Thứ Hai, 11/12/2023, 10:35 (GMT+7)
.

Huyện Cái Bè đẩy mạnh chuyển đổi số vào cải cách hành chính

Để công tác chuyển đổi số và thực hiện dịch vụ công theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Tiền Giang, huyện Cái Bè đã ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch về chuyển đổi số huyện Cái Bè giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ

Huyện Cái Bè phối hợp với Viettel Tiền Giang triển khai xã điểm về chuyển đổi số toàn diện tại xã Hậu Mỹ Bắc A.
Huyện Cái Bè phối hợp với Viettel Tiền Giang triển khai xã điểm về chuyển đổi số toàn diện tại xã Hậu Mỹ Bắc A.

Hằng năm, huyện Cái Bè có kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn, đặc biệt là thực hiện chính quyền số và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Đến nay, huyện đã từng bước đầu tư nâng cấp hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin làm tiền đề xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; đảm bảo cho các ứng dụng như Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, một cửa điện tử, hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết… được vận hành an toàn, thông suốt.

Đến nay, 100% đơn vị triển khai sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành có ứng dụng chữ ký số để quản lý, trao đổi văn bản đi - đến giữa các cơ quan, đơn vị giúp cho công tác chỉ đạo điều hành được thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.

Ứng dụng phần mềm Dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ đến 100% các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn; đã tích hợp kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu.

Đến nay, huyện Cái Bè đã triển khai cung cấp 324 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử. Trong đó, có 155 dịch vụ công trực tuyến toàn phần và 169 dịch vụ công một phần trực tuyến.

Đến ngày 30-11, huyện Cái Bè đã tiếp nhận 49.314 hồ sơ trực tuyến, đã giải quyết 48.697 hồ sơ (đạt trên 98%); trong đó, giải quyết đúng và trước hạn 47.937 hồ sơ (đạt trên 98%), có 20.332 hồ sơ trực tuyến toàn phần và một phần (đạt 41,75%)...

Một số ngành, lĩnh vực được huyện ưu tiên chuyển đổi số trước. Cụ thể, huyện Cái Bè đã triển khai lắp đặt 9 cụm điểm truy cập Internet miễn phí tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng trên địa bàn huyện hỗ trợ du khách khi tham gia kết nối với hệ thống này sẽ điều hướng du khách biết đến các điểm, khu du lịch trên địa bàn huyện.

Đồng thời, lắp đặt 5 cụm camera quan sát thông minh tại các cửa ngõ vào huyện. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức scan, chỉnh lý các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai để lưu trữ và tái sử dụng lâu dài, đã tiếp nhận, xử lý qua dịch vụ công 566 hồ sơ và thực hiện số hóa hồ sơ đạt 100%.

Đồng thời, ngành Tư pháp thực hiện công tác số hóa sổ hộ tịch theo các giai đoạn, với kết quả số hóa số hộ tịch được 3.014/3.621 quyển, 346.567/388.790 trường hợp, đạt trên 89% và phấn đấu giai đoạn đầu đến năm 2024 hoàn thành công tác số hóa số hộ tịch.

Huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, trước tiên là đối với cán bộ, công chức, viên chức; cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân triển khai các giải pháp thanh toán trực tuyến trong xã hội, với hơn 225 hồ sơ thanh toán trực tuyến được thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha cho biết, một trong những điểm nổi bật trong công tác cải cách hành chính là triển khai 2 thủ tục liên thông như: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.

Bên cạnh đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai phần mềm Quản lý người có công, phần mềm Quản lý hộ nghèo, phần mềm Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội, phần mềm Quản lý trẻ em, phần mềm Quản lý cai nghiện ma túy từ huyện đến các xã, thị trấn.

Ngoài ra, trên lĩnh vực nông nghiệp, người dân ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái trong canh tác, dần thay thế sức lao động của con người, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp.

HẠN CHẾ VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY

Thời gian qua, chuyển đổi số đã tạo sự chuyển biến đáng kể về phương pháp, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cái Bè.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể là việc ứng dụng chữ ký số cá nhân trong phát hành văn bản điện tử, ký hồ sơ điện tử ở một số cơ quan, đơn vị; quá trình kết nối dùng chung dữ liệu giữa phần mềm của địa phương với phần mềm chuyên ngành còn hạn chế do phụ thuộc các dự án của sở, ngành tỉnh; trình độ và điều kiện tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến đối với người dân còn hạn chế do đó tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp so với yêu cầu.

Đồng chí Nguyễn Văn Nha cho biết, bên cạnh những hạn chế trên, việc thúc đẩy chi trả các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt gặp không ít khó khăn do đa số đối tượng già yếu, bệnh tật không có tài khoản thẻ ATM, quen với phương thức chi trả bằng tiền mặt.

Mặt khác, toàn huyện hiện chỉ có 5/25 xã có máy ATM, người dân nhiều xã không có máy ATM phải đi đến địa điểm rút tiền rất xa nên nhiều đối tượng chưa đồng ý mở tài khoản chi trả. Hiện nay, tỷ lệ đăng ký và kích hoạt định danh điện tử trên địa bàn huyện còn thấp.

Tỷ lệ hồ sơ đăng ký dịch vụ công chưa đảm bảo chỉ tiêu. Đa số người dân đến giải quyết thủ tục hành chính chủ yếu là lao động nông thôn, lớn tuổi, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn thấp; ít sử dụng điện thoại thông minh, điện thoại không có kết nối Internet, quy trình đăng nhập, đăng ký hồ sơ trên Cổng dịch vụ công phức tạp đối với người dân; một số người dân đã tạo được tài khoản dịch vụ công nhưng thao tác chưa thành thạo, chủ yếu cán bộ làm thay…

Từ đó dẫn đến việc, mặc dù địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ quan, ban, ngành và người dân để hiểu rõ về những tiện ích mà dịch vụ công mang lại, nhưng số lượng hồ sơ đăng ký qua Cổng dịch vụ công chưa cao.

Để phát huy hiệu quả đạt được trong thời gian tới, đồng thời khắc phục những hạn chế trên, đồng chí Nguyễn Văn Nha cho biết, thời gian tới, Công an huyện phối hợp với các cấp, các ngành trên địa bàn tiếp tục cài đặt VNeID và định danh điện tử mức 2, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số.

Đặc biệt là tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đến người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, mức độ sử dụng, lệ phí, phí, thời hạn giải quyết, hồ sơ thủ tục, nhằm giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện thấy được lợi ích, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến mang lại, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, đổi mới phương thức làm việc, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường số, giới thiệu công khai các địa chỉ, điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính, quy định hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số từng bước hình thành công dân số.

Cùng với đó là tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ công chức, viên chức và Tổ công nghệ số cộng đồng; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thông qua tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên; tiếp tục triển khai ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Tổng đài 1022, TienGiangS; tuyên truyền các mô hình mới, cách làm hay của tổ chức, tập thể trong cải cách hành chính cũng như các sáng kiến, ý tưởng cải cách hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, huyện Cái Bè phối hợp với các sở, ngành tỉnh rà soát cập nhật các dịch vụ công trực tuyến để nâng mức độ toàn trình và thanh toán trực tuyến; tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp hiểu về lợi ích để thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục đã được công bố tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại địa phương trong tương lai.

HÀ NAM - LÊ MINH

.
.
.