.

TP. Mỹ Tho hướng đến chuyển đổi số toàn diện

Cập nhật: 11:37, 19/02/2024 (GMT+7)

TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện. Trong năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Mỹ Tho xác định và chỉ đạo toàn hệ thống chính trị thành phố phải thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh toàn diện chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch”.

TỪNG BƯỚC SỐ HÓA HÀNH CHÍNH CÔNG

Trong những kết quả đạt được trong năm 2023 của TP. Mỹ Tho phải kể đến chính là công tác chuyển đổi số trong cải cách hành chính. Trong năm qua, TP. Mỹ Tho đã tiếp tục phát triển chính quyền số, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động. Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn TP. Mỹ Tho được UBND thành phố tập trung chỉ đạo là nhiệm vụ trọng tâm của TP. Mỹ Tho. Tăng cường triển khai sử dụng ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước để phục vụ công tác cải cách hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp, từng bước xây dựng chính quyền số, hướng đến xây dựng TP. Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh.

Xây dựng chính quyền số là một điểm nổi bật trong chuyển đổi số ở TP. Mỹ Tho. Từ giữa năm 2022, UBND thành phố đã triển khai đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (Văn phòng điện tử) phiên bản mới cho tất cả các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND các phường xã và các trường học trực thuộc UBND thành phố, bao gồm 127 cơ quan, đơn vị và 2.271 tài khoản sử dụng.

Trong năm 2023, đã tiếp nhận và xử lý văn bản đến trên phần mềm là 161.702 văn bản, phát hành văn bản đi là 39.256 văn bản. Tỷ lệ lãnh đạo đã được cấp chứng thư số đạt 100%. Đến nay, TP. Mỹ Tho có 43 cơ quan, đơn vị và  310 cá nhân được cấp chứng thư số. Tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân được cấp chứng thư số đã thực hiện việc ký số văn bản điện tử, gửi qua mạng theo Quy chế và dùng trong số hóa hồ sơ thủ tục hành chính. Hiện ở TP. Mỹ Tho, 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý trên phần mềm một cửa điện tử.

Phố đi bộ tại khu vực Giếng nước dần hình thành và thu hút đông đảo người dân đến vui chơi.                                                                                           Ảnh: Lập Đức
Phố đi bộ tại khu vực Giếng nước dần hình thành và thu hút đông đảo người dân đến vui chơi. Ảnh: Lập Đức

Hiệu quả và mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại TP. Mỹ Tho được nâng cao. Đến nay, hệ thống một cửa điện tử thành phố đã cung cấp 308 dịch vụ công trực tuyến. Kết quả, đến giữa tháng 12-2023, tổng hồ sơ trực tuyến chiếm 80,87% tổng hồ sơ thành phố tiếp nhận. Giải pháp thủ tục hành chính của TP. Mỹ Tho đem đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bằng việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các tính năng thông minh đã phát hiện 3.066 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; giúp điều tra, khám phá 63 vụ án; hỗ trợ nhận diện lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đã tiếp nhận và điều tiết, xử lý tình huống ùn tắc giao thông trong các dịp lễ, tết.

Trạm quan trắc trên sông vận hành tốt, kết quả quan trắc được cập nhật lên app TiengiangS để cung cấp thông tin, theo dõi, cảnh báo độ mặn cho cơ quan quản lý và phục vụ rộng rãi cho người dân trong công tác phòng, chống hạn mặn. Tổng đài 1022 của thành phố cũng đã tiếp nhận và xử lý nhiều phản ánh, kiến nghị, vi phạm trong công tác chỉnh trang đô thị và lĩnh vực vệ sinh môi trường.

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN CÁC LĨNH VỰC

Cùng với xây dựng chính quyền số, tại TP. Mỹ Tho, việc chuyển đổi số còn được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác. Thành phố đã ứng dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia để triển khai thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.

Lĩnh vực y tế, đã triển khai các phần mềm quản lý dân số và quản lý các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây. Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo đồng bộ, liên thông kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Hướng dẫn, thực hiện và giải quyết các vấn đề về sử dụng đất xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động, nhằm phát triển các trạm, cột phát sóng phục vụ phát triển hạ tầng chuyển đổi số, tạo điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số thông qua băng rộng di động và triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.

Lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội đã triển khai phần mềm quản lý người có công, phần mềm quản lý hộ nghèo, phần mềm quản lý đối tượng bảo trợ xã hội, phần mềm quản lý trẻ em, phần mềm cai nghiện ma túy từ thành phố đến phường, xã.

Riêng lĩnh vực giáo dục - đào tạo, 100% các trường phổ thông triển khai sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử; các dịch vụ công phục vụ phụ huynh, học sinh; 100% giáo viên các cấp học, bậc học được tập huấn, bồi dưỡng sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kết hợp học trên lớp và học trực tuyến, kiểm tra và đánh giá kết quả dạy và học qua các nền tảng giáo dục mới. Các trường học thực hiện số hóa tài liệu, giáo trình; 100% học sinh các cấp được tiếp cận kho học liệu trực tuyến và hệ thống học trực tuyến tại các trường.

Lĩnh vực tư pháp, trong năm, Phòng Tư pháp giải quyết 280 trường hợp chứng thực điện tử, đạt tỷ lệ 22%, tỷ lệ này ở cấp xã là 27%. Trong năm 2023, 100% hồ sơ trực tuyến lĩnh vực hộ tịch được tiếp nhận và giải quyết đúng quy định. UBND xã, phường thực hiện số hóa sổ hộ tịch giai đoạn 4, đến nay đã số hóa được gần 201.000 dữ liệu trên tổng số hơn 296.000 dữ liệu cần số hóa.

Lĩnh vực kinh tế cũng là một lĩnh vực ứng dụng số hóa rất tốt ở Mỹ Tho. Trong nông nghiệp và công nghiệp, thành phố đang triển khai thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, luân canh rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao theo tiêu chuẩn VietGAP và gắn kết tiêu thụ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng, chủ đề hành động của năm 2024 được Đảng bộ thành phố xác định là “Đẩy mạnh toàn diện chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch”. Để thực hiện chủ đề này, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng wifi du lịch thông minh tại các điểm du lịch; số hóa một số di tích trên địa bàn. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, cảnh quan môi trường; thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện đối với khách du lịch, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực du lịch.

Song song đó, trong năm 2024, TP. Mỹ Tho sẽ thực hiện mô hình thí điểm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và phát triển sản phẩm OCOP tại xã Thới Sơn; củng cố nâng chất hoạt động du lịch tại xã Thới Sơn; xây dựng và đi vào hoạt động Phố đi bộ tại khu vực Giếng nước; tổ chức Lễ hội Hủ tiếu năm 2024, phát triển loại hình du lịch sông nước kết hợp tâm linh nghỉ dưỡng, tham quan làng nghề, di tích lịch sử văn hóa tâm linh… qua đó nhằm thu hút khách du lịch đến với thành phố ngày càng nhiều hơn.

THỦY HÀ

 

.
.
.