Các nền tảng mạng xã hội 'hút' 50% nguồn thu của báo chí
Doanh thu truyền thông đạt gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, trong số này, có đến 50% giá trị quảng cáo “chảy” vào các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội. Đây là lý do khiến cơ quan truyền thông trong nước mất nguồn thu.
Phát triển nền tảng riêng của quốc gia để kiểm soát dữ liệu, khai thác lợi ích
Chia sẻ tại Hội thảo ASEAN chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số diễn ra ngày 21/9, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 800 cơ quan thông tấn và gần 1 triệu bài báo được đăng lên hằng ngày, điều này thể hiện sự phong phú, đa dạng, kho dữ liệu thông tin khổng lồ.
Doanh thu trong lĩnh vực truyền thông đạt gần 4 tỷ USD, thể hiện tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra các giá trị kinh tế. Tuy nhiên, có đến 50% giá trị quảng cáo đang “chảy” vào các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội và các dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập. Đó là lý do vì sao các cơ quan thông tấn và truyền thông trong nước đang mất nguồn thu này.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) chia sẻ tại hội thảo. |
Từ đó, ông Phúc cho hay, cần xây dựng các nền tảng trong nước để dữ liệu có thể được kiểm soát và sử dụng. Đây là giải pháp nhằm khai thác lợi ích của dữ liệu và xây dựng nền tri thức.
Cục trưởng Cục Báo chí chia sẻ, chuyển đổi số báo chí nói riêng và phát triển nền tảng chung Việt Nam đang được đẩy mạnh. Ông dẫn chứng, trên nền tảng phát sóng kĩ thuật số tốc độ cao của VTVgo, mọi người không chỉ tìm thấy các kênh truyền hình quốc gia mà còn tìm thấy các kênh truyền hình địa phương. Đài tiếng nói Việt Nam đang phát triển một nền tảng phát hành toàn quốc. Báo Nhân dân đang trong quá trình xây dựng nền tảng. Từ các nền tảng kĩ thuật số trong nước được xây dựng, sẽ góp phần thu hút được các nguồn quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới.
Ông Lưu Đình Phúc cho biết thêm, để thực hiện chuyển đổi số báo chí, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng công cụ đánh giá về tình hình phát triển báo chí. Từ đó, các cơ quan báo chí có thể thực hiện lộ trình chuyển đổi số, với những giải pháp phù hợp, thực hiện chiến lược trong tương lai.
Tại hội thảo, đã có nhiều đề xuất xoay quanh vấn đề chuyển đổi số báo chí. |
Ngoài ra, Việt Nam còn ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, bao gồm một bảng các chỉ số được nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí (Chiến lược; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; Độc giả, khán giả, thính giả; Mức độ ứng dụng công nghệ số) với tổng thang điểm 100. Hằng năm, Bộ TT&TT sẽ công bố kết quả về chuyển đổi số.
Đồng thời, ông Phúc cũng đưa ra đề xuất, ASEAN nên xây dựng bộ chỉ số chung về độ trưởng thành trong chuyển đổi số báo chí. Đây chỉ là tiêu chí để các cơ quan truyền thông hướng tới và được xếp hạng. Mỗi quốc gia thành viên của ASEAN nên có một công cụ riêng biệt để đo lường mức độ chuyển đổi số của mình…
Cần giải bài toán giảm sự phụ thuộc vào nền tảng thứ 3
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, câu chuyện chuyển đổi số của báo chí Việt Nam đang ở giai đoạn đầu và sẽ còn “hơi sớm” để so sánh với những nước trong khu vực, cũng như trên thế giới.
Thứ trưởng cho hay, chuyển đổi số báo chí là một con đường dài. Đây là câu chuyện sống còn của các cơ quan báo chí, đặc biệt là ý thức của những người đứng đầu các cơ quan báo chí.
“Tôi tin tưởng rằng các cơ quan báo chí truyền thông ở Việt Nam chắc chắn sẽ quyết tâm để cùng nhau giải quyết và thay đổi. Ví dụ như, chúng ta sẽ phải giải quyết bài toán làm thế nào để không quá phụ thuộc những công nghệ và những thuật toán phân phối nội dung của các nền tảng xuyên biên giới, vốn có rất nhiều ưu việt nhưng lại đang kiểm soát cuộc chơi.
Chúng ta phải có hệ sinh thái số riêng, phải có những giải pháp để đo đếm tính toán dữ liệu và kèm theo đó là những mô hình kinh doanh do chúng ta kiểm soát, để từ đó giảm sự phụ thuộc vào những nền tảng của bên thứ 3”, Thứ trưởng chia sẻ.
Chuyển đổi số báo chí là một con đường dài. |
Thứ trưởng nói thêm, để phục vụ được độc giả, khán thính giả của mình trên không gian số trong kỷ nguyên mới thì sẽ kéo theo rất nhiều những sự thay đổi về nhận thức, cách làm và cách tiếp cận. Để giải được bài toán này, các cơ quan truyền thông của Việt Nam sẽ phải tìm ra được một con đường đi riêng của mình.
“Tôi nghĩ thách thức lớn nhất với lãnh đạo các cơ quan báo chí đó là phải phân biệt được rạch ròi giữa những việc mà chúng ta nên tiếp tục làm, thậm chí là nên tiếp tục đầu tư vào. Chúng ta có thể cắt bỏ những công đoạn, công việc cũng như những đầu tư chi phí thực sự không cần thiết và ngược lại, chú trọng nhiều hơn đến thế mạnh của công nghệ…”, Thứ trưởng nói thêm.
Theo VietNamNet