.

Tiền Giang tăng tốc thực hiện Đề án 06

Cập nhật: 09:25, 28/08/2023 (GMT+7)

Thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), Tiền Giang đã và đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với 25 thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư.

NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an các cấp đã thống kê, cung cấp số nhân khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước để phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD và đang nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID.
Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD và đang nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID.

Tính đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ghi nhận trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 485.561 hộ với trên 2,062 triệu nhân khẩu đăng ký thường trú và 17.378 hộ với 35.151 nhân khẩu đăng ký tạm trú. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân (CCCD) với trên 1,724 triệu hồ sơ cấp mới, đạt 100,02%.

Tỉnh Tiền Giang đã tích hợp 1.305 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã hoàn thành chức năng kho dữ liệu dùng chung nhằm hỗ trợ cơ quan hành chính nhà nước lưu trữ dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và hình thành kho dữ liệu điện tử, kết quả giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, ngành Y tế có 213/213 cơ sở áp dụng dùng thẻ CCCD khám, chữa bệnh thay thẻ Bảo hiểm y tế, trong 6 tháng có 283.399 công dân dùng thẻ CCCD khám, chữa bệnh thay thẻ Bảo hiểm y tế; ngành Giáo dục và Đào tạo có 421/511 đơn vị áp dụng thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt…

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai cao điểm 60 ngày, đêm tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID (từ ngày 20-8 đến hết ngày 18-10); số hóa kết quả giải quyết TTHC, nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến năm 2023 (từ ngày 1-9 đến hết ngày 30-10) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Một trong những mục tiêu đề ra là tỷ lệ cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử phấn đấu 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh cài đặt, đăng ký, kích hoạt ứng dụng VNeID. Đảm bảo tối thiểu toàn tỉnh đạt 903.203 tài khoản định danh điện tử VNeID kích hoạt thành công.

Việc triển khai thực hiện Đề án 06 đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hóa TTHC, sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và sự hợp tác, chia sẻ, tham gia của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Song song đó, Cổng Dịch vụ công tỉnh kết nối chính thức hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ giải quyết TTHC theo đúng lộ trình đề ra. Tiền Giang đã triển khai kết nối 2 nhóm dịch vụ công liên thông trong giải quyết TTHC của Đề án 06. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tập trung hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an TP. Mỹ Tho đã tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 21.357 hồ sơ, đến nay một số thủ tục đạt tỷ lệ cao như Thông báo lưu trú đạt 100%; lĩnh vực cấp, quản lý CCCD và đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy duy trì trên 90%; thu tiền phạt nguội duy trì trên 75%... Đồng thời, các thủ tục thiết yếu như đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn luôn giữ vững trên 90%.

Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Nguyễn Quang Thành cho biết, UBND TP. Mỹ Tho đã đề nghị Công an TP. Mỹ Tho phối hợp các phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND phường, xã tăng cường triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để tập trung phục vụ phát triển công dân số và đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Các ngành: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế hiện cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu chuyên ngành phục vụ bổ sung, làm giàu kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Ngành Bảo hiểm xã hội thường xuyên trích lọc dữ liệu quản lý, cập nhật số định danh cá nhân, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã cập nhật trên 1,484 triệu trong gần 1,551 triệu số định danh cá nhân trên dữ liệu quản lý, đạt 96%, trong đó đã xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên 1,484 triệu trường hợp, chưa xác thực 66.036 trường hợp do sai thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký thường trú.

GỠ KHÓ, TẠO ĐỘT PHÁ

Tuy nhiên, hiện nay, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn trong việc triển khai cấp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn. Tỷ lệ công dân đăng ký, kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử VNeID chưa đạt chỉ tiêu Bộ Công an giao (đến ngày 19-8, tỷ lệ đăng ký hơn 582.800 tài khoản, đạt 64,53%; kích hoạt 263.330 tài khoản, đạt 29,16% so với 903.203 tài khoản định danh điện tử theo chỉ tiêu giao).

Đến ngày 19-8, huyện Châu Thành đã cấp 48.958 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt được 21.709/125.674 hồ sơ, đạt 17,27% trên tổng số chỉ tiêu được giao. Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, hiện nay, thiết bị phục vụ công tác cấp tài khoản định danh điện tử của huyện còn hạn chế, chỉ với 3 bộ máy tính được trang bị cho 3 tổ cấp CCCD và định danh điện tử.

Đồng thời, lực lượng thực hiện nhiệm vụ trong các Tổ cấp CCCD và định danh điện tử còn ít và thường xuyên thay đổi, chủ yếu là lực lượng trưng dụng từ các lực lượng Công an cơ sở. Mặt khác, một bộ phận người già và trẻ em chưa có số điện thoại nên việc vận động người dân đi đăng ký định danh điện tử VNeID còn hạn chế. Ngoài ra, một số người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký tài khoản định danh điện tử để tích hợp những thông tin cần thiết trong việc giao dịch các lĩnh vực khi có yêu cầu.

Đề án 06 có nhiều nội dung mới, trong khi khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là vùng nông thôn, do đó kết quả tiếp nhận các loại hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn ít. Việc đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên các thiết bị di động, máy tính còn nhiều thao tác dẫn đến tâm lý e ngại, nhiều người dân không hợp tác hoặc hợp tác với thái độ không hài lòng. Người dân vẫn có thói quen thực hiện các TTHC trực tiếp tại trụ sở cơ quan.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 theo kế hoạch đề ra, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha cho rằng, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền với các hình thức phong phú, đa dạng, trọng tâm là trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung của Đề án 06, nhất là những tiện ích mang lại và kết quả thực hiện của các cấp, các ngành; phương pháp tuyên truyền đối với từng nội dung phải cụ thể, gần gũi nhằm giúp cho người dân dễ tiếp cận.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng đề nghị, trong những tháng cuối năm, phải quyết tâm làm tốt hơn và năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022. Đồng chí đề nghị mỗi cấp, mỗi ngành phải xác định chuyển đổi số, cải cách hành chính, triển khai thực hiện Đề án 06 là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước; cần được tập trung đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của tỉnh.

Đồng thời, phát huy mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để việc triển khai thực hiện chuyển đổi số và cải cách hành chính đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp gắn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

“Người đứng đầu các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bám sát cơ sở trong việc tổ chức thực hiện Đề án 06, Chính quyền số và cải cách hành chính; phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận Một cửa, nhất là cấp huyện và cấp xã phục vụ được nhu cầu của công việc; đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp đề ra được thực hiện đồng bộ, thống nhất và thông suốt.

Đặt biệt, phải quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện cải cách hành chính, triển khai thực hiện Đề án 06; phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nỗ lực hơn nữa, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện - đồng chí Trần Văn Dũng nhấn mạnh.

HÀ NAM - LÊ MINH

.
.
.