian thực hiện TTHC được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Từ đó, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tiếp nhận hồ sơ hành chính, các yêu cầu cơ bản đối với cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa đã được các đơn vị quan tâm và thực hiện theo quy định. Đánh giá về những thay đổi trong cải cách TTHC của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tám (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) cho biết, khi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nộp hồ sơ, được các cán bộ hướng dẫn rất chu đáo, không cần chen lấn, đợi chờ, đến ngày có kết quả thì không phải ra nhận mà được gửi về tới tận nhà nên đỡ rất nhiều công sức và thời gian.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chủ trương CCHC của Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả khảo sát thực tế mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp hằng năm cho thấy, trung bình trên 94% người dân đều hài lòng với thời gian giải quyết hồ sơ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, các đơn vị còn triển khai xây dựng kênh thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của người dân, doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo. Các tiện ích trực tuyến như: Bưu chính công ích trực tuyến, biên lai điện tử, tin nhắn SMS, email thông báo tự động, mã QR đều phát huy hiệu quả.

Theo định hướng chung, trong thời gian tới UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung chú trọng vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC; đồng thời, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tinh thần sáng tạo, năng động của cán bộ, công chức trẻ, nhiệt tình, được đào tạo bài bản trong công tác CCHC; cải thiện chất lượng thực hiện, giải quyết TTHC giữa cơ quan nhà nước với công dân, giữa các cơ quan, đơn vị với nhau, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Trong thời gian tới, nhất là trong những tháng còn lại của năm 2022, Tiền Giang tập trung thực hiện kế hoạch kiểm tra việc nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh; công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh năm 2022; tăng cường tuyên truyền công tác CCHC và xây dựng Chính quyền số; thẩm định, công bố Chỉ số CCHC của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện năm 2022; báo cáo kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2022 và ban hành Kế hoạch CCHC năm 2023.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ về Chuyển đổi số tại Kế hoạch 370 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 217 của UBND tỉnh về phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Tiền Giang năm 2022 và Kế hoạch 245 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang về hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin của tỉnh với hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu Quốc gia theo quy định; tập trung công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thanh toán trực tuyến; hóa đơn điện tử; dịch vụ bưu chính công ích trong gửi, nhận kết quả giải quyết hồ sơ TTHC.

 

LÊ PHƯƠNG - A.P

(Còn tiếp)



 

.
.
.